Đức Phanxicô: ‘Việc tuân giữ các giới luật cứng nhắc không dẫn đến sự thánh thiện’

Đức Giáo hoàng Phanxicô đội chiếc mũ xanh lam trong buổi tiếp kiến chung của ngài tại hội trường Paul VI tại Vatican ngày 1 tháng 9 năm 2021. (Ảnh: CNS / Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đội một chiếc mũ xanh lam trong buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI tại Vatican ngày 1 tháng 9 năm 2021 (Ảnh: CNS / Truyền thông Vatican)

Dưới đây là nội dung bài chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung mỗi thứ Tư hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô, được phân phối vào ngày 1 tháng 9 năm 2021:

Anh chị em thân mến, mến chào toàn thể anh chị em!

Chúng ta sẽ tiếp tục phần giải thích Thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Ga-lát. Đây không phải là điều gì đó mới mẻ, lời giải thích này, đó là giải thích của tôi: điều chúng ta đang học hỏi là điều Thánh Phaolô nói trong một cuộc xung đột rất nghiêm trọng với tín hữu Ga-lát. Và nó cũng là Lời Chúa, vì nó đã đi vào Kinh Thánh. Chúng không phải là những thứ mà ai đó tạo ra: không phải vậy. Nó là một điều gì đó đã xảy ra vào thời điểm đó và có thể tự lặp lại. Đây chỉ đơn giản là một bài chia sẻ giáo lý về Lời Chúa được bày tỏ trong Thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu Ga-lát; không có gì khác.

Điều này phải luôn được ghi nhớ. Và trong bài chia sẻ Giáo lý trước, chúng ta đã thấy Thánh Phaolô Tông đồ cho các tín hữu Ga-lát Christ đầu tiên thấy sự nguy hiểm như thế nào khi rời bỏ con đường mà họ đã bắt đầu khởi sự bằng cách đón nhận Tin Mừng. Thật vậy, rủi ro đó là sự nhượng bộ chủ nghĩa hình thức, một trong những cám dỗ dẫn đến thói đạo đức giả, mà chúng ta đã đề cập ở lần trước. Việc nhượng bộ chủ nghĩa hình thức, và phủ nhận phẩm giá mới mà họ đã lãnh nhận: phẩm giá của những người được Chúa Kitô cứu chuộc. Đoạn văn chúng ta vừa nghe là phần mở đầu trong phần thứ hai của Bức thư. Cho đến nay, Phaolô đã nói về cuộc đời và ơn gọi của mình: về việc ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi sự tồn tại của ông, đặt sự tồn tại đó hoàn toàn vào việc phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng. Tại thời điểm này, ông trực tiếp kêu gọi các tín hữu Ga-lát: ông đặt trước mặt họ những lựa chọn mà họ đã đưa ra và tình trạng hiện tại của họ, điều có thể làm vô hiệu kinh nghiệm về ân sủng mà họ đã trải nghiệm.

Và những từ ngữ mà Thánh Phaolô Tông đồ dùng để nói với các tín hữu Ga-lát chắc chắn không nhã nhặn: chúng ta đã nghe. Trong những Thư khác, có thể dễ dàng tìm thấy các cụm từ như “Anh em” hoặc “Anh em thân mến”; ở đây không, bởi vì ngài đang tức giận. Thánh Phaolô đề cập “những người Ga-lát” một cách chung chung và không ít lần gọi họ là “ngu xuẩn”, đây không phải là một thuật ngữ tao nhã. Ngu xuẩn, vô tri, có thể có nhiều ý nghĩa… Ngài làm như vậy không phải vì họ không thông minh, nhưng vì hầu như họ không nhận ra điều đó, họ có nguy cơ đánh mất đức tin nơi Đức Kitô mà họ đã đón nhận với biết bao sự hăng hái. Họ ngu xuẩn bởi vì họ không ý thức được rằng điều nguy hiểm đó là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp, sự mới mẻ của Đức Kitô. Sự ngạc nhiên và buồn phiền của Thánh Phaolô Tông đồ rất rõ ràng. Không phải là không có sự đau đớn chua xót, Phaolô thúc giục các Kitô hữu đó nhớ lại lời rao giảng đầu tiên của ông, mà qua đó ông mang lại cho họ khả năng đạt được một sự tự do mới, cho đến nay vẫn luôn là điều bất ngờ.

Thánh Phaolô Tông đồ đặt ra một số câu hỏi với các tín hữu Ga-lát, với ý định đánh động lương tâm của họ: đây là lý do tại sao những câu hỏi đó rất mạnh mẽ. Đó là những câu hỏi tu từ, bởi vì các tín hữu Ga-lát ý thức rõ rằng việc họ đến với đức tin nơi Đức Kitô chính là hoa trái của ân sủng đã lãnh nhận qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đưa họ trở lại điểm xuất phát của ơn gọi Kitô hữu. Lời họ đã lắng nghe từ Phaolô chú trọng vào tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện cách trọn vẹn qua Cuộc Khổ Nạn và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Phaolô không thể nào tìm được cách diễn đạt thuyết phục hơn về điều mà có lẽ ông đã lặp lại với họ nhiều lần trong lời rao giảng của mình: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Phaolô không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh (x. 1 Cr 2: 2). Các tín hữu Ga-lát phải nhìn vào sự kiện này, không để mình bị phân tâm bởi những lời rao giảng khác.

Tóm lại – ý định của Phaolô đó là thúc bách các Kitô hữu nhận ra điều gì đang bị đe dọa, để họ không tự cho phép bản thân mình bị huyễn hoặc bởi tiếng nói của những kẻ quyến rũ muốn dẫn họ đến một lòng mộ đạo chỉ dựa trên việc tuân giữ các giới luật một cách quá cẩn thận tỉ mỉ. Bởi vì họ, những người rao giảng mới đến đó ở Ga-lát, đã thuyết phục các Kitô hữu rằng họ nên quay trở lại và trở về với những giới luật mà họ đã tuân giữ và hoàn thiện trước sự quang lâm của Đức Kitô, vốn là sự nhưng không của ơn cứu độ.

Bên cạnh đó, các tín hữu Ga-lát nhận thức rất rõ những điều Thánh Phaolô Tông đồ muốn nói đến. Chắc chắn họ đã có kinh nghiệm về tác động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đoàn của họ: cũng như trong các Giáo hội khác, lòng bác ái và các đặc sủng khác nhau cũng đã thể hiện ở giữa họ. Khi chịu thử thách, họ phải đáp lại rằng những gì họ đã trải qua là kết quả của sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Do đó, sự khởi đầu của việc đến với đức tin của họ là sáng kiến của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Chúa Thánh Thần đã trở thành tác nhân đối với kinh nghiệm của họ; để đặt Ngài vào bối cảnh hiện tại nhằm mang lại vị thế ưu việt cho các hoạt động của chính họ – cụ thể là, việc thực hiện các giới luật trong Lề luật – sẽ là một điều ngu xuẩn. Sự thánh thiện xuất phát từ Chúa Thánh Thần và là sự nhưng không của ơn cứu độ bởi Chúa Giêsu: điều khiến chúng ta được trở nên công chính.

Theo cách này, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy tư: chúng ta sống đức tin của mình như thế nào? Liệu tình yêu của Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh và sống lại, có tiếp tục là trung tâm điểm của cuộc sống hàng ngày của chúng ta như là nguồn mạch của ơn cứu độ, hay chúng ta bằng lòng với một vài nghi thức tôn giáo hầu cứu vớt lương tâm của chúng ta? Làm thế nào để chúng ta sống đức tin của mình? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quý giá, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Đức Kitô, hay chúng ta thích điều gì đó thu hút chúng ta nhất thời nhưng sau đó lại khiến chúng ta trống rỗng bên trong? Những điều phù du chóng qua thường hay tìm đến chúng ta vào thời này, nhưng nó là một ảo ảnh đáng buồn, khiến chúng ta nhượng bộ sự hời hợt chóng qua và ngăn cản chúng ta nhận ra đâu là điều thực sự đáng để chúng ta tìm đến.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xác tín rằng, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ quay lưng lại, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tuôn đổ muôn ân sủng của Ngài. Trong suốt dòng lịch sử, thậm chí ngay cả ngày nay, những sự việc xảy ra với chúng ta cũng giống với những gì đã xảy ra với các tín hữu Ga-lát. Thậm chí ngày nay, người ta tìm đến và khen ngợi chúng ta, và hô hào rằng, “Không, sự thánh thiện hệ tại nơi những giới luật này, nơi những điều này, bạn phải làm điều này điều kia”, và đề xuất một lòng mộ đạo bất di bất dịch, sự không linh hoạt khiến chúng ta mất tự do trong Chúa Thánh Thần mà ơn cứu độ của Đức Kitô ban cho chúng ta.

Hãy cẩn trọng với sự cứng nhắc mà họ đề xuất với anh chị em: hãy cẩn thận. Bởi vì đằng sau mỗi sự cứng nhắc thiếu linh hoạt đều có điều gì đó xấu xa, vốn không xuất phát từ Thần khí của Thiên Chúa. Và vì lý do này, Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề nghị có phần chính thống này cản trở đời sống thiêng liêng của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta tiến bước trong ơn gọi vượt qua của Chúa Giêsu. Đây là điều mà Thánh Phaolô Tông đồ nhắc lại với các tín hữu Ga-lát khi ngài nhắc họ rằng Chúa Cha “rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em” (Gl 3: 5). Thánh Phaolô nói ở thì hiện tại, ngài không nói “Chúa Cha đã rộng ban Thần Khí cho anh em”, chương 3, câu 5, không phải vậy: Thánh Phaolô nói – “rộng ban”; ngài không nói, “đã thực hiện”, ngài nói “thực hiện”.

Bởi vì, bất chấp tất cả những trở ngại mà chúng ta có thể đặt ra cho hoạt động của Ngài, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi chúng ta mà còn ở với chúng ta qua tình yêu thương xót của Ngài. Thiên Chúa cũng giống như người cha ấy, ngày nào cũng ra chỗ đất cao trước nhà để ngóng trông xem đứa con trai của mình có trở về hay không: tình yêu thương của người Cha không bao giờ khiến chúng ta mệt mỏi. Chúng ta hãy cầu xin sự khôn ngoan để luôn luôn ý thức về thực tại này, và đồng thời từ chối những người theo trào lưu chính thống, những người đề xuất cho chúng ta một lối sống khổ hạnh giả tạo, xa rời sự phục sinh của Chúa Kitô. Sự khổ hạnh là điều cần thiết, nhưng phải là sự khổ hạnh trong sự khôn ngoan, chứ không giả tạo.

Minh Tuệ (theo America)

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube