Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục giới trẻ Nam Á đừng phủ nhận tình huynh đệ ngay cả khi bị bách hại

Khi Thượng Hội đồng sắp đến gần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện trực tuyến trong một tiếng rưỡi đồng hồ với 12 sinh viên đại học đến từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal và cộng đồng người Ấn Độ ở Vịnh Ba Tư. Đức Thánh Cha thúc giục họ phấn đấu vì lý tưởng của mình, nhưng luôn luôn “chìa tay giúp đỡ người khác”. Đối với Đức Thánh Cha, “giáo dục phải miễn phí, phải là một quyền” dành cho tất cả mọi người.

studentiAsia

Đức Thánh Cha Phanxicô và 12 sinh viên Ấn Độ, Pakistan và Nepal đến từ các trường đại học Công giáo địa phương đã tham gia cuộc gặp gỡ trực tuyến có chủ đề “Xây dựng những cầu nối ở Nam Á”, do Đại học Loyola Chicago, một cơ sở của Dòng Tên, phối hợp với Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh tổ chức.

Một số chủ đề đã được đề cập trong sự kiện này, như khó khăn trong việc sống đức tin Kitô giáo trong một bối cảnh thù địch, vốn thường có thể trở thành cuộc đàn áp công khai ở Nam Á; sự cần thiết của việc không cam chịu trước những sự thật nửa vời tràn ngập trên mạng xã hội, làm phân cực xã hội; chưa kể đến tình trạng “hàng hóa hóa giáo dục” đang ngày càng gia tăng, điều cũng đang ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục ở châu Á.

Cuộc gặp gỡ hôm 26 tháng 9 là sự kiện thứ ba trong một sáng kiến phản ánh tinh thần của Thượng Hội đồng về Hiệp hành sắp khai mạc ở Rôma; hai cuộc gặp gỡ còn lại có sự tham gia của giới trẻ ở Châu Mỹ Latinh và Châu Phi.

Trong một tiếng rưỡi, Đức Thánh Cha Phanxicô lắng nghe các câu hỏi và trả lời của các bạn sinh viên. Phần thứ ba của cuộc gặp gỡ đặc biệt căng thẳng khi ba phụ nữ trẻ – Florina đến từ Ấn Độ, Niru Maya đến từ Nepal và Sheril đến từ Pakistan – đặc biệt nói về sự khó khăn khi sống đức tin Kitô giáo của họ trong bối cảnh bị áp bức và bách hại.

Florina đã đề cập đến sự đau khổ của các Kitô hữu tại bang Manipur của Ấn Độ, nơi bạo lực giữa các sắc tộc bùng phát vào tháng 5 và ngày càng mang hàm ý tôn giáo. “Làm thế nào chúng con có thể đối mặt với những tình huống này với tư cách là người Kitô hữu?”, Florina hỏi Đức Thánh Cha.

PapaGiovaniAsia

Đức Thánh Cha cho biết ngài rất cảm động trước những câu chuyện của họ, trích dẫn nhiều người vô tội như “người phụ nữ đã chịu cảnh tù đày rất nhiều năm mà không làm gì sai trái”, Đức Thánh Cha nói, có lẽ ám chỉ Asia Bibi.

“Căn nguyên của sự bất khoan dung nằm ở đâu?”, Đức Thánh Cha tự hỏi. Khi đưa ra câu trả lời, ngài mời gọi mọi người hãy tìm ra câu trả lời “theo một ý tưởng hơn là trái tim. Khi một truyền thống, thậm chí là một truyền thống Kitô giáo, hành xử như vậy, nó sẽ trở thành hệ tư tưởng tự sát của chúng ta”.

Tiếp nối lời chứng của Miru Naya người Nepal (“Thiên Chúa có kế hoạch cho tôi”), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy kiên trì trên con đường này. “Làm chứng cho Tin Mừng bằng cuộc sống của mình là điều duy nhất quan trọng”, Đức Thánh Cha nói. “Hãy tiếp tục có những ước mơ. Đừng ngừng dang tay ra giúp đỡ người khác; hãy nhớ rằng chúng ta là anh chị em với nhau”.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi tất cả những người trẻ khác hãy sáng tạo và nuôi dưỡng lòng tự trọng của mình trong việc đối thoại với người khác.

Khi nghe lời chứng của một phụ nữ trẻ thuộc cộng đồng người Ấn Độ ở Vịnh Ba Tư nói về sự khó khăn trong việc giữ mối liên hệ với cội nguồn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn hình ảnh viên kim cương trở thành một thứ gì đó khác với một mảnh thủy tinh chỉ bằng cách đục đẽo các mặt khác nhau của nó.

Một chủ đề khác được giới trẻ ở Nam Á rất quan tâm là mối quan hệ với các công nghệ mới và phương tiện truyền thông xã hội, vốn được sử dụng quá thường xuyên để tuyên truyền những điều sai trái và tham gia vào các chiến dịch thù hận làm trầm trọng thêm sự phân biệt đẳng cấp cổ xưa.

Trong câu trả lời của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “sự hòa hợp không phải là sự đồng nhất, mà là vẻ đẹp của những sự khác biệt”.

Đức Thánh Cha mời gọi giới trẻ tái khám phá các hình thức giao tiếp khác, chẳng hạn như thơ ca. “Hồi sinh viên tôi làm thơ, đọc xong ngượng ngùng… Mỗi người trong các con là một bài thơ”.

Bị thu hút bởi Sagarika, một sinh viên Ấn Độ, người nêu ra vấn đề giáo dục đang trở nên bị hàng hóa hóa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “giáo dục phải miễn phí, là một quyền chứ không phải một hình thức làm giàu. Chúng ta phải nỗ lực vì vấn đề này”.

Cuối cùng, khi chia tay các sinh viên đại học trẻ Ấn Độ, Pakistan và Nepal, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ họ: “Hãy tiến bước đừng sợ hãi. Cha sẽ cho các con một lời khuyên: Đừng đánh mất khiếu hài hước; điều đó sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của các con”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube