Đức Phanxicô: Qua Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta nhớ đến các nạn nhân của các cuộc chiến tranh, bạo lực hàng ngày, và nạn phá thai

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc bài diễn văn chung của ngài trong thư viện của Cung điện Tông Tòa ngày 31 tháng 3 năm 2021. (ảnh: Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung bên trong thư viện thuộc Điện Tông Tòa, ngày 31 tháng 3 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Phát biểu thông qua buổi phát trực tiếp hôm Thứ Tư Tuần Thánh từ Điện Tông Tòa tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo “đừng quên những người bị đóng đinh ngày nay”, bởi vì “bên trong họ là Chúa Giêsu”.

Khi chiêm ngưỡng Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô trong Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài cũng đang nghĩ đến những nạn nhân vô tội của chiến tranh, bạo lực hàng ngày và nạn phá thai, những người “bị đóng đinh trong thời đại của chúng ta”.

“Bằng cách tôn thờ Thánh Giá, chúng ta sẽ tái hiện cuộc hành trình của Con Chiên vô tội đã hiến tế vì sự cứu rỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ mang trong mình tâm trí và trái tim những đau khổ của những người bệnh tật, những người nghèo khổ, những người bị từ chối trong thế giới này; chúng ta sẽ tưởng nhớ những ‘con chiên bị sát tế’, những nạn nhân vô tội của chiến tranh, của chế độ độc tài, của tình trạng bạo lực hàng ngày, của vấn nạn phá thai…”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ hôm 31/3.

“Trước hình ảnh Con Thiên Chúa bị đóng đinh, chúng ta sẽ mang đến, trong lời cầu nguyện, cho rất nhiều người cũng chịu đóng đinh trong thời đại của chúng ta, những người chỉ có thể lãnh nhận từ Ngài sự an ủi và ý nghĩa của sự đau khổ của họ”.

Phát biểu thông qua buổi phát trực tiếp hôm Thứ Tư Tuần Thánh từ Điện Tông Tòa tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo “đừng quên những người bị đóng đinh ngày nay”, bởi vì “bên trong họ là Chúa Giêsu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng điều quan trọng cần nhớ là “mỗi khi Thánh Thể được dâng lên” là “như thể chúng ta lên đồi Canvê… để làm mới lại Mầu nhiệm Vượt Qua”.

“Trong Bí tích này, Chúa Giêsu đã thay thế nạn nhân bị sát tế – con chiên Vượt Qua – bằng chính Ngài. Mình và Máu Ngài ban cho chúng ta sự cứu rỗi khỏi thân phận nô lệ của tội lỗi và sự chết”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung của mình.

Chúa Giêsu trên thập giá đã đi vào “vực thẳm của đau khổ… những tai ương của thế giới này, để cứu độ và biến đổi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Và cũng để giải thoát mỗi người chúng ta khỏi quyền lực của bóng tối, khỏi niềm kiêu hãnh, khỏi sự phản kháng để được Thiên Chúa yêu thương”.

“Bởi vì thế giới hiện đang chìm trong bóng tối. Hãy lập danh sách tất cả các cuộc chiến đang diễn ra ngay lúc này, của tất cả trẻ em đang chết vì đói, của những trẻ em không được học hành, của toàn bộ các dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, bởi khủng bố. Trong số rất nhiều người, nhiều người cần thuốc men để cảm thấy tốt hơn một chút, ngành công nghiệp dược phẩm giết chóc – đó là một tai họa, một sa mạc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng bởi vì “Chúa Giêsu đã tự mang lấy những vết thương của nhân loại và chính cái chết, tình yêu của Thiên Chúa đã tưới mát những sa mạc này của chúng ta, Ngài đã soi sáng bóng tối của chúng ta”.

Trong gần một năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành các buổi Tiếp kiến chung vào mỗi thứ Tư hàng tuần của mình cho những suy tư về việc cầu nguyện. Trong Tuần Thánh, Đức Thánh Cha hướng tới các buổi cử hành phụng vụ của Tam Nhật Vượt Qua, ba ngày cầu nguyện bắt đầu từ Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng trong Tam Nhật Thánh, “chúng ta sẽ trải qua những ngày trung tâm điểm của năm phụng vụ, cử hành Mầu nhiệm Thương khó, Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu”.

“Vào tối Thứ Năm Tuần Thánh, khi bước vào Tam Nhật Phục Sinh, chúng ta sẽ hồi tưởng lại những điều đã xảy ra trong Bữa Tiệc Ly – những gì đã xảy ra ở đó vào thời điểm đó – trong Thánh Lễ được gọi là ‘In Coena Domini’ (Thánh Lễ Tiệc Ly). Đó là buổi tối khi Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ minh chứng tình yêu của Người trong Bí tích Thánh Thể, không phải như một vật kỷ niệm, nhưng như một sự tưởng nhớ về sự hiện diện vĩnh cửu của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó là buổi tối khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu thương nhau bằng cách biến chúng ta trở thành những người đầy tớ của nhau, như chính Ngài đã làm khi rửa chân cho các môn đệ – một cử chỉ báo trước sự đổ máu của Người trên thập giá. Và quả thật, Thầy và Chúa sẽ phải chịu khổ nạn vào ngày hôm sau để thanh tẩy không phải bàn chân, mà là tâm hồn và toàn bộ cuộc sống của các môn đệ của Người. Đó là một hành động phục vụ tất cả chúng ta, bởi vì với sự phục vụ hy sinh đó, Chúa Giêsu đã cứu chuộc tất cả chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ thêm.

Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha giải thích, là ngày sám hối, chay tịnh và cầu nguyện.

“Qua các bản văn Kinh Thánh và các lời cầu nguyện phụng vụ, chúng ta sẽ được quy tụ trên đồi Canvê để tưởng niệm Cuộc Khổ nạn và Cái chết cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Và đỉnh điểm của việc cử hành phụng vụ chính là nghi thức tôn thờ Thánh giá”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày của sự thinh lặng”, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý. “Có một sự thinh lặng bao trùm trên toàn cõi đất; một sự thinh lặng được thể hiện nơi những dòng nước mắt và sự hoang mang tột cùng của các môn đệ đầu tiên, buồn bã trước cái chết ô nhục của Chúa Giêsu”.

“Thứ Bảy Tuần Thánh này cũng là ngày của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ cũng sống trong nước mắt, nhưng trái tim Mẹ tràn đầy niềm tin, tràn đầy hy vọng, tràn đầy tình yêu. Thân Mẫu của Chúa Giêsu đã đi theo Con của Mẹ dọc theo Via Dolorosa và đứng dưới chân thập giá với linh hồn bị đâm thâu”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nhưng khi mọi thứ dường như đã kết thúc, Đức Trinh Nữ Maria vẫn tiếp tục theo dõi. Mẹ theo dõi trong sự mong đợi, tiếp tục hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Vì thế, trong giờ phút đen tối nhất của thế giới, Mẹ đã trở thành Mẹ của các tín hữu, Mẹ của Giáo hội, và là dấu chỉ của niềm hy vọng. Lời chứng của Đức Trinh Nữ Maria và sự chuyển cầu của Mẹ trợ giúp chúng ta khi sức nặng của thập giá trở nên quá đỗi nặng nề đối với mỗi chúng ta”.

Từ bóng tối này vào Thứ Bảy Tuần Thánh, ánh sáng sẽ bùng lên thông qua phụng vụ của Đêm Vọng Phục Sinh khi các tín hữu mừng hát lên “Alleluia”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ trong đức tin với Chúa Kitô Phục sinh và niềm vui Phục sinh sẽ kéo dài trong suốt 50 ngày sau đó, cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đấng chịu đóng đinh đã sống lại! Tất cả những thắc mắc và sự không chắc chắn, những sự do dự và sợ hãi đều được xua tan bởi sự mặc khải này”.

“Đấng Phục sinh ban cho chúng ta một điều chắc chắn rằng cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác, rằng sự sống luôn chiến thắng sự chết và mục đích của chúng ta không phải là càng ngày càng bị kéo ghì xuống, từ sự buồn bã này đến sự buồn bã khác, mà là vượt lên trên”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện để niềm vui của buổi sáng Phục sinh sẽ khôi phục lại niềm hy vọng, sự tin tưởng và hòa bình giữa những khó khăn mà thế giới hiện đang phải đối mặt trong đại dịch COVID-19.

“Anh chị em thân mến, năm nay chúng ta cũng sẽ trải nghiệm Đại lễ Phục sinh trong bối cảnh đại dịch. Trong nhiều hoàn cảnh đầy đau khổ, đặc biệt là khi mọi người, các gia đình và các cộng đồng đã bị thử thách bởi tình trạng nghèo đói, tai họa hoặc xung đột, Thánh Giá của Chúa Kitô giống như một ngọn hải đăng chỉ ra bến đỗ cho những con tàu vẫn còn đang lênh đênh ngoài khơi giữa đại dương cuồng phong bão tố”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Thánh giá của Chúa Kitô chính là dấu chỉ của niềm hy vọng vốn không làm bất cứ ai thất vọng”.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube