Đức Phanxicô: ‘Truyền thông phải bao trùm và trung thực’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón ông Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông (Ảnh: Truyền thông Vatican/ Divisione Foto)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón ông Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông (Ảnh: Truyền thông Vatican/ Divisione Foto)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về trách nhiệm của những người tham gia lĩnh vực truyền thông khi khuyến khích họ luôn tìm kiếm sự thật, chống lại những phát ngôn thù hận, lên tiếng cho những người không có tiếng nói, và kiềm chế truyền bá những quan điểm cá nhân.

Nhiệm vụ của những người làm công tác truyền thông là “khuyến khích sự gần gũi, lên tiếng cho những người bị loại trừ, thu hút sự chú ý đối với những gì chúng ta thường loại bỏ và phớt lờ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhân viên của Vatican và các tham dự viên tham gia Hội nghị toàn thể của Bộ Truyền thông.

Trong buổi tiếp kiến vào sáng thứ Bảy tại Điện Clementine thuộc Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha nhắc nhở những người hiện diện rằng tiếng nói của Thiên Chúa phải vang dội trong công việc của họ.

Ba nền tảng của truyền thông

Trong bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra ba điểm mà truyền thông phải hướng tới: “làm cho mọi người bớt cô độc”, “lên tiếng cho những người không có tiếng nói”, và tự rèn luyện bản thân hướng tới truyền thông một cách trung thực.

Đức Thánh Cha cho biết rằng nếu truyền thông “không làm giảm bớt cảm giác của sự cô độc mà rất nhiều người đàn ông và phụ nữ cảm thấy bị cuốn vào”, thì “đó chỉ là trò giải trí”.

Một người cảm thấy bớt cô đơn hơn, Đức Thánh Cha giải thích, khi họ nhận ra rằng “những vấn đề, những hy vọng, những cuộc tranh đấu mà họ canh cánh trong lòng, được phản ánh ra bên ngoài”.

Chỉ có một Giáo hội đắm chìm trong thực tại mới thực sự biết được điều gì đang diễn ra trong trái tim của con người đương thời, Đức Thánh Cha nói, đồng thời lưu ý rằng truyền thông thực sự bắt nguồn từ việc lắng nghe, từ việc gặp gỡ, từ việc kể về những câu chuyện của con người.

“Nếu chúng ta không biết cách trở thành một phần của cuộc sống đời thực, chúng ta sẽ chỉ chỉ ra những hướng dẫn từ bên trên mà không ai chú ý đến”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời nhấn mạnh thực tế rằng truyền thông cũng phải là một sự phục vụ đối với Giáo hội, “ủng hộ việc lắng nghe” và làm nổi bật “những vấn đề lớn của con người thời đại ngày hôm nay”.

Lời mang lại sự cứu rỗi

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phản ánh về việc các phương tiện truyền thông thường xuyên gạt ra bên lề và kiểm duyệt “những gì không thoải mái và những gì chúng ta không muốn thấy”.

Nhiệm vụ của Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là “ở cùng với những người rốt hết”; “môi trường sống tự nhiên” của Giáo hội là ở “các khu vực ngoại vi hiện sinh” của thế giới.

Các khu vực ngoại vi hiện sinh, Đức Thánh Cha giải thích, không chỉ là những nơi mà những người đàn ông và phụ nữ tự nhận thấy mình bị gạt ra bên lề xã hội vì những lý do kinh tế, mà còn là những nơi có nhiều kế sinh nhai nhưng lại chẳng có ý nghĩa, hoặc nơi mọi người sống trong hoàn cảnh bị loại trừ do những lựa chọn sai lầm, do những thất bại gia đình, hoặc các sự kiện cá nhân đã đánh dấu cuộc đời của họ.

Đức Thánh Cha mời gọi những người hiện diện suy ngẫm về việc liệu Giáo hội có hiện diện với “những anh chị em này” hay không, liệu Giáo hội có biết cách lắng nghe họ, và liệu Giáo hội có thể “cùng với họ phân định thánh ý của Thiên Chúa hay không, và do đó nói với họ Lời mang lại sự cứu rỗi”.

Một số nhân viên của Bộ Truyền thông tham dự buổi tiếp kiến

Một số nhân viên của Bộ Truyền thông tham dự buổi tiếp kiến

Sự hài hòa của những tiếng nói khác nhau

Cuối cùng, tập trung vào nỗ lực truyền thông, Đức Thánh Cha suy tư về việc những căng thẳng và những tiếng nói khác nhau có thể tạo ra “công việc mệt nhọc” cho những người cố gắng hiểu và diễn đạt chúng.

“Nhưng những ai biết cách hành động của Chúa Thánh Thần đều nhận thức rõ rằng Ngài muốn tạo nên sự hiệp thông từ sự đa dạng, và tạo ra sự hài hòa từ sự hỗn độn. Hiệp thông không bao giờ là sự đồng nhất, mà là khả năng gắn kết những thực tại rất khác nhau lại với nhau. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể truyền đạt công việc mệt nhọc này mà không cần giả vờ giải quyết hoặc che giấu nó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trên thực tế, Đức Thánh Cha nói, “truyền thông cũng phải tạo ra sự đa dạng về quan điểm, đồng thời luôn tìm cách bảo vệ sự thống nhất và chân lý, chống lại sự vu khống, bạo hành bằng lời nói, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cực đoan […] vốn chỉ gieo rắc sự chia rẽ và bất hòa”.

Và phát biểu ứng khẩu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng công việc của Bộ Truyền Thông không phải là “công việc kỹ thuật đơn thuần”, nhưng “đề cập đến chính cách thức trở thành Giáo hội”.

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn các nhân viên và các nhà quản lý của Vatican vì công việc của họ, đồng thời khuyến khích họ tiếp tục trở nên đáng tin cậy và can đảm, phát biểu từ trái tim và lắng nghe cẩn thận, nhân văn và luôn tham gia đối thoại trong cuộc hành trình tìm kiếm chân lý.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube