Đức Phanxicô: Tình hình môi trường hiện tại là lời kêu gọi hành động 'với sự cấp thiết'

Các nhà máy xử lý than non được nhìn thấy qua một cánh đồng hoa, cách Athens, Hy Lạp, khoảng 75 km về phía tây, ngày 15 tháng 5 năm 2009 (Ảnh: John Kolesidis / Reuters qua CNS.)

Các nhà máy xử lý than non được nhìn thấy qua một cánh đồng hoa, cách Athens, Hy Lạp, khoảng 75 km về phía tây, ngày 15 tháng 5 năm 2009 (Ảnh: John Kolesidis / Reuters qua CNS)

ROME – Nếu không hành động tức thì trong việc bảo vệ công trình sáng tạo chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho hành tinh và cho các thế hệ tương lai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Trong một bức thư được gửi đi vào ngày 4 tháng 6 nhằm đánh dấu sự ra mắt của sự kiện “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tình hình hiện tại “thúc giục chúng ta phải hành động tức thì với sự cấp thiết để trở thành những người quản lý công trình sáng tạo có trách nhiệm hơn bao giờ hết, và đồng thời khôi phục thiên nhiên mà chúng ta đã làm tổn hại và khai thác tận diệt quá lâu”.

“Chúng ta cần chăm sóc lẫn nhau, cũng như chăm sóc những người yếu thế nhất trong chúng ta. Việc tiếp tục đường lối khai thác và hủy hoại này – đối với con người và thiên nhiên – là điều bất công và thiếu khôn ngoan. Đây là điều mà một lương tâm có trách nhiệm thúc bách chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Theo trang web của mình, “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc” nhằm mục đích “cản trở, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và mọi đại dương”.

Sáng kiến này sẽ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030, “cũng là thời hạn cuối cùng của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững và mốc thời gian mà các nhà khoa học đã xác định là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu”.

Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tất cả mọi người nam nữ đều là “một phần của món quà này của tạo hóa”, và với việc không bảo vệ môi trường, chúng ta có nguy cơ phá hủy chính nền tảng mà chúng ta phụ thuộc vào”.

“Chúng ta có nguy cơ phải chịu đựng tình trạng lũ lụt, đói kém và những hậu quả nặng nề cho chính chúng ta và cho các thế hệ tương lai”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Đây là điều mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết việc khai thác và tàn phá tài nguyên thiên nhiên của Trái đất, cũng như đại dịch toàn cầu, cho thấy “những hậu quả bất công của một số khía cạnh của các hệ thống kinh tế hiện tại của chúng ta cũng như nhiều cuộc khủng hoảng khí hậu thảm khốc vốn đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội loài người và thậm chí là sự tuyệt chủng của hàng loạt chủng loài khác nhau”.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm, sự tham gia và cam kết mới của các quốc gia cũng như việc thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện đã mang lại nhận thức về tinh thần trách nhiệm chung “với tư cách là con người, đối với chính mình, đối với những người lân cận xung quanh chúng ta, đối với công trình sáng tạo và đối với Đấng Tạo Hóa”.

Mặc dù “chúng ta còn rất ít thời gian”, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ, cũng như hội nghị COP26 sắp tới về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Scotland, “sẽ giúp chúng ta đưa ra câu trả lời phù hợp nhằm khôi phục hệ sinh thái cả thông qua một hành động vì khí hậu được tăng cường lẫn sự lan tỏa của sự nhận thức và tinh thần ý thức”.

“Thoái hóa sinh thái là kết quả rõ ràng của tình trạng rối loạn chức năng kinh tế”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Việc phục hồi thiên nhiên mà chúng ta đã tàn phá, trước hết, đồng nghĩa với việc phục hồi chính mình”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube