Thần Khí đau khổ và sự chết: Sống theo Thần khí (tiếp theo)

Một trong những nghịch lý gây bỡ ngỡ nhất ở mầu nhiệm Thần khí được biểu hiệu qua hình ảnh nước và máu cùng chảy chung từ cạnh sườn Đức Kitô. Máu chỉ lễ hy tế, nước chỉ Thánh Thần. Đây là sự liên kết lạ kỳ giữa Thần khí sự sống, Thần khí vinh quang, hoan lạc, với khổ đau và sự chết.

Trong đau khổ, kinh nghiệm về Thần khí:

Chính trong đau khổ, một số Kitô hữu có được kinh nghiệm tỏ tường nhất về Thần khí:Than Khi tong cai Chet Hong Phuc

  • Đức Yêsu hứa trước sự hiện diện của Thần khí vào thời bách hại (x.Mt 10, 20).
  • Nhiều đoạn thư nói đến niềm vui trong gian truân thử thách (x. 1Th 1, 6; 2C 7, 4; 1P 4, 14). Vui mừng hoan lạc là ánh quang tỏa ra từ sự hiện diện của Thần khí, vinh quang là một trong các danh hiệu của Thần khí khi Ngài tỏ hiện: Vinh quang ấy được giành cho kẻ thông phần sự thương khó của Đức Kitô (Co 1, 24; Rm 8, 17; Rm 5, 3-5), đau khổ, hy vọng, lòng mến của Thần khí thành những móc xích trong giây chuyền ràng buộc tín hữu vào tương lai họ (Rm 8, 15-17).

Quy luật của Thần khí ?

Có lẽ sự qua lại giữa ân sủng và các thử thách đáp ứng một quy luật hoat động của Thần khí.

Để con người dần dà đạt tới sự thăng tiến bản vị, hướng lên tinh thần, tức cũng là hướng lên Thánh Thần, cần có đau khổ nảy sinh và lớn lên theo tiến trình vươn lên của ý thức và tình yêu nơi con người..

Nơi Đức Kitô trong chức vị Con – chóp đỉnh của lịch sử tạo thành và cứu chuộc – chức vị Con đã thể hiện trong sự viên mãn của Thánh Thần cùng với đau thương.

Liệu khổ đau có là chữ ký của Thần khí trên công cuộc tạo thành và cứu rỗi của Ngài chăng?

  • Một chữ ký khó nhận dạng, vì khổ đau không có giải đáp trên bình diện lý trí.
  • Một chữ ký không tẩy xóa được (cả vinh quang Nước Trời cũng không hủy bỏ, vì nó rạng lên nơi các thương tích Đức Kitô).
  • Một chữ ký như thế vì Thần khí vốn là mầu nhiệm, và dấu vết Ngài trên vũ trụ có tính cách vĩnh cửu.
  • Tuy không có giải đáp về mặt lý trí, nhưng đau khổ lại tìm được ý nghĩa của nó trong một cuộc sống bác ái, được điều động bởi Thần khí: đối với Kitô hữu biết yêu thương, đau khổ không còn phi lý, mà nó làm cuộc sống họ phong phú. Trong đau khổ, Thần khí mạc khải Ngài là chuyên viên tác tạo (gọi cái không có thành có, làm cái vô nghĩa, giàu ý nghĩa (x.Rm 4, 17).

Còn để giải thích sự xích lại giữa Thần khí và sự đau khổ, phải hiểu Thần khí là tình yêu, vì tình yêu với đau khổ có xa lạ gì nhau.

Sự chết.

Hơn cả sự đau khổ, đối với kẻ vô tín, sự chết là ấn triện cùng tột của sự phi lý trên cả tạo thành. Nhưng không có gì phong phú ý nghĩa hơn sự chết của Đức Kitô, nơi trọn cả sự viên mãn Thần khí đậu lại.

Cùng chết với:

  • Kitô hữu sinh ra trong sự sống Thần khí khi nhờ phép Rửa, họ hiệp thông với sự chết của Đức Kitô (x.Rm 6, 3): vậy có sự sống chan hòa của Thần khí đi với sự hiệp thông hoàn toàn vào sự chết của Đức Kitô (x.2Tm 2,ll).
  • Vấn đề cùng chết với:

Dĩ nhiên cái chết không là sự vật, không thể chia sẻ, và cái chết của một người là chính người đó trong cái chết rất riêng tư của họ. Khi chết, người ta hoàn toàn bị cô lập với tha nhân.

Nhưng Đức Kitô đã giúp ta “chết với Ngài” được: Ngài biến đổi được sự chết của con người và bằng cách ấy Ngài cứu vớt họ. Ngài đảo ngược ý nghĩa của cái chết trong chính mình:

  • Tuy bị đóng đinh thập giá, Ngài không thụ động chịu đựng sự chết.
  • Ngài tự dâng hiến mình trong Thần khí vĩnh hằng (x.Hr 9, 14) nhờ thế Ngài đạt tới sự thành toàn.
  • Cái chết của Ngài cũng là cuộc Vượt qua về cùng Cha.
  • Qua cái chết, Ngài phó con người phàm của Ngài để tháp nhập vào Ngôi Lời hằng hướng về Thiên Chúa.
  • Sự chết đi, vươn lên Cha trong tình mến vô hạn, trong viên mãn Thần khí đó là cái chết cứu chuộc.
  • Qua cái chết đó, Đức Giêsu sinh làm Con và sự viên mãn Thần khí nhập vào thâm nội tạo thành, Thần khí thành sở hữu của loài người, Thần khí Con, Thần khí hiệp thông qui tụ loài người trong Mầu nhiệm làm con.
  • Đức Giêsu cứu độ nhân loại bằng cách đưa họ hiệp thông vào sự chết đầy tràn Thánh Thần của Ngài :
    • Ngài quy tụ bởi quyền năng Thần khí.
    • Ngài lôi kéo họ ‘cùng Ngài lên Cha.
    • Ngài tụ họp họ ngay khi chết, khi tuyệt đối hướng về Cha, trong viên mãn Thần khí.
  • Do được tạo dựng là “hữu thể để chết” và “cho Đức Kitô” (x.Co 1, 16) con người cũng được tiền định để hiệp thông với sự chết của Đức Kitô, để chết cái chết hiệp thông viên mãn tức sự sống đời đời trong Thần khí.
    • Sự chết nằm ở tâm điểm kế hoạch tạo thành, vì nó là chóp đỉnh hoạt động của Thần khí tạo dựng và cứu độ.
    • Bề ngoài, nó có vẻ vô nghĩa, nhưng giờ đây cái chết đầy ân sủng Thần khí vì được Ngài tác tạo bằng cách kêu gọi tới “sự hiệp thông với Chúa Con”.
    • Nó đã thành cuộc Vượt qua mà chúng ta cùng sống với Đức Kitô.
    • Nó đã thành “chị em của ta” và cho ta được ca tụng Thiên Chúa (theo tiếng thánh Phanxicô dùng).
  • Các Bí tích chuẩn bị tín hữu “chết với Đức Kitô”, ơn Thánh tẩy và ơn Thánh thể làm ta nên một thân mình với Đức Kitô và hiệp thông với cái chết của Ngài (1C 1, 2; Ep 4, 4; Rm 6, 3; Co 2, 12).
  • Chết trong hiệp thông là kinh nghiệm cuối cùng người tín hữu có được về sự hiện diện của Thần khí.
  • Theo Thánh Phaolô, sự hiện diện này biểu lộ dưới hình thức lòng mến, và rốt cuộc dưới hình thức một cái chết Kitô giáo: ta biết giữa tình yêu và sự chết có liên hệ ruột thịt, vì kẻ yêu mến thì sát tế mình, tế hiến mình. Ước ao chết, đối với Kitô hữu, là để lòng mến được viên mãn (x.Ph 1, 23). Chết đối với người Kitô giáo là yêu thương tuyệt đối, là chính Thần khí Ngôi Con đưa Đức Kitô về cùng Cha, nên chết là sinh hạ. Vậy tín hữu đã sinh từ nước ‘biểu tượng Thần khí’ nay vẫn được sinh, đang khi chết, trong quyền năng Thần khí.

