Đức Phanxicô: ‘Thế giới hậu đại dịch phải học hỏi từ những sai lầm’

Giáo hoàng Francis cầu nguyện trước "Cây thánh giá kỳ diệu" từ Nhà thờ Thánh Marcellus ở Rome trong buổi lễ cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Peter trống tại Vatican ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

ĐTC Phanxixcô cầu nguyện trước “Cây Thánh giá kỳ diệu” từ Nhà thờ Thánh Marcellus được đặt tại Rome trong buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô trống rỗng tại Vatican, ngày 27 tháng 3 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (Ảnh: CNS/ Truyền thông Vatican)

ROME – Tình trạng bất ổn và sự tang thương chết chóc do đại dịch COVID-19 gây ra có thể là một cơ hội để nhân loại suy ngẫm về cách thức xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuốn sách mới.

“Thế giới sẽ không bao giờ giống như trước kia nữa. Nhưng chính trong thảm họa này, chúng ta phải nắm bắt những dấu hiệu có thể chứng minh là nền tảng cho công việc tái thiết”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Cuốn sách, với nhan đề Dio e il Mondo che Verra (“Thiên Chúa sẽ đến và thế giới trong tương lai”), được viết cùng với nhà báo người Ý Domenico Agasso và sẽ được xuất bản bởi Nhà xuất bản Vatican vào ngày 16 tháng Ba.

Một đoạn trích cuốn sách mới đã được đăng trên Vatican News vào ngày 14 tháng 3.

Đức Thánh Cha Phanxicô lên án việc sản xuất và buôn bán vũ khí, nơi mà số tiền khổng lồ đã được chi tiêu “đáng ra phải được sử dụng để chữa trị bệnh tật và cứu sống con người”.

“Không còn có thể ngụy tạo khi vòng luẩn quẩn đầy kịch tính của bạo lực vũ trang, đói nghèo và việc khai thác bóc lột môi trường một cách bừa bãi và lạnh lùng đã trở nên hết sức ghê rợn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Đó là một vòng luẩn quẩn ngăn cản sự hòa giải, thúc đẩy các hành vi vi phạm nhân quyền và cản trở sự phát triển bền vững”.

Thay vào đó, thế giới phải “đoàn kết với nhau trong tinh thần huynh đệ” để đối mặt với những mối đe dọa chung mà không phải viện đến “những hành động cáo buộc lẫn nhau mang tính phản tác dụng, lợi dụng vấn đề, chủ nghĩa dân tộc thiển cận, hành động tuyên truyền, chủ nghĩa biệt lập và các hình thức ích kỷ mang tính chính trị khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Và trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng thế giới sẽ không bao giờ giống như trước kia sau đại dịch, Ngài khẳng định rằng chúng ta có thể biến “khoảng thời gian thử thách này” thành “thời điểm của những lựa chọn khôn ngoan và có tầm nhìn xa hơn vì lợi ích của toàn thể nhân loại”.

“Con đường hướng tới sự giải thoát cho nhân loại đi qua việc tái cân nhắc về một mô hình phát triển mới, vốn có một quan điểm không thể chối cãi đó là sự cùng tồn tại của các dân tộc trong sự hòa hợp với công trình sáng tạo”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết rằng sự phân bổ nguồn lực không công bằng không liên quan đến “sự bình đẳng hóa có chiều hướng đi xuống” tước đoạt của những người hiện đang khá giả, mà thay vào đó có nghĩa là trao “quyền rộng hơn” cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường thông qua “hành vi bền vững” nhằm đảm bảo rằng Trái đất không còn bị lợi dụng “như một kho tài nguyên bị khai thác tận diệt”.

“Nếu chúng ta không xắn tay áo lên và ngay lập tức quan tâm đến Trái đất, với những lựa chọn cá nhân và chính trị triệt để, với nền kinh tế chuyển sang hướng công nghệ ‘xanh’ và hướng sự phát triển công nghệ theo hướng đó, sớm muộn gì ngôi nhà chung cũng sẽ đào thải chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Khi được hỏi về gánh nặng của các cuộc suy thoái kinh tế chủ yếu đè nặng trên phụ nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hiện diện của phụ nữ ở “trung tâm của các quá trình đổi mới về thể chế, chính trị, xã hội và việc làm”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lên án hành động phân biệt đối xử đối với phụ nữ “xét về tiền lương và công việc, hoặc việc sa thải họ”.

Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “không thể bỏ qua thực tế rằng sự tái sinh của nhân loại bắt đầu từ người phụ nữ. Từ Đức Trinh Nữ Maria đã nảy sinh Ơn cứu độ, đó chính là lý do tại sao sẽ không thể có sự cứu rỗi nào nếu không có người phụ nữ. Nếu chúng ta quan tâm đến tương lai, nếu chúng ta mong muốn một ngày mai thịnh vượng, chúng ta phải dành không gian thích hợp cho phụ nữ”.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube