ĐTC Phanxicô cảnh báo các nhà giáo dục Công giáo chống lại sự thực dân hóa ý thức hệ

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Liên minh Giáo chức Công giáo Thế giới (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Liên minh Giáo chức Công giáo Thế giới (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Gặp gỡ Liên minh Giáo chức Công giáo Thế giới (WUCT), Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các nhà giáo dục Công giáo rằng giáo dục Kitô giáo phải vừa “hoàn toàn nhân bản vừa hoàn toàn mang tính Kitô giáo”, đồng thời cảnh báo chống lại sự thực dân hóa ý thức hệ.

Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các thành viên của Liên minh Giáo chức Công giáo Thế giới (WUCT) tại Vatican nhân dịp Đại hội đồng của tổ chức này ở Rôma, để bầu ra Ban chấp hành mới.

WUCT được thành lập vào năm 1951 như một mạng lưới tập hợp các hiệp hội giáo viên Công giáo trên toàn cầu với mục đích điều phối công việc học tập và nghiên cứu của họ được thiết kế để đưa các Giáo huấn của Giáo hội vào thế giới giáo dục và học đường.

Các ưu tiên của mạng lưới này là tạo ra một hệ thống giáo dục có sự tham gia của phụ huynh, giáo viên và học sinh, nhằm trao cho tất cả mọi người trách nhiệm thích hợp trong cộng đồng giáo dục.

Những cộng sự của Đức Giáo hoàng”

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn các thành viên của Ủy ban Điều hành sắp mãn nhiệm vì “sự phục vụ trung thành và quảng đại” của họ trong những năm qua, đồng thời khuyến khích tổ chức “có cái nhìn tích cực” về nhiều thách thức mà tổ chức đang phải đối mặt hiện nay, bao gồm cả “sự thay đổi liên quan tới một thế hệ”, đặc biệt ảnh hưởng đến sự lãnh đạo.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng sứ mạng của Liên minh với tư cách là “những cộng sự của Đức Giáo hoàng” là khuyến khích và thúc đẩy các giáo viên Công giáo nhận thức đầy đủ về sứ mạng quan trọng của họ với tư cách là các nhà giáo dục và những nhân chứng đức tin, với tư cách cá nhân hoặc trong các nhóm đồng nghiệp.

“Bằng cách này – Đức Thánh Cha lưu ý – anh chị em thể hiện trong thế giới học thuật sự phục vụ của Giáo hội trong việc hỗ trợ các giáo chức Công giáo trong đức tin, để họ có thể thực hiện công việc của mình và làm chứng theo cách thức tốt nhất có thể, trong những tình huống thường phức tạp ở các cấp độ có tính chất liên hệ và thể chế”.

Các giáo viên Công giáo phải vừa “hoàn toàn nhân bản vừa hoàn toàn mang tính Kitô giáo”

Khi nhắc nhở rằng sự hiện diện của các nhà giáo dục Kitô giáo trong các cộng đồng trường học là “cực kỳ quan trọng”, Đức Thánh Cha nhắc nhở những người hiện diện rằng các giáo viên Kitô giáo được mời gọi phải “vừa hoàn toàn nhân bản vừa hoàn toàn mang tính Kitô giáo”.

“Không có chủ nghĩa nhân văn nếu không có Kitô giáo, và không có Kitô giáo mà lại thiếu vắng chủ nghĩa nhân văn”.

Điều quan trọng, Đức Thánh Cha cho biết thêm, là các giáo viên Công giáo phải có khả năng làm chứng rằng đức tin Kitô giáo bao trùm tất cả kinh nghiệm của con người, “không cắt đứt đôi cánh ước mơ của tuổi trẻ và làm nghèo đi khát vọng của họ”.

Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, “trong truyền thống của Giáo hội, việc giáo dục giới trẻ luôn có mục tiêu là đào tạo toàn diện mỗi con người, trong mọi chiều kích của họ”.

Một trách nhiệm lớn lao

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh thêm về “trách nhiệm lớn lao” của các giáo viên, những người đang ở vị trí “để lại dấu ấn, dù tốt hay xấu” trên cuộc đời của trẻ em, thanh thiếu niên và những người trẻ được giao phó cho họ.

“Tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm cá nhân tầm quan trọng của việc có những giáo viên giỏi và những nhà giáo dục khôn ngoan trong những năm hình thành của chúng ta!”.

Sự cứng nhắc phá hủy nền giáo dục

Điều này cũng đòi hỏi ở các nhà giáo dục khả năng liên tục đánh giá lại những động lực và phương pháp của chính họ, thích ứng với sự thay đổi của thời đại và thế hệ. “Không thể cứng nhắc”, bởi vì “sự cứng nhắc sẽ hủy hoại nền giáo dục”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.

Sự thực dân hóa ý thức hệ trong giáo dục gây ra thảm họa

Do đó, nhiệm vụ của WUTC, Đức Thánh Cha tiếp tục, là “giúp các giáo viên duy trì mong muốn phát triển cùng với học sinh của họ, tìm ra những cách thức hiệu quả nhất để truyền niềm vui học tập và khao khát chân lý, bằng cách sử dụng ngôn ngữ và các hình thức văn hóa phù hợp với giới trẻ ngày nay”.

Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp các giáo viên Công giáo cẩn thận “phân biệt những điểm mới lạ” thoát khỏi ý thức hệ của giáo dục, cảnh báo chống lại sự thực dân hóa ý thức hệ.

“Ngày nay, sự thực dân hóa ý thức hệ phá hủy nhân cách con người và khi nó xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, nó gây ra thảm họa”.

Nâng cao nhận thức về Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục

Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi WUTC giúp nâng cao nhận thức của các giáo viên Công giáo về Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục của Ngài. Dự án được khởi động vào năm 2019 với sự tham gia của nhiều nhân tố và các bên liên quan quốc tế nhằm xây dựng lại liên minh giáo dục mong manh bằng cách giới thiệu cho các thế hệ mới các giá trị của sự tôn trọng, đối thoại và liên đới thông qua việc đầu tư các nguồn lực tốt nhất hiện có vào giáo dục chất lượng.

Kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích WUTC nhìn về tương lai với hy vọng và tạo động lực mới cho sứ mạng của tổ chức.

Một hiệp hội quốc tế của các tín hữu từ năm 2008

Trước đây đã được Tòa Thánh công nhận, Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân đã đưa ra sắc lệnh công nhận Liên minh Giáo chức Công giáo Thế giới là một hiệp hội quốc tế của các tín hữu vào năm 2008. Là một tổ chức phi chính phủ, tổ chức này có chức năng tham vấn với một số tổ chức quốc tế, bao gồm cả UNICEF.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube