Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Iraq: Cuộc hành trình của lòng thương xót

Đức Cha John Botros Moshi, Tổng Giám mục Công giáo Syriac Địa phận Mosul, Kirkuk, và Vùng Kurdistan, đứng trong đống đổ nát của nhà thờ Tahra ở Mosul vào ngày 29 tháng 4 năm 2018. - Nhà thờ được thành lập từ thế kỷ thứ bảy, đã bị phá hủy bởi các vụ đánh bom khi chế độ đã chống lại các phần tử thánh chiến trong khu vực này. (ảnh: Zaid Al-Obeidi / AFP / Getty)

Đức Cha John Botros Moshi, Tổng Giám mục Công giáo Syriac Địa phận Mosul, Kirkuk, và Vùng Kurdistan, đứng trong đống đổ nát của nhà thờ Tahra ở Mosul vào ngày 29 tháng 4 năm 2018. Ngôi Thánh đường được thành lập từ thế kỷ thứ VII, đã bị phá hủy bởi các vụ đánh bom khi chế độ cầm quyền chiến đấu chống lại các phần tử thánh chiến trong khu vực này (Ảnh: Zaid Al-Obeidi / AFP / Getty)

Chuyến Tông du từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq có một sứ mạng bao trùm: tập trung sự chú ý của quốc tế vào hoàn cảnh của các Kitô hữu ở quốc gia đó và đồng thời mang lại cho họ tia hy vọng về tương lai của họ.

Đáng buồn thay, khi các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin về cuộc xung đột tiếp diễn ở Iraq, hoàn cảnh của cộng đồng Kitô giáo của quốc gia này thường bị phớt lờ. Quả không nên như thế.

Kể từ khi Hoa Kỳ xâm lược Iraq vào năm 2003 nhằm lật đổ chế độ độc tài tàn bạo của Saddam Hussein, các Kitô hữu Iraq, không vì lỗi của mình, đã bị nhắm mục tiêu trong một cuộc giao tranh đẫm máu từ các phe phái chiến binh khác nhau trong phần đông đa số người Hồi giáo trong nước. Trong thời kỳ quân đội Mỹ chiếm đóng, các vụ bắt cóc và giết người – bao gồm vụ thảm sát kinh hoàng vào ngày 31 tháng 10 năm 2010 tại Nhà thờ Đức Mẹ Cứu Rỗi thuộc Giáo hội Công giáo Syria ở Baghdad – kết hợp các cơ hội kinh tế hạn chế và các cuộc đàn áp gia tăng khác buộc phần lớn các Kitô hữu Iraq di cư hoặc chạy trốn đến các khu vực an toàn hơn trong nước. Các vấn đề thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn đối với Kitô hữu còn tiếp tục ở lại sau khi hầu hết các lực lượng Hoa Kỳ rời đi vào tháng 12 năm 2011. Ba năm sau, ISIS lợi dụng sự chia rẽ giáo phái trong nội bộ Iraq và tình trạng tham nhũng chính trị để giành quyền kiểm soát Mosul và Đồng bằng Nineveh, một địa điểm từng là trung tâm Kitô giáo từ thời các Tông đồ.

Chế độ cầm quyền khủng bố Hồi giáo đưa ra chỉ thị rằng các Kitô hữu sẽ buộc phải cải đạo sang Hồi giáo hoặc phải rời khỏi khu vực vĩnh viễn để tránh bị hành quyết ngay lập tức. Vì họ không sẵn sàng từ bỏ đức tin của mình vì vấn đề an ninh kinh tế, nên gần như tất cả dân số Kitô giáo đã chạy trốn khỏi khu vực (thậm chí đi bộ) đến lãnh thổ bán tự trị liền kề của Kurdistan.

Do hậu quả của cuộc đàn áp dữ dội kể từ năm 2003, dân số Kitô giáo của Iraq đã giảm từ khoảng 1,5 triệu người trước Chiến tranh Iraq xuống còn dưới 150.000 người ngày nay. Và mặc dù chế độ ISIS đã bị trục xuất khỏi khu vực vào năm 2017, nhiều Kitô hữu rời bỏ khu vực Đồng bằng Nineveh hiện vẫn chưa quay trở lại vì phần lớn người Hồi giáo vẫn không chào đón sự hiện diện của họ và vì triển vọng an ninh và kinh tế đối với các Kitô hữu vẫn tiếp tục còn là điều đáng ngờ.

Và trên tất cả những đau khổ khác của họ, giống như phần còn lại của thế giới, giờ đây họ phải chịu đựng sự hỗn loạn của đại dịch COVID-19. Vào ngày 14 tháng 2, chính phủ Iraq đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới, bao gồm cả việc cấm hoàn toàn các cuộc tụ họp tôn giáo vì đại dịch. Tình trạng bạo lực đẫm máu ở Iraq cũng đang tiếp diễn, bao gồm vụ tấn công bằng tên lửa vào ngày 15 tháng 2 ở Erbil, nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô dự kiến cử hành Thánh lễ vào ngày 7 tháng 3.

Thực tế rằng bất kỳ Kitô hữu Iraq nào vẫn ở lại đất nước này là một minh chứng liên tục cho tình yêu quê hương đất nước và đức tin của họ cũng như sự kiên trì đáng ghi nhận của họ. Nhưng họ cần sự hỗ trợ và khích lệ, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khao khát được đích thân mang đến cho họ.

“Tôi liên tục nghĩ về Iraq – nơi tôi muốn viếng thăm trong năm tới – với hy vọng rằng nước này có thể đối mặt với tương lai thông qua việc theo đuổi công ích một cách hòa bình và được chia sẻ về phía tất cả các thành phần xã hội, bao gồm cả tôn giáo, và không rơi vào trạng thái lại trở thành thù địch gây ra bởi các cuộc xung đột âm ỉ của các cường quốc trong khu vực”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại một cuộc họp của các cơ quan cứu trợ Công giáo vào tháng 6 năm 2019.

Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là vị Giáo hoàng duy nhất trong thời gian gần đây muốn mở rộng sự ủng hộ như vậy. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hy vọng đến thăm Iraq vào năm 1999, nhưng những sự căng thẳng quốc tế leo thang lên đến đỉnh điểm với cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003 đã ngăn cản Đức Gioan Phaolô II thực hiện một chuyến viếng thăm đầy gian nan như vậy.

Điều kiện hầu như không dễ dàng để thực hiện chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng vào lúc này. Sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID gần đây, hoặc sự gia tăng tỷ lệ bạo lực giáo phái gần đây trong phần đông đa số người Hồi giáo, hoặc sự kết hợp của cả hai yếu tố có thể buộc Đức Phanxicô phải dừng chuyến viếng thăm của mình vào thời điểm cuối cùng. Nhưng sự kiên quyết của Ngài về việc lên lịch trình cho chuyến viếng thăm này, bất chấp những lời đe dọa đã biết rõ này, chứng tỏ Đức Thánh Cha chia sẻ sâu sắc nỗi đau của đàn chiên của Ngài ở Iraq và Ngài muốn củng cố họ bằng sự hiện diện cá nhân của Ngài ở giữa họ như thế nào.

Và nói rộng ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đang bày tỏ sự liên đới của mình với hàng triệu tín hữu Kitô giáo ở các quốc gia như Nigeria, những người đang bị bức hại với mực độ tương đương hoặc thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào thời điểm này. Iraq đứng thứ 11 trong Danh sách theo dõi của Tổ chức ‘Open Doors’ vào năm 2021 về các Kitô hữu bị đàn áp trên khắp thế giới, một danh sách với quốc gia đứng đầu là Triều Tiên do cộng sản điều hành và cũng trích dẫn một số quốc gia Trung Đông và châu Phi do người Hồi giáo thống trị, cũng như Ấn Độ, trong danh sách 10 quốc gia vi phạm quốc tế nghiêm trọng nhất.

Ngay cả trước chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khơi dậy niềm hy vọng mới cho nhiều Kitô hữu ở Iraq. Có một sự phấn khích rõ ràng tại khu vực Đồng bằng Nineveh, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên lịch trình cho một số cuộc gặp gỡ với các tín đồ Kitô giáo địa phương vào ngày 7 tháng 3. Hình ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô được treo khắp nơi trong khu vực, và các Kitô hữu địa phương đã tổ chức các cuộc đại hội giới trẻ và các sự kiện khác trong những tháng trước chuyến Tông du này.

Thực tế là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến cung cấp cho họ niềm tin tưởng lớn hơn rằng Giáo hội của họ có thể tiếp tục tồn tại tại địa phương – rằng cộng đồng của họ sẽ vượt qua những thử thách của thời điểm này, giống như cách họ đã làm chứng cho đức tin của họ trong suốt hơn một nghìn năm sống trong tình trạng địa vị hạng hai dưới sự thống trị của người Hồi giáo.

Hy vọng cũng đang được tạo ra rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể truyền cảm hứng cho một số hình thức hiệp định liên tôn, đặc biệt là dựa trên cuộc gặp đã được lên kế hoạch vào ngày 6 tháng 3 tại Najaf với Đại giáo sĩ Ayatollah Sayyid Ali al-Husayni al-Sistani, nhà lãnh đạo tinh thần của phần đông đa số người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Kitô giáo địa phương cũng cảnh báo rằng sẽ là sai lầm nếu nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên tôn làm lu mờ ưu tiên hàng đầu của chuyến viếng thăm này đó là thể hiện tinh thần liên đới với cộng đồng Kitô giáo bị áp bức.

Các tín hữu Kitô giáo ở khắp mọi nơi đều chia sẻ nguyện vọng của Đức Thánh Cha về việc giảm thiểu cuộc đàn áp Kitô giáo, không chỉ ở Iraq, mà còn ở nhiều vùng đất khác, nơi họ đang bị tấn công vì đức tin của mình. Vì vậy, các tín hữu Công giáo ở Hoa Kỳ nên hiệp ý cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và với các anh chị em có đức tin ở Iraq, khẩn cầu Thiên Chúa ban dồi dào phúc lành cho chuyến hành hương Mùa Chay của Đức Thánh Cha đến vùng đất vốn đã đóng một vai trò quan trọng như vậy trong đời sống của Giáo hội kể từ những ngày đầu tiên của nó.

Bằng cách giữ vững lòng kiên định, các tín hữu tại Iraq đang làm chứng can đảm và hy sinh vì Đức Giêsu Kitô, cũng như các Kitô hữu ở nhiều vùng đất khác, nơi họ phải chịu đựng cảnh bắt bớ khắc nghiệt. Mùa Chay này là thời điểm hoàn hảo để suy ngẫm về những hy sinh anh dũng của họ, đặc biệt là khi chúng ta thực hiện những hy sinh nhỏ bé hơn trong cuộc sống của mình để đến gần Thiên Chúa hơn – và sự hy sinh vĩ đại nhất, cái chết của Đức Giêsu Kitô trên thập giá vì tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Minh Tuệ (theo NCR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube