Tâm sự chàng bác sĩ

Sai một ly đi một dặm có thể mất cả mạng người. Nhưng nguồn nào có thể sinh cảm hứng, sức lực để chàng tự học, ham học, thấy trách nhiệm thầy thuốc và đặt lại thứ tự các giá trị ưu tiên trong cuộc sống?

bac-si%cc%83-co%cc%82ng-giaoNgoài xã hội đang chê một số nhân viên y tế chẩn đoán bệnh “sai bét”  khiến “nát bét” bệnh nhân.

Đi tìm nguyên nhân vì sao nên nỗi? Do bác sĩ ấy và do bộ máy nhà nước. “Tại anh tại ả, tại cả hai ta”.

Tại anh, tại ả

Bác sĩ ấy được đào tạo sâu về chuyên môn, nhưng từ khi đi làm, nhất là ở những bộ máy y tế thiếu quản lý và đào tạo sâu sắc lâu dài, khiến kiến thức y tế không tăng lên, chỉ đứng lại hoặc lùi xa.

Bác sĩ ấy có phương tiện laptop, iphone, facebook, blog…, nhưng táy máy mở máy chỉ đi tìm tin tức cuộc đời, chỉ tìm hình ảnh bắt mắt để giải lao nên lười dần sự đọc sách y khoa.

Bác sĩ ấy sốt ruột nhìn đồng hồ báo giờ tan sở để còn phóng về phòng mạch tư, nơi kiếm ra tiền nuôi con, sắm đồ đạc, đi du lịch… . Tiền lương ở VN thấp quá, làm không đủ ăn, trong khi đó, lương bác sĩ Campuchia cao hơn rồi.

Bác sĩ ấy về tới nhà lúc tám chín giờ tối, ăn cơm xong thì con đã tự học bài xong, con mệt mỏi vì gánh nặng kiểu giáo dục đè lên óc, nên đã lăn quay ra ngủ. Bố con chẳng có dịp hàn huyên tâm sự, chẳng kịp nguyện cầu. Vợ cũng mỏi mệt chuyện nhà chuyện chợ. Vợ chồng cũng chẳng có thì giờ bên nhau lúc màn đêm buông xuống. Bác sĩ ráng đọc ít dòng y khoa nhưng cứ ngủ gật hoàn ngủ gật. Vả lại, những hình ảnh bắt mắt ngoài ngành y cứ cám dỗ chàng.

Lâu lâu có những buổi đào tạo y khoa, chàng có đi, nhưng cũng mệt mỏi lắm, đi để có điểm trước mặt sở y tế. Không đủ điểm đào tạo y khoa liên tục thì có thể bị mất giấy phép làm phòng mạch tư. Thôi thì “bấm bụng” đối phó chứ chẳng còn say mê học như thời ngày xưa còn bé. Thời của chàng bây giờ là thời kinh tế thị trường và quan trọng hơn nữa: định hướng xã hội chủ nghĩa! Chàng phải toát mồ hôi kiếm tiền để tồn tại và phát triển, dù là méo mó phát triển.

Chàng lại kém ngoại ngữ mới chết cơ chứ. Đọc có vài dòng y văn thế giới mà phải chạy lòng vòng tự điển. Thôi, quay về y văn Việt Nam.

Có cơ quan nào, hiệp hội nghề nghiệp nào hỗ trợ chàng trước những gánh nặng bên ngoài đang vô lý đè xuống buộc chàng méo mó phát triển? Việt Nam không nghèo đến nỗi bác sĩ như chàng lương không đủ tái