Đức Phanxicô tranh luận về việc rước lễ đỗi với các chính trị gia ủng hộ việc phá thai trên chuyến bay trở về Roma

1200px-Canonization_2014-The_Canonization_of_Saint_John_XXIII_and_Saint_John_Paul_II_(14036966125)

Hôm Thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Giáo hội Công giáo kiên định lập trường về vấn đề phá thai vì “phá thai là hành vi giết người”, và đồng thời khuyến khích các linh mục nên làm mục vụ thay vì chính trị khi đối mặt với câu hỏi ai có thể rước lễ.

Trả lời các câu hỏi trên chuyến bay Giáo hoàng từ Bratislava, Slovakia, trở về Roma vào ngày 15 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh một cách dứt khoát rằng phá thai kết liễu sự sống con người và sự sống con người phải được tôn trọng.

“Phá thai không chỉ là một vấn đề. Phá thai là hành vi giết người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Về mặt khoa học, đó là một sự sống của con người. Sách vở dạy chúng ta điều đó. Nhưng việc loại bỏ sự sống để giải quyết một vấn đề có đúng không? Và đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này bởi vì nó giống như việc chấp nhận điều này là chấp nhận giết người hàng ngày”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trả lời câu hỏi về cuộc tranh luận tại Hoa Kỳ về việc từ chối việc Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ việc phá thai, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng trong lịch sử của Giáo hội khi các Giám mục hành động mang tính chất chính trị hơn với tư cách là những vị mục tử, đã xảy ra nhiều vấn đề.

 “Một vị mục tử phải làm gì? Hãy trở nên một vị mục tử, đừng đi loanh quanh để lên án… nhưng hãy trở nên một vị mục tử. Nhưng có phải họ cũng là một vị mục tử của người bị vạ tuyệt thông không? Đúng vậy, họ là mục tử và… họ phải là một vị mục tử với phong cách của Thiên Chúa. Và phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, dịu dàng âu yếm, và thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đối với tôi, tôi không muốn nói cụ thể […] Hoa Kỳ bởi vì tôi không biết rõ chi tiết, tôi đưa ra nguyên tắc … Hãy trở nên một vị mục tử và một vị mục tử biết những gì mình phải làm mọi lúc, nhưng với tư cách là một người mục tử. Nhưng nếu vị mục tử ấy thoát ra khỏi việc dẫn dắt Giáo hội, ngay lập tức họ trở thành một chính trị gia”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn cuộc tranh cãi về việc Rước lễ đối với những người Công giáo đã ly hôn và tái hôn sau khi công bố Tông Huấn Amoris Laetitia năm 2016 của ngài.

“Anh chị em có nhớ cơn bão vốn đã gây xôn xao bởi Tông Huấn Amoris Laetitia khi Chương nói về việc đồng hành với các cặp vợ chồng ly thân, ly dị được đưa ra: ‘Dị giáo, dị giáo!’. Tạ ơn Chúa vì đã có Đức Hồng y Schönborn, một nhà thần học vĩ đại đã làm sáng tỏ mọi thứ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nhưng luôn luôn kết án, và kết án, kể cả với vạ tuyệt thông. Xin đừng đưa ra thêm bất kỳ vạ tuyệt thông nào nữa. Tội nghiệp họ. Họ là con cái của Thiên Chúa. Họ tạm thời ở bên ngoài, nhưng họ là con cái của Thiên Chúa và họ muốn, và cần sự gần gũi mục vụ của chúng ta. Kế đến, các vị mục tử giải quyết mọi việc bởi Thần Khí của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài chưa bao giờ tự mình từ chối Bí tích Thánh Thể đối với bất cứ ai, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng ngài không biết mình đã từng ở trong tình huống mà nhà báo đặt câu hỏi mô tả: đó là một chính trị gia ủng hộ việc phá thai đến gặp ngài để rước lễ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kể câu chuyện về một lần ngài vô tình trao Mình Thánh cho một phụ nữ người Do Thái tại nhà hưu dưỡng, người đã tiếp cận Bí Tích Thánh Thể trong sự thiếu hiểu biết.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những người không ở trong cộng đoàn không thể rước lễ, như người phụ nữ Do Thái này, nhưng Thiên Chúa đã muốn tưởng thưởng cho bà trong khi tôi không hề nhận thức về điều đó, tại sao?”.

“Bởi vì họ ở ngoài cộng đoàn, bị vạ tuyệt thông, họ bị ‘vạ tuyệt thông’ nên được gọi như vậy. Đó là một thuật ngữ khắc nghiệt nhưng ý nghĩa của nó là họ không ở trong cộng đoàn hoặc bởi vì họ không thuộc về hoặc không được rửa tội, nhưng đã đánh mất một số thứ”.

Những bình luận của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc họp báo trên chuyến bay được đưa ra khi kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày tới Hungary và Slovakia.

 Đây là chuyến Tông du quốc tế đầu tiên của vị Giáo hoàng 84 tuổi kể từ khi trải qua cuộc phẫu thuật ruột kết vào tháng 7.

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu hành trình của mình vào ngày 12 tháng 9 với chuyến viếng thăm Budapest, nơi ngài cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 và gặp gỡ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với các nhà báo trên chuyến bay rằng ngài đã thảo luận về vấn đề sinh thái học và mối quan tâm của ngài về “mùa đông nhân khẩu học” ở châu Âu với Thủ tướng Orbán, nhưng không đề cập gì về vấn đề nhập cư, một chủ đề mà hai nhà lãnh đạo có quan điểm khác biệt nhau.

Sau khi dành bảy tiếng đồng hồ ở Budapest, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi hành đến quốc gia láng giềng Slovakia cùng ngày và phát biểu tại một cuộc họp đại kết ở thủ đô Bratislava vào buổi tối.

Tại Bratislava, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trò chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị, khuyến khích cộng đồng Công giáo và đến thăm một trung tâm dành cho người vô gia cư do các Nữ tu của Mẹ Têrêsa điều hành ở ngoại ô thủ đô vào ngày 13 tháng 9.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thành phố Prešov ở phía đông, nơi ngài cử hành Nghi thức Phụng vụ theo nghi lễ Byzantine vào ngày 14 tháng 9. Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đã gặp các thành viên của cộng đồng Roma thiểu số ở Košice và trò chuyện với 25.000 thanh thiếu niên về tầm quan trọng của Bí tích Giải tội.

Trước khi trở về Roma vào ngày 15 tháng 9, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Bảy Sự ở Šaštín.

Chuyến bay của Đức Giáo hoàng đã hạ cánh xuống sân bay Fiumicino của Rome lúc 3:30 chiều theo giờ địa phương. Chuyến bay kéo dài 90 phút đánh dấu lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng chuyến bay của hãng Alitalia, hãng hàng không quốc gia đang gặp khó khăn lâu dài của Ý vốn sẽ được thay thế vào tháng tới bằng một hãng hàng không mới có tên Italia Trasporto Aereo (ITA).

Trong số sáu câu hỏi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi trong cuộc họp báo trên máy bay, ngài dành nhiều thời gian nhất để nói về chủ đề phá thai và việc rước lễ của các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng rất lâu trước khi một người mẹ nhận ra rằng mình đang mang thai, DNA và các cơ quan của đứa con trong bụng của người mẹ đó đã hình thành.

“Đó là một sự sống con người, một chu kỳ. Mạng sống con người này phải được tôn trọng. Nguyên tắc này quá rõ ràng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha cho biết rằng đối với những người không thể hiểu được điều này, ngài sẽ đặt ra hai câu hỏi:

“Có đúng không, có công bằng không khi giết một mạng người để giải quyết một vấn đề? Về mặt khoa học, đó là một mạng sống của con người. … Thuê một sát thủ để giải quyết một vấn đề có đúng không?”

Trong chuyến bay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng trả lời câu hỏi về một nghị quyết tại Nghị viện châu Âu nhằm công nhận hôn nhân đồng giới và kết hợp dân sự ở tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu.

Đáp lại, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng hôn nhân là một Bí tích giữa một người nam và một người nữ, do Chúa Kitô thiết lập, điều mà Giáo hội Công giáo không có quyền thay đổi.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng có những luật dân sự tìm cách giúp đỡ tình trạng của các cặp vợ chồng “có khuynh hướng tình dục khác nhau”, nhưng đồng thời không thách thức các Giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Hôn nhân, chẳng hạn như cung cấp cho các cặp đồng tính sự bảo đảm tài sản thừa kế, hoặc bảo hiểm y tế.

“Nhưng hôn nhân là hôn nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh. “Điều này không có nghĩa là lên án những người như vậy, không, xin đừng như vậy, họ là anh chị em của chúng ta và chúng ta phải đồng hành với họ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng các luật dân sự như PACS của Pháp – cho phép những người trưởng thành thuộc bất kỳ khuynh hướng tình dục nào được thiết lập một sự kết hợp dân sự – tồn tại, nhưng không phải là hôn nhân mang tính Bí tích.

 “Đôi khi những gì tôi nói thật khó hiểu. Tất cả như nhau, hãy tôn trọng tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Xin đừng bảo Giáo hội phủ nhận sự thật của mình”.

 “Rất nhiều, rất nhiều người có khuynh hướng đồng tính luyến ái đến với Bí tích Giao Hòa, họ tiếp cận với Bí tích này để xin các linh mục cho lời khuyên, Giáo hội giúp họ tiến lên trong cuộc sống của họ”.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube