Đức Phanxicô: Sử dụng các loại vũ khí hạt nhân là hành động 'trái với luân lý'

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422 (1)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm ủng hộ “văn hóa sự sống và hòa bình” trong một bức thư được công bố hôm thứ Ba.

“Tôi muốn tái khẳng định rằng việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân, cũng như chỉ sở hữu chúng, là hành động trái với luân lý”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết cho Đại sứ Alexander Kmentt, Chủ tịch Hội nghị các quốc gia thành viên lần thứ nhất, liên quan đến Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc. (TPNW).

“Việc nỗ lực bảo vệ và đảm bảo sự ổn định và hòa bình thông qua cảm giác an toàn giả tạo và ‘cán cân khủng bố’, được duy trì bởi tâm lý sợ hãi và thiếu sự tin tưởng chắc chắn sẽ đầu độc các mối quan hệ giữa các dân tộc và cản trở bất kỳ hình thức đối thoại thực sự nào có thể xảy ra”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Việc sở hữu dễ dẫn đến các mối đe dọa về việc sử dụng chúng, trở thành một hình thức ‘tống tiền’ vốn cần phải là điều ghê tởm đối với lương tâm của nhân loại”.

Các đại biểu lắng nghe thông điệp từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong Hội nghị đầu tiên của các quốc gia thành viên Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân (Ảnh: AFP)

Các đại biểu lắng nghe thông điệp từ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong Hội nghị đầu tiên của các quốc gia thành viên Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân (Ảnh: AFP)

Các quốc gia thành viên của TPNW đang tập hợp tại Vienna, Áo, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 6 để “cam kết thực hiện các hành động cụ thể nhằm thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước”, vốn hình dung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, theo Chiến dịch Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân Quốc tế.

“Tòa Thánh chắc chắn rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều cần thiết và có thể thực hiện được”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm. “Trong một hệ thống an ninh tập thể, không có chỗ cho vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định “tầm nhìn can đảm” của hiệp ước là “hợp thời hơn bao giờ hết”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “chúng ta cần nhận thức được mối nguy hiểm của các cách tiếp cận thiển cận đối với an ninh quốc gia và quốc tế cũng như những nguy cơ của việc phổ biến vũ khí hạt nhân”.

“Như chúng ta đã biết quá rõ, cái giá của việc không làm như vậy chắc chắn phải trả bằng vô số sinh mạng của những người vô tội bị lấy đi và được đo lường bằng sự tàn sát và hủy diệt”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha thúc giục rằng các hiệp ước giải trừ quân bị không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là “cam kết luân lý”.

Hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là điều “bất khả phân chia”, và để tồn tại công bình và lâu dài, nó cũng phải mang tính “phổ quát”.

“Quả là một lý luận lừa dối và tự chuốc lấy sự thất bại khi nghĩ rằng an ninh và hòa bình của một số người tách biệt với an ninh tập thể và hòa bình của những người khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh vai trò của Giáo hội Công giáo.

“Về phần mình, Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục cam kết không thay đổi trong việc thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia cũng như thúc đẩy nền giáo dục vì hòa bình trong khắp các cơ sở của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Đây là một bổn phận mà Giáo hội cảm thấy bị ràng buộc trước Thiên Chúa và mọi người nam cũng như nữ trong thế giới của chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người cần phải có trách nhiệm duy trì hòa bình, cả ở cấp độ công cộng và cấp độ cá nhân. Đó là một cuộc thảo luận pháp lý cũng như một cuộc thảo luận về luân lý. Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng hiệp ước này công nhận rằng việc giáo dục về hòa bình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảng dạy cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Tuyên bố cũng bày tỏ sự tôn kính đối với những người sống sót sau vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki, cũng như tất cả các nạn nhân của việc thử vũ khí hạt nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô khép lại bức thư bằng cách khuyến khích các đại diện, các tổ chức quốc tế và tất cả xã hội dân sự tiếp tục thúc đẩy “nền văn hóa sự sống và hòa bình dựa trên phẩm giá con người và nhận thức rằng tất cả chúng ta đều là huynh đệ với nhau”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan ngại về các loại vũ khí hạt nhân trong quá khứ. Gần đây hơn, trong bối cảnh Nga đang tiếp tục xâm lược Ukraine, Đức Thánh Cha cho biết rằng hình ảnh trận đại hồng thủy vào thời ông Nô-ê đang “in sâu vào tiềm thức của chúng ta” khi thế giới đang nghĩ đến khả năng một cuộc chiến tranh hạt nhân vốn “sẽ dập tắt chúng ta”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube