Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi 'tin tưởng vào khoa học' và gọi vắc-xin là dấu chỉ của niềm hy vọng

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành khi đọc lời cầu nguyện buổi trưa của Angelus từ cửa sổ phòng thu của mình nhìn ra Quảng trường St.Peter, tại Vatican, Chủ nhật, ngày 5 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Andrew Medichini / AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành trong giờ Kinh Truyền Tin từ cửa sổ Điện Tông Tòa nhìn ra Quảng Trường Thánh Phêrô tại Vatican, Chúa nhật, ngày 5 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: Andrew Medichini / AP)

Phản ứng trước những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về vắc xin quốc tế, Đức Thánh Cha Phanxicô trong phần lời tựa cho cuốn sách mới của một nhà báo người Ý đã gọi vắc xin là dấu chỉ của hy vọng giữa cơn ác mộng toàn cầu, và đồng thời kêu gọi mọi người tin tưởng vào những gì khoa học nói.

“Ngày nay chúng ta cũng phải tìm thấy hy vọng và tin tưởng vào khoa học: nhờ có vắc-xin, chúng ta đang một lần nữa dần quay trở lại nhìn thấy ánh sáng, chúng ta đang trỗi dậy khỏi cơn ác mộng tồi tệ này”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

Phần Lời nói đầu là một phần của cuốn sách mới có tựa đề “Beyond the Storm” (Thoát khỏi cơn giông tố) của nhà báo người Ý Fabio Marchese Ragona của hãng tin Mediaset, và dựa trên một cuộc phỏng vấn mà Đức Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện với hãng tin này vào hồi tháng Giêng. Cuốn sách sẽ không được bày bán cho đến mùa xuân năm sau, nhưng phần Lời nói đầu đã được phát hành trước cho giới truyền thông Ý.

Trong suốt năm, khi tỷ lệ lây nhiễm vi rút biến động, các yêu cầu về vắc xin đã gia tăng đều đặn trên khắp châu Âu và phần lớn thế giới, với việc nhiều quốc gia yêu cầu “Thẻ Xanh” chứng minh việc tiêm chủng cho các hoạt động cơ bản trong nhà.

Kể từ ngày 6 tháng 8, Ý đã thông qua luật bắt buộc phải có Thẻ Xanh hoặc xét nghiệm COVID-19 âm tính cho một loạt các hoạt động bao gồm ăn uống trong nhà, đi tập thể dục, xem phim hoặc đến các bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Vatican, hoặc tham dự các buổi hòa nhạc trong nhà, trong số những hoạt động khác.

Ngay sau đó, chính phủ Ý đã bắt buộc tiêm chủng COVID-19 cho tất cả học sinh, giáo viên và giáo sư, từ các trường mầm non đến đại học, như một biện pháp an toàn và để tránh việc đóng cửa các trường học nếu kết quả xét nghiệm COVID cho kết quả dương tính.

Người ta đã nói về việc mở rộng hơn nữa các yêu cầu về vắc-xin này khi mùa hè kết thúc, có thể khiến Thẻ Xanh trở thành một yêu cầu đối với phương tiện giao thông công cộng, hoặc biến nó trở thành một yêu cầu chung của quốc gia, vốn đã vấp phải sự phản đối gay gắt của một số người.

Trong khi các cuộc biểu tình phản đối vắc-xin ở Ý phần lớn là thất bại, với rất ít người biểu tình xuất hiện tại các điểm tập trung vào ngày giờ đã định, ở các quốc gia châu Âu khác như Pháp, nơi cần phải có thẻ sức khỏe để vào các quán cà phê, nhà hàng, các viện bảo tàng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm và phương tiện giao thông đường dài, các cuộc biểu tình đã trở nên rầm rộ hơn, với hơn 200 cuộc biểu tình với khoảng 170.000 người đã được tổ chức kể từ ngày 9 tháng 8.

Trong phát biểu gần đây, Tổng thống Ý Sergio Matarella đã kêu gọi người dân không lợi dụng “tự do” như một cái cớ để từ chối tiêm vắc-xin, đồng thời cũng cho biết rằng “không nên viện dẫn tự do để trốn tránh tiêm chủng, bởi vì hành động đó gây nguy hiểm cho sức khỏe của người khác, và trong một số trường hợp, gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác”.

Những người từ chối tiêm chủng, ông Matarella nói, ngoại trừ những người không thể tiêm vắc-xin vì lý do sức khỏe chính đáng và tiếp tục có cuộc sống bình thường “buộc tất cả những người khác phải hạn chế quyền tự do của họ” thông qua việc tiếp tục các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển.

Vì vậy, tự do không chỉ là sự độc lập của từng cá nhân, mà gắn liền với “nghĩa vụ liên đới chung”, ông Matarella nói, và đồng thời kêu gọi khoa học phải được hỗ trợ “mọi lúc và mọi hoàn cảnh”.

Trong phần Lời nói đầu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết đại dịch đối với nhiều người là “thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta”, nhưng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không từ bỏ hy vọng.

Trích dẫn bài chia sẻ trong buổi Tiếp kiến chung vào vào ngày 20 tháng 9 năm 1978 của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I, người có thể được chấp thuận tuyên phong Chân Phước vào mùa thu này, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng hy vọng “‘là một đức tính bắt buộc đối với mọi Kitô hữu’, nảy sinh từ sự tin tưởng vào ba chân lý: ‘Thiên Chúa là Đấng Toàn năng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng vô tận, Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Ngài’”.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng, một phần nhờ vào vắc-xin, các buổi tiếp kiến chung tại Vatican đã bắt đầu diễn ra có sự tham dự của các tín hữu hành hương, điều mà ngài nói, “là một món quà thực sự”, bởi vì trong khi công nghệ đã trở nên hết sức hữu ích trong suốt nhiều tháng ròng rã cách ly xã hội, “điều quan trọng là phải nhắc lại rằng các cuộc gặp gỡ trực tiếp quan trọng như thế nào”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các nhà khoa học đã phát triển các loại vắc-xin, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với “những người đã nghiên cứu trong nhiều tháng trời về sự kết hợp phù hợp để có được các loại vắc-xin hiệu quả”, cũng như cám ơn các bác sĩ, y tá và tình nguyện viên đã chăm sóc rất nhiều người trong suốt đại dịch.

“Thách thức thực sự đó chính là cam kết đảm bảo rằng tất cả mọi người trên thế giới đều được tiếp cận với vắc xin một cách đồng đều”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng vắc-xin “có thể cứu rất nhiều mạng người”, và đồng thời kêu gọi các tín hữu ghi nhớ “những điều lịch sử đã dạy chúng ta về những căn bệnh khủng khiếp khác trong quá khứ”, có thể liên quan đến những đợt bùng phát dịch bệnh như đậu mùa, hoặc bại liệt, mà cuối cùng đã tiêu biến sau sự xuất hiện của các loại vắc xin.

“Đã đến lúc phải xắn tay áo lên đường và bắt đầu lại, hãy nắm lấy tay nhau, nhìn thẳng vào người lân cận của mình và nói: ‘Hãy gắn bó với nhau, đó là cách chúng ta sẽ làm điều đó’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong phần Lời nói đầu, đồng thời ngài cũng cho biết thêm rằng: “Con thuyền sẽ không chìm nếu mọi người cam kết chèo chống và giữ nó luôn nổi trên mặt nước”.

“Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban ân sủng của niềm hy vọng và biết luôn ngợi khen Ngài, thậm chí ngay cả trong thời điểm đại dịch này, bởi vì Ngài là người bằng hữu trung thành không bỏ rơi chúng ta và là Đấng yêu thương chúng ta vô bờ bến”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube