Việt Nam cần lắm một cuộc hoán cải sinh thái

Chúng ta (tức là cá nhân, Giáo Hội và toàn quốc gia) phải sám hối vì đã thất bại trong việc bảo vệ biển miền Trung trước thảm họa ô nhiễm vẫn đang có nguy cơ rất cao là sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian dài hàng nhiều thập niên…

Ngư dân Formosa

Trong Laudato Si’ (LS), tại số 217, nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI “Các sa mạc bên ngoài ngày càng nhiều, vì những sa mạc bên trong đã quá bao la”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Cuộc khủng hoảng sinh thái, vì thế, đòi hỏi sự hoán cải nội tâm sâu sắc”, qua đó, người tín hữu làm cho “hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh”.

Quả thực, “đây không phải là một tùy chọn hay một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Kitô giáo của chúng ta” (LS #217), mà là một thực tại quan trọng trong đời sống Kitô hữu.

Hơn ai hết, chúng ta phải là những tông đồ của ơn hoán cải.

Một cuộc hoán cải cá nhân và cộng đồng

Là một cuộc hoán cải đúng nghĩa, hoán cải sinh thái đương nhiên và trước hết phải là cuộc hoán cải của mỗi cá nhân, trong đó, “chúng ta xét lại đời sống và nhận chân những gì chúng ta gây thiệt hại đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngang qua những hoạt động của chúng ta và cả những hành động cần làm mà chúng ta bỏ qua” (LS #218).

“Tuy nhiên, chỉ có các cá nhân tự cải thiện thì không đủ để giải quyết tình hình cực kỳ phức tạp của thế giới hôm nay. Các cá nhân riêng lẻ dần dần có thể mất khả năng và tự do để thoát khỏi não trạng thực dụng, và cuối cùng đầu hàng trước chủ nghĩa tiêu thụ phi luân đang tước đoạt ý thức xã hội và sinh thái. Các vấn đề xã hội phải được các mạng lưới cộng đồng quan tâm, chứ không chỉ có một tổng hòa các hành vi tốt cá nhân. Nhiệm vụ này tạo nên những đòi hỏi lớn lao mà con người không bao giờ đạt được bằng sáng kiến cá nhân hay thậm chí bởi nỗ lực hợp tác của những hình thức riêng lẻ. Việc điều hành thế giới mời gọi một sự kết hợp các nguồn lực và thành tựu phát xuất từ một thái độ khác.  Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi bền lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng” (LS #219).

Các thái độ

Trong LS #220, Đức Thánh Cha nhắc đến bốn thái độ căn bản trong cuộc hoán cải sinh thái:

  • Biết ơn

“Trước hết là lòng biết ơn và sự cho không, nhận biết rằng thế giới là quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi âm thầm  noi theo lòng quảng đại của Ngài trong sự hy sinh tự hiến và trong những việc lành phúc đức.”

  • Hiệp thông với toàn thể tạo thành

“Sự hoán cải này cũng bao hàm một nhận thức trìu mến về sự liên kết của chúng ta với toàn thể thụ tạo, cùng dự phần trong sự hiệp thông hoàn vũ tuyệt vời. Là tín hữu, chúng ta không nhìn thế giới từ bên ngoài mà từ bên trong, ý thức về các mối dây Chúa Cha đã liên kết chúng ta với tất cả mọi hữu thể.”

  • Phát triển khả năng bản thân

Đó là “việc phát triển cá nhân và những khả năng Thiên Chúa ban tặng”. “Chúng ta đừng hiểu sự ưu việt của chúng ta là một lý do để  vinh vang cá nhân hay thống trị một cách vô trách nhiệm, nhưng đó là một trách nhiệm nghiêm túc xuất phát từ niềm tin của chúng ta.”

  • Góp phần giải quyết các vấn đề sinh thái

“Sự hoán cải sinh thái có thể thúc đẩy chúng ta sáng tạo và nhiệt thành hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và trong việc hiến dâng chính bản thân chúng ta lên Thiên Chúa “như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Người” (Rm 12,1).”

Các xác tín

Đức Thánh Cha (trong LS #221) nói đến ba xác tín đã được khai triển trong suốt thông điệp, làm nền tảng cho cuộc hoán cải sinh thái:

  • Ý thức rằng: mỗi thụ tạo đều phản ánh một điều gì đó của Thiên Chúa và có một sứ điệp ngỏ với chúng ta.
  • Xác tín chắc chắn rằng: Đức Kitô đã tháp nhập thế giới vật chất này vào bản thân Người, và hiện tại Người là Đấng Phục Sinh, đang hiện diện thiết thân trong mỗi hữu thể, ôm lấy nó trong lòng ưu ái của Người, và làm cho nó được rạng ngời nhờ ánh sáng của Người thấm nhập vào trong nó.
  • Xác tín rằng: Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới và đã đặt trong đó một trật tự và một năng động mà con người không có quyền bỏ qua.

Các bước thực hiện

Như mọi cuộc hoán cải, cuộc hoán cải sinh thái gồm ba bước:

  • nhận biết những sai lỗi,
  • sám hối chân thành
  • và khao khát thay đổi.

Điều đáng nói: Đức Thánh Cha đề nghị hoán cải không chỉ về những hành động tàn phá môi trường. Ngài nói đến một cuộc hoán cải toàn diện: về những sai lầm, những tội lỗi, những thiếu sót và cả những thất bại của chúng ta trong việc chăm sóc ngôi nhà chung (LS #218).

Chúng ta (tức là cá nhân, Giáo Hội và toàn quốc gia) phải sám hối, ví dụ, ngay cả vì đã thất bại trong việc bảo vệ biển miền Trung trước thảm họa ô nhiễm vẫn đang có nguy cơ rất cao là sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian dài hàng nhiều thập niên…

Ngọc Huỳnh

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube