Phỏng vấn: Quan sát viên LHQ của Tòa Thánh thảo luận về các giải pháp thay thế hiệu quả cho chiến tranh

Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, , Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York, với Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: Vatican News)

Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, , Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York, với Đức Thánh Cha Phanxicô (Ảnh: Vatican News)

Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề với Truyền thông Vatican, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, nhận xét rằng “các giải pháp quân sự” không hiệu quả và do đó phải chọn những đường hướng khác; và đồng thời cảnh báo rằng mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân đặt ra những mối đe dọa cụ thể đối với sự tồn tại của nhân loại.

Cái gọi là “giải pháp quân sự” không hiệu quả, bằng chứng là hàng nghìn người thiệt mạng, gia đình bị phá hủy, nhà cửa, việc làm và cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, và do đó khiến người ta nhận thức được rằng phải đi theo một đường hướng khác….

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề với Truyền thông Vatican.

Trong cuộc trò chuyện, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh đã thảo luận về những đường hướng dẫn đến hòa bình, đặc biệt là xem xét các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, đồng thời đặt câu hỏi rằng liệu có những công cụ nào, ngay cả trong ngoại giao quốc tế, điều có thể tạo điều kiện cho việc giảm leo thang căng thẳng mà vẫn chưa được sử dụng hay không.

Hơn nữa, Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh thực tế đáng lo ngại về việc chi tiêu chưa từng có cho vũ khí, đồng thời lưu ý rằng những khoản đầu tư như vậy sẽ được chi tiêu tốt hơn cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội và ngăn ngừa xung đột; sự cần thiết cần phải khôi phục lòng tin và cơ cấu ngoại giao cũng như sự hợp tác; và sự bận tâm sâu sắc của Giáo hội đối với mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân, vốn là “mối đe dọa hiện hữu đối với toàn thể nhân loại”.

Đã từng là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc trong 5 năm, Đức Tổng Giám mục Caccia cũng tiết lộ những gì ngài tin là cần thiết để tổ chức quốc tế vĩ đại này đóng một vai trò hiệu quả hơn trong việc ủng hộ hòa bình.

*****

Kính thưa Đức Tổng Giám mục, trong bối cảnh kịch tính hiện nay, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đưa ra lời kêu gọi hòa bình. Dựa trên kinh nghiệm của ngài, làm thế nào có thể tìm ra con đường dẫn đến hòa bình, đặc biệt là trong các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông?

Không ai có giải pháp “thần kỳ” cho những xung đột như vậy, nảy sinh từ vô số nguyên nhân và từ những góc nhìn khác nhau của những người cầm đầu phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, điều ngày càng quan trọng là phải can đảm, và với sự xác quyết, lặp lại rằng chỉ có hòa bình mới là giải pháp, và con đường bạo lực và xung đột thay vào đó lại gây ra sự chết chóc, kéo dài sự bất công và nuôi dưỡng sự hận thù. Người ta nhận ra rằng – vẫn nằm trong hai trường hợp xung đột được đề cập – cái gọi là “giải pháp quân sự” không những không hiệu quả mà còn không có khả năng hình dung ra một tương lai khác. Chính nhận thức này, thật không may, đồng nghĩa với việc hàng nghìn sinh mạng bị cướp đi, gia đình bị phá hủy, nhà cửa, việc làm và cơ sở hạ tầng bị hủy hoại, nghịch lý thay lại nảy sinh ra nhận thức rằng phải đi theo một con đường khác, và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, nhưng cũng có rất nhiều lý do và những con người có thể bước đi trên con đường hòa bình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng việc tìm ra những con đường hòa bình đòi hỏi sự cam kết chân thành từ tất cả các bên liên quan, đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng, và trên hết, sự sẵn sàng gạt bỏ những chia rẽ và cùng nhau làm việc vì công ích, thúc đẩy tinh thần hòa giải và tình liên đới.

Theo ý kiến của Đức Tổng Giám mục Caccia, có công cụ nào có thể tạo điều kiện cho việc làm giảm leo thang căng thẳng mà vẫn chưa được sử dụng, ngay cả trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế không? 

 Toàn bộ Chương VI của Hiến chương Liên hợp quốc đề cập đến việc giải quyết một cách ôn hòa các tranh chấp “bằng việc đàm phán, điều tra, dàn xếp, hòa giải, làm trọng tài phân xử, giải quyết tư pháp, nhờ đến các cơ quan hoặc thỏa thuận khu vực”, trong đó có thể bổ sung thêm một loạt sáng kiến nhân đạo, vốn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được các giải pháp như vậy. Do đó, có rất nhiều chỗ cho các sáng kiến ​​khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là sự sẵn sàng kiên quyết chung để sử dụng chúng theo luật pháp quốc tế, nếu không thì khó thực hiện chúng trên thực tế.

Chiến tranh đã trở lại vị trí hàng đầu trong những năm gần đây. Ngoài ra còn có các cuộc chiến bị giới truyền thông lãng quên, chẳng hạn như ở Myanmar, Sudan, Syria, Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo… Điều  gì khiến ngài lo lắng nhất về bầu khí đầy biến động toàn cầu này, nơi có nhiều quốc gia, theo báo cáo gần đây của SIPRI, đang ngày càng chi tiêu cho vũ khí? 

Điều khiến tôi lo ngại nhất là nguy cơ “leo thang” xung đột và sự kéo dài đau khổ của con người ngày càng gia tăng. Cuộc chạy đua vũ trang này cũng đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ vốn sẽ được chi tiêu tốt hơn cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội và ngăn ngừa xung đột. Cơ bản hơn, tất cả những điều này cho thấy một ảo tưởng nguy hiểm rằng an ninh được tạo ra bằng vũ lực và việc sở hữu vũ khí, trong khi nó là kết quả của những mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và tinh thần trách nhiệm. Theo nghĩa này, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với “tình huynh đệ” hay “tình bạn xã hội” chắc chắn đòi hỏi một sự “hoán cải” cần thiết nếu muốn đạt được mục tiêu hòa bình.

Nhiều lần, Đức Tổng Giám mục đã cảnh báo về mối nguy hiểm to lớn của vũ khí hạt nhân mà nhiều quốc gia sở hữu. Theo quan điểm của ngài, những rủi ro mà nhân loại đang phải đối mặt ở giai đoạn lịch sử này là gì?

Giáo hội Công giáo, trung thành với học thuyết về phẩm giá con người và cổ võ hòa bình, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Những vũ khí này đại diện cho mối đe dọa hiện hữu đối với toàn thể nhân loại, vì chúng có thể gây ra sự tàn phá trên diện rộng, làm tổn hại đến môi trường và gây ra những đau khổ không thể tả xiết cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Theo nghĩa này, có một sự lên án rõ ràng không chỉ đối với việc sử dụng mà còn cả việc sở hữu những vũ khí đó, là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, vì chúng mâu thuẫn với nguyên tắc cân xứng trong phòng thủ, có nguy cơ gây ra sự thiệt hại bừa bãi và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, tôi xin nói thêm rằng, theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, ngoài nguy cơ hạt nhân, còn có hai thực tế khác gây nguy hiểm toàn cầu cho nhân loại hiện nay, đó là biến đổi khí hậu và sự phát triển không kiểm soát của cái gọi là Trí tuệ nhân tạo. Trên cả ba mặt trận đầy kịch tính này, tiếng nói của Giáo hội đều được lắng nghe một cách rõ ràng và thuyết phục: liên quan đến các vấn đề hạt nhân, Tòa Thánh, ngoài việc phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, còn thúc đẩy hiệp ước gần đây đối với lệnh cấm hoàn toàn các loại vũ khí này, vốn có hiệu lực đối với các quốc gia ký kết vào tháng 1 năm 2021. Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, chỉ cần nhớ đến Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô và Tông Huấn Laudate Deum gần đây nhân dịp Hội nghị các bên ở Dubai vào tháng 12 năm ngoái. Cuối cùng, về vấn đề Trí tuệ nhân tạo, Đức Thánh Cha đã gửi Sứ điệp Ngày Thê giới Hòa bình vào ngày 1 tháng 1 năm nay đặc biệt về chủ đề này, và hiện tại ngài đang chuẩn bị tham gia cuộc họp G7 vào tháng tới tại Puglia, nơi sẽ đặc biệt đề cập đến khía cạnh luân lý của nó.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng tình hình thù địch và đối đầu ngày càng gia tăng mà nhiều nơi trên thế giới đang trải qua cũng là do sự suy yếu của các cơ cấu ngoại giao đa phương xuất hiện sau Thế chiến thứ hai. Theo ngài, sự suy yếu này thể hiện rõ nhất ở đâu?

Có sự xói mòn sự tin tưởng sâu sắc và lan rộng giữa các bên trong bối cảnh ngoại giao đa phương. Thay vào đó, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia sẽ thúc đẩy tinh thần hợp tác, đối thoại cởi mở và giải quyết xung đột một cách ôn hòa. Nếu không có sự tin tưởng, các mối quan hệ quốc tế có thể được đặc trưng bởi sự nghi ngờ, cạnh tranh và thù địch, khiến việc đạt được các thỏa thuận và thỏa hiệp nhằm thúc đẩy công ích và hòa bình lâu dài trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, người ta có thể lưu ý đến việc sử dụng ngày càng nhiều quyền phủ quyết và đặc biệt là quyền phủ quyết chéo trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chỉ trong hơn 5 tháng, nó đã được sử dụng đến 6 lần: trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, chỉ có năm 2017 có nhiều hơn, 7 lần, nhưng trong suốt cả năm.

Đức Tổng Giám mục đã phục vụ với tư cách là Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên hợp quốc được 5 năm. Điều gì là cần thiết để tổ chức quốc tế vĩ đại này đóng một vai trò hiệu quả hơn trong việc ủng hộ hòa bình?

Trước hết, bất chấp những khó khăn đã được chỉ ra một cách chính đáng từ nhiều phía khác nhau, đối với tôi, có vẻ như cần phải tái khẳng định với sự xác quyết rằng bản thân sự tồn tại của Tổ chức này đã là một thành tựu to lớn và một cơ hội lớn. Suy cho cùng, nó là công cụ duy nhất dành cho toàn bộ cộng đồng quốc tế để gặp gỡ, đương đầu và đối thoại lâu dài và ổn định. Giống như ở tất cả các thể chế, những điều chỉnh liên tục là cần thiết để theo kịp thời đại, và theo nghĩa này, có nhiều quy trình khác nhau nhằm thúc đẩy việc cải cách hệ thống. Nhưng trước hết, đối với tôi, dường như các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý của chúng; công cụ, cơ chế cũng không thiếu. Có lẽ cần phải tái khám phá tinh thần đã truyền cảm hứng cho việc thành lập Tổ chức này cách đây gần 80 năm trước nhằm tìm ra những đường hướng mà ngày nay có thể dẫn đến hòa bình. Đối với tôi, có vẻ như đây chính là nguyên tắc trong “Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai” tiếp theo sẽ được tổ chức tại New York vào tháng 9 tới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube