ĐTC Phanxicô: ‘Mọi người đều có trách nhiệm chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta’

Quang cảnh từ đỉnh Đảo Bartolome ở Galapagos

Quang cảnh nhìn từ trên đỉnh Đảo Bartolome ở Galapagos

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một lá thư cho Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, nhân dịp một hội nghị trực tuyến kéo dài một ngày nhằm xem xét những thách thức và cơ hội ảnh hưởng đến các dân tộc sinh sống trên các hòn đảo.

Khi Giáo hội đánh dấu Tuần lễ Laudato Si’, Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện và Trung tâm Anh giáo ở Rome đã tổ chức một sáng kiến đại kết chung hôm thứ Sáu vừa qua, với chủ đề: “Xây dựng tình huynh đệ, Bảo vệ công lý. Những thách thức và cơ hội đối với các dân tộc sống trên các hòn đảo”.

Mục tiêu của hội nghị

Hội nghị trực tuyến nhằm mục đích khám phá các mối bận tâm về nhân quyền và tình hình về quyền của các dân tộc, bao gồm các thách thức về xã hội và môi trường, trong bối cảnh cụ thể của các quốc gia sống trên các hòn đảo, theo Thông điệp ‘Laudato Si’ và ‘Fratelli Tutti’ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sự kiện này cũng nhằm mang lại tầm nhìn và thể hiện tinh thần liên đới với những người dân có liên quan, cũng như xây dựng mạng lưới liên đới để cùng hành động.

Trong số các chủ đề được xem xét là quyền của các dân tộc bản địa, quyền tự quyết và chủ quyền của các dân tộc đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ.

Sáng kiến này liên quan đến các dân tộc sống ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và liên quan đến các tác nhân địa phương, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, theo cách tiếp cận đại kết và liên tôn giáo.

Hội nghị còn có sự tham gia của các bạn trẻ từ các khu vực liên quan.

Một sáng kiến đại kết quan trọng

Trong một lá thư gửi cho Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, Đức Hồng y Peter Turkson, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả hội nghị là một “sáng kiến đại kết quan trọng, bao gồm việc đối thoại lẫn nhau phát xuất từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của các truyền thống Kitô giáo khác nhau”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết sự kiện này mang đến “cơ hội cho các tín đồ, các nhà lãnh đạo chính phủ và các thành viên của xã hội dân sự rộng lớn hơn, đặc biệt là giới trẻ, giải quyết những thách thức cụ thể mà các dân tộc sinh sống trên các hòn đảo phải đối mặt”.

Những thách thức

Trong số những thách thức này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến tình trạng “bạo lực, khủng bố, nghèo nàn, đói kém và nhiều hình thức bất công xã hội và kinh tế cũng như sự bất bình đẳng mà ngày nay gây tổn hại đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho rằng điều đáng lo ngại là thực tế nhiều người dân trên đảo đang phải đối mặt với “những thay đổi môi trường và khí hậu khắc nghiệt, một số trong số đó là kết quả của việc khai thác không kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng, “Kết quả là họ đang trải qua không chỉ sự suy thoái về môi trường mà còn là sự suy thoái về con người và xã hội ngày càng đe dọa cuộc sống của cư dân trên các vùng lãnh thổ biển đảo này”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị “sẽ đóng góp vào việc phát triển các chính sách quốc tế và khu vực thiết thực nhằm đáp ứng những thách thức như vậy một cách hiệu quả hơn và đồng thời tăng cường nhận thức về trách nhiệm của mọi người trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”.

Đại dịch Covid-19

Chuyển sự chú ý đến tác động của đại dịch coronavirus, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng, trong những tháng này, mọi người đã trở nên ý thức hơn về sự mong manh của chính mình và do đó “nhu cầu về một hệ sinh thái toàn vẹn vốn có thể duy trì không chỉ các hệ sinh thái vật chất mà còn cả con người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “thái độ liên đới và tôn trọng” là điều cần thiết để “giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội ảnh hưởng đến những người sống ở các vùng biển đảo”.

Kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng công việc hoàn thành trong cuộc họp này sẽ là “một dấu hiệu cho thấy vai trò quan trọng mà các dân tộc sinh sống trên các hòn đảo có thể nắm giữ  trong việc thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của một thế giới hòa nhập và nhân bản hơn”.

Các tham dự viên tham gia hội nghị

Các tham dự viên tham gia hội nghị bao gồm Tổng thống Cộng hòa Seychelles, Wavel Ramkalawan, cũng như thông điệp từ Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby.

Hội nghị đang được truyền trực tiếp trên kênh YouTube của Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện: https://www.youtube.com/VaticanIHD

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube