Đức Phanxicô: Người trẻ đang thiếu ‘vốn tinh thần’ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống

Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị ‘Nền Kinh tế Francesco’ dành cho các nhà kinh tế, các doanh nhân và các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động trẻ tuổi tại Assisi, Ý, ngày 24 tháng 9 (Ảnh Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị ‘Nền Kinh tế Francesco’ dành cho các nhà kinh tế, các doanh nhân và các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động trẻ tuổi tại Assisi, Ý, ngày 24 tháng 9 (Ảnh Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã than phiền về việc đánh mất ý nghĩa thiêng liêng trong cuộc sống của nhiều người trẻ ngày nay – sự thiếu thốn thường được thay thế bằng việc tập trung quá mức vào của cải vật chất.

“Con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống với Thiên Chúa, là những người tìm kiếm ý nghĩa trước khi trở thành những người tìm kiếm của cải vật chất. Đó là lý do tại sao vốn đầu tiên của bất kỳ xã hội nào đều là vốn tinh thần”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại một hội nghị quốc tế về kinh tế ở Assisi, Ý, ngày 24 tháng 9.

“Những người trẻ tuổi phải chịu đựng sự thiếu ý nghĩa này một cách đặc biệt”, Đức Thánh Cha nói. “Đối mặt với nỗi đau và những bất trắc trong cuộc sống, họ thường thấy tâm hồn mình cạn kiệt các nguồn lực tinh thần cần thiết để gánh chịu đau khổ, thất vọng, chán nản và đau buồn”.

“Hãy nhìn vào tỷ lệ tự tử ở giới trẻ, nó đã tăng lên như thế nào”, Đức Thánh Cha cho biết thêm.

“Công nghệ có thể làm được nhiều điều: nó dạy chúng ta ‘cái gì’ và ‘làm thế nào’: nhưng nó không cho chúng ta biết ‘lý do tại sao’”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói,” và vì vậy những hành động của chúng ta trở nên vô ích và không mang lại sự thỏa mãn cho cuộc sống, không thậm chí cả đời sống kinh tế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về tầm quan trọng của đời sống tâm linh trong một bài phát biểu trước các tham dự viên tham gia sự kiện ‘Nền Kinh tế Francesco’, một hội nghị từ ngày 22 đến 24 tháng 9 dành cho các nhà kinh tế, các doanh nhân và các nhà nghiên cứu trẻ tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới.

Sáng kiến này được đưa ra theo sau lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người trẻ tuổi nhằm xây dựng “một loại hình kinh tế khác” dựa trên sự quan tâm nhiều hơn đến người nghèo và môi trường.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Assisi vào ngày cuối cùng của hội nghị vào ngày 24 tháng 9. Trước khi phát biểu trước các tham dự viên tham gia sự kiện, Đức Thánh Cha đã xem một tiểu phẩm dựa trên I-sai-a 21: 1-12, sau đó là phần suy ngẫm về ý nghĩa của đoạn Kinh Thánh.

Ngoài ra còn có một buổi biểu diễn âm nhạc, các bài thuyết trình, video về hai ngày đầu tiên của hội nghị, và lời chứng các tham dự viên đến từ các nhà kinh tế và các nhà hoạt động vì môi trường, quyền phụ nữ và các vấn đề xã hội đến từ Ý, Benin, Argentina, Thái Lan, Kenya, Afghanistan và Ba Lan.

“Tôi tin tưởng vào các bạn”

Trong suốt bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết đối với những người trẻ tuổi để dồn mọi sức lực và sự sáng tạo của mình vào những việc tốt, thiết thực, nhằm xây dựng một nền kinh tế công bằng hơn.

“Các bạn trẻ, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, biết phải làm gì, các bạn có thể làm được điều đó”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Theo Kinh thánh, những người trẻ tuổi là những người có tinh thần hiểu biết và sự thông minh. Chính chàng trai trẻ David đã hạ thấp sự kiêu ngạo của gã khổng lồ Goliath”, Đức Thánh Cha chỉ ra.

“Thật vậy”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “khi xã hội dân sự và các doanh nghiệp thiếu những kỹ năng của giới trẻ, thì toàn bộ xã hội sẽ trở nên khô héo và cuộc sống của mọi người bị dập tắt. Tồn tại việc thiếu tính sáng tạo, sự lạc quan, tinh thần nhiệt huyết. Một xã hội và một nền kinh tế không có người trẻ thì quả thực đáng buồn, bi quan và yếm thế”.

“Tôi nói điều này với sự nghiêm túc: Tôi tin tưởng vào các bạn. Xin đừng để cuộc sống chúng ta không bị quấy rầy, và hãy dẫn đầu bằng việc nêu gương mẫu”.

‘Đặt người nghèo ở trung tâm’

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng suy ngẫm về mẫu gương của Thánh Phanxicô Assisi và ý nghĩa của việc giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội. “Việc phát triển một nền kinh tế lấy cảm hứng từ Thánh Phanxicô đồng nghĩa với việc cam kết đặt người nghèo làm trung tâm”.

“Bắt đầu với họ, chúng ta nhìn vào nền kinh tế; bắt đầu với họ, chúng ta nhìn ra thế giới”, Đức Thánh Cha lưu ý. “Không có ‘Nền Kinh tế Francesco’ nếu không có sự tôn trọng, sự quan tâm và yêu thương đối với người nghèo, đối với mọi người nghèo, đối với tất cả những mong manh yếu thế và dễ bị tổn thương – từ những thai nhi còn trong bụng mẹ cho đến những người đau yếu bệnh tật, những người lớn tuổi trong tình cảnh khó khăn”.

“Chừng nào hệ thống của chúng ta còn ‘sản sinh ra’ những người bị loại bỏ, và chúng ta vận hành theo hệ thống này, chúng ta sẽ là đồng phạm của một nền kinh tế đang tiêu diệt”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, khuyến khích các nhà kinh tế trẻ tự hỏi liệu họ có hành động đủ để thay đổi các cấu trúc hay không, hay liệu họ có hài lòng với việc chỉ cần phủ một lớp sơn lên căn nhà.

“Có lẽ phản ứng của chúng ta không nên dựa trên việc chúng ta có thể làm được bao nhiêu mà dựa vào cách chúng ta có thể mở ra những đường hướng mới để chính người nghèo có thể trở thành những nhân vật chính của sự thay đổi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài diễn văn bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha, cầu xin “sự tha thứ vì đã làm tổn hại trái đất, vì không tôn trọng các nền văn hóa bản địa, vì đã không quý trọng và yêu thương những người nghèo nhất trong số những người nghèo, vì đã tạo ra của cải nhưng không có sự hiệp thông”.

“Lạy Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng với Thần Khí của Người đã soi dẫn quả tim, bàn tay và khối óc của những người trẻ này và sai họ lên đường đến miền đất hứa, xin hãy thương nhìn đến tinh thần quảng đại, tình yêu và ước muốn dành cả cuộc đời của họ cho một lý tưởng cao cả. Xin chúc lành cho họ trong những công việc họ đảm nhận, trong các nghiên cứu và ước mơ của họ; xin đồng hành với họ trong những khó khăn và đau khổ, giúp họ chuyển hóa những khó khăn và đau khổ của họ trở thành nhân đức và trí tuệ”, Đức Thánh Cha cầu nguyện.

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với tham dự viên tham gia sự kiện 'Nền Kinh tế Francesco' ký một hiệp ước thúc đẩy một "nền kinh tế của Tin Mừng" ở Assisi, Ý, vào ngày 24 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với tham dự viên tham gia sự kiện ‘Nền Kinh tế Francesco’ ký một hiệp ước thúc đẩy một “nền kinh tế của Tin Mừng” ở Assisi, Ý, vào ngày 24 tháng 9 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hiệp ước ‘Nền Kinh tế Francesco’

Vào cuối cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với các tham dự viên tham gia sự kiện ký kết một hiệp ước thúc đẩy “Nền Kinh tế của Tin Mừng”.

Dưới đây là toàn bộ văn bản của hiệp ước:

Chúng tôi, những nhà kinh tế trẻ tuổi, những doanh nhân và những người tạo ra sự thay đổi,
được triệu tập đến Assisi từ mọi nơi trên thế giới,
nhận thức được trách nhiệm thuộc về thế hệ của chúng tôi,
hôm nay cam kết dấn thân, với tư cách cá nhân và tập thể
dành cuộc sống của chúng tôi để nền kinh tế của ngày hôm nay và tương lai trở thành nền kinh tế của Tin Mừng, và do đó:

một nền kinh tế của hòa bình chứ không phải của chiến tranh,
một nền kinh tế phản đối việc phổ biến vũ khí, đặc biệt là những vũ khí tàn phá nặng nề nhất,
một nền kinh tế quan tâm đến công trình sáng tạo và không lạm dụng nó,
một nền kinh tế phục vụ con người, gia đình và sự sống, tôn trọng mọi phụ nữ, nam giới và trẻ em, người cao tuổi, và đặc biệt là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất,
một nền kinh tế nơi sự quan tâm thay thế sự chối bỏ và sự thờ ơ dửng dưng,
một nền kinh tế không bỏ ai lại phía sau, nhằm xây dựng một xã hội trong đó những viên đá bị não trạng thống trị loại bỏ trở thành nền tảng,
một nền kinh tế công nhận và bảo vệ công việc an toàn và xứng phẩm giá cho mọi người,
một nền kinh tế mà tài chính là bằng hữu và là đồng minh của nền kinh tế thực và của lao động chứ không phải chống lại chúng,
một nền kinh tế coi trọng và bảo vệ các nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc, mọi sinh vật và tài nguyên thiên nhiên của Trái đất,
một nền kinh tế chống lại tình trạng đói nghèo dưới mọi hình thức, giảm bớt tình trạng bất bình đẳng và biết cách nói với Chúa Giêsu và Thánh Phanxicô: “Phúc thay những người nghèo khó”,
một nền kinh tế được hướng dẫn bởi tính luân lý của con người và mở lòng ra với sự siêu việt,
một nền kinh tế tạo ra của cải cho tất cả mọi người, tạo ra niềm vui chứ không chỉ sự giàu có, bởi vì hạnh phúc không được sẻ chia thì không trọn vẹn.

Chúng tôi tin tưởng vào nền kinh tế này. Đó không phải là một điều không tưởng, bởi vì chúng tôi đã và đang xây dựng nó. Và một số người trong chúng ta, vào những buổi sáng đặc biệt tươi sáng, đã nhìn thấy sự khởi đầu của miền đất hứa.

Dưới đây là một số hình ảnh tai sự kiện  ‘Nền Kinh tế Francesco’:

768E0735-A2E5-4907-AED4-F477E41301CD 886E9ABC-F44A-4CFA-8A6F-CC74737D220B B3BE92EE-568F-43CB-8DC6-84D7A8429F97 E5D37CCA-F9EF-4D56-9D17-08FEBC160ED2 15DF6E14-3C5C-4389-A8CB-9C8AF716ECE4 BAF5C33C-056F-4C4D-8F37-51837B9804F1 36F99DEA-1610-43F6-A47E-BF20644CDD35

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube