Theo các nhà lãnh đạo Công giáo ở Nigeria, mọi người nên ý thức được những mối nguy hiểm “cả về mặt kinh tế dẫn đến thất nghiệp lẫn các vấn đề luân lý” liên quan đến Trí tuệ nhân tạo, hay AI.
Hôm Chúa nhật, Đức Giám mục Felix Femi Ajakaye Địa phận Ekiti đã nói với các nhà lãnh đạo trong nước tránh đưa ra luật pháp có thể trao cho AI sức mạnh để làm tổn hại đến phúc lợi của người dân ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.
“Trong khi chúng ta tán thành những điều tốt đẹp mà công nghệ đã mang lại cho chúng ta, chúng ta nên ý thức về những mối nguy cơ cả về mặt kinh tế dẫn đến tình trạng thất nghiệp lẫn các vấn đề luân lý đi kèm với nó”, vị Giám chức nói với cộng đoàn tại Nhà thờ Công giáo St. Patrick.
“Chúng ta vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao ở Châu Phi, vào thời điểm chúng ta cho phép trí tuệ nhân tạo này, AI, kiểm soát chúng ta và có mặt ở khắp mọi nơi, rất nhiều người và tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn, gấp ba hoặc nhiều hơn”, vị Giám mục nói.
“Trí tuệ nhân tạo, như chúng ta biết, với tốc độ phát triển của công nghệ, rất nhiều công việc bình thường do con người thực hiện đơn giản sẽ bị máy móc đảm nhận và nếu tình trạng này tiếp diễn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao ở Châu Phi và các quốc gia khác”, Đức Giám mục Ajakaye tiếp tục.
“Kỹ thuật rất tốt nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải chán ngán vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, phải nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và phụng sự Ngài, để qua phương tiện này, chúng ta có được sự cứu rỗi linh hồn. Trí tuệ nhân tạo không có tư duy, không có lương tâm, thiếu hai thứ đó là nguy hiểm. Nếu không thì tương lai của thế giới sẽ rất ảm đạm”, Đức Giám mục Ajakaye nói.
“Thế giới của chúng ta ngày nay đang trong cảnh nô lệ, hãy nhìn vào mức độ thất nghiệp ở Nigeria, tất cả những gã khổng lồ công nghệ đang cắt giảm lực lượng lao động bằng việc sử dụng AI, con người chỉ tìm kiếm lợi ích tài chính, và đó là sự xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa. Chúng ta hãy lên tiếng phản đối trí tuệ nhân tạo; cần có những hạn chế đối với các lĩnh vực sử dụng nó. Nó sẽ gây ra nhiều sự nhầm lẫn trong thế giới của chúng ta”, vị Giám chức nói.
Giáo hội Công giáo ở Nigeria đã dành Chúa nhật vừa qua, ngày cuối cùng của Tuần lễ Truyền thông Thế giới, để thảo luận về AI.
Vatican đã kêu gọi toàn thể Giáo hội xem xét vấn đề này khi công bố vào năm ngoái rằng họ sẽ dành Ngày Truyền thông Thế giới để nói về Trí tuệ Nhân tạo.
Trong một tuyên bố được công bố vào năm ngoái, Vatican cho biết sự phát triển của trí tuệ nhân tạo “làm cho việc giao tiếp thông qua và với máy móc trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết, do đó ngày càng khó phân biệt tính toán với suy nghĩ và ngôn ngữ do máy tạo ra với ngôn ngữ do con người tạo ra”.
“Giống như tất cả các cuộc cách mạng, cuộc cách mạng dựa trên trí tuệ nhân tạo này cũng đặt ra những thách thức mới để đảm bảo rằng máy móc không góp phần vào một hệ thống thông tin sai lệch quy mô lớn”, tuyên bố cho biết.
Vatican cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng “sự cô đơn của những người vốn đã cô đơn, tước đi sự ấm áp mà chỉ sự giao tiếp giữa con người với nhau mới có thể mang lại”.
“Điều quan trọng là phải hướng dẫn trí tuệ nhân tạo và các thuật toán, để mỗi cá nhân có nhận thức có trách nhiệm về việc sử dụng và phát triển các hình thức giao tiếp khác nhau này đi đôi với truyền thông xã hội và Internet. Điều cần thiết là truyền thông phải hướng tới một cuộc sống trọn vẹn hơn của con người”, tuyên bố của Vatican cho biết.
Trong bài giảng tại Nhà thờ Công giáo St. John ở Mararaba, Đức Giám mục David Ajang Địa phận Lafia, cho biết AI đang biến đổi thế giới thông tin và truyền thông, và đang “ảnh hưởng đến tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng các chuyên gia”.
“Chúng ta phải thừa nhận sự phấn khích và bối rối đi kèm với sự đổi mới nhanh chóng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết”, vị Giám chức nói.
“Giáo hội thừa nhận sức mạnh của các phương tiện truyền thông như những món quà có thể thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của con người, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng của chúng nếu không được tiếp cận với sự sáng suốt và trách nhiệm”, Đức Giám mục Ajang tiếp tục.
“Bắt đầu từ trái tim, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của trái tim con người, tượng trưng cho sự tự do, khả năng đưa ra quyết định, tính toàn vẹn và thống nhất. Chúng ta phải dấn thân vào những cảm xúc, ước muốn và ước mơ của mình và gặp gỡ Thiên Chúa ở tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta”, vị Giám chức nói.
“Khi Trí tuệ nhân tạo tiến bộ, chúng ta không được đánh mất nhân tính của mình. Đúng hơn, chúng ta phải gắn kết AI với sự cởi mở và nhạy cảm, bắt đầu từ nhân tính của chúng ta và nỗ lực trở thành một loại người mới có linh đạo, sự tự do và trưởng thành sâu sắc hơn”, Đức Giám mục Lafia nói.
Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama Địa phận Abuja cho biết mọi người không thể mạo hiểm trở nên giàu có về công nghệ nhưng lại nghèo về nhân tính.
“Hành động của chúng ta, được hướng dẫn bởi công nghệ hiện đại, nên bắt đầu từ trái tim con người”, vị Giám chức chia sẻ hôm Chúa nhật.
“Chúng ta không thể mạo hiểm trở nên giàu có về công nghệ nhưng lại nghèo về nhân tính. Hành động của chúng ta, được hướng dẫn bởi công nghệ hiện đại, phải bắt đầu từ trái tim con người. Truyền thông là xây dựng các mối tương quan, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trong một thế giới đầy ồn ào và phiền nhiễu, điều cần thiết là chúng ta phải suy ngẫm về cách chúng ta giao tiếp với nhau và với Thiên Chúa”, Đức Tổng Giám mục Kaigama nói
Minh Tuệ (theo Crux)