Vai trò của Thần khí trong sự chết.

Trong cái chết của Đức Kitô và của tín hữu, Thần khí vần giữ vai trò mà Ngài vẫn có trong Ba Ngôi.

  • Ngài là tình yêu qua đó Con sinh ra từ Cha và về lại cùng Cha, nên Ngài làm sự chết thành một cuộc chào đời viên mãn, một mũi tên đưa ta về Thiên Chúa.
  • Ngài là một ngôi vị trong hai ngôi vị, nên Ngài liên kết Đức Kitô và ta, làm cho Đức Kitô chia sẻ với ta chính cái chết của Ngài, trong sự duy nhất khôn tả: lời hứa của Đức Kitô “đến Ngày các con biết Ta ở trong các con đã ứng nghiệm”.
  • Chết trong hiệp thông là lời thổ lộ tình yêu triệt để ‘hai người yêu nhau cùng chết tỏ tình triệt để và là căn nguyên hạnh phúc vĩnh hằng: cái chết ấy là hình thức hiện diện trọn vẹn của Thần khí trong Đức Giêsu và trong người tín hữu.

Vậy công thức Phaolô dùng (cùng chết với) mới sáng sủa dễ hiểu làm sao: cuộc Vượt qua của Đức Giêsu là sự viên mãn của tử hệ, trong viên mãn Thần khí, là việc Thần khí dìu Ngài lên Cha. Các tín hữu được nắm bắt trong cùng một sự chết ấy, theo cùng mũi tên bay ấy, trong cùng một Thần khí tử hệ ấy.

Có nhiều người không sẵn sàng từ bỏ cuộc sống thế trần để chết như vậy, dù qua phép Rửa, qua mỗi Thánh lễ và qua cả đời sống, họ đã nhận ơn giúp họ “sống trước” cái chết cứu độ của mình:

  • Họ không chịu đi vào cuộc tình trinh nguyên với lòng bình thản.
  • Họ bám vào giây phút hiện tại chẳng thuộc về đâu, vì nó không còn là cuộc sống trần thế nữa, mà cũng chưa là cuộc sống Nước Trời.
  • Nỗ lực tự do tinh thần để vượt từ xác thịt lên Thần khí không đạt vì họ yếu nhược.
  • Họ không bước vào cánh cửa cuộc Vượt qua cũng là cánh cửa đưa họ vào sự sống, không đón nhận Đức Kitô là luyện hình và Thần khí là lửa luyện họ trong khi họ chết để những ố nhơ của họ được đốt cháy hết và họ được mở ra cho mến thương của Nước Trời.
  • Họ không đón nhận Thần khí là tình yêu nhưng không được ban cho cả những kẻ như họ chưa dám chấp nhận hết mối tình ấy.

Thần khí là sự an ủi.

  • Qua ân sủng tột cùng là phúc lộc Ngài, Thần khí hoàn thành chức năng tuyệt vời của Ngài là Đấng an ủi.
  • Hội Thánh luôn cầu xin để được hưởng sự an ủi của Thần khí và đã được nhậm lời, đặc biệt khi giờ chết điểm lên.
  • Nhờ Thần khí là đấng an ủi tối thượng đã biến sự chết thành hiệp thông cao cả nhất, con người không còn cảm thấy cô đơn trống rỗng vì không liên lạc được với tha nhân. Không còn thấy đau khổ là ngục tù và cái chết là nỗi đơn côi triệt để.

Nhờ Thần khí, Cha đã an ủi Chúa Con trong sự chết bằng cách tôn vinh Con trong Thánh Thần.

Theo F. X. Durrwell, C.Ss.R.

trong “Thần Khí Thánh của Thiên Chúa”

(Còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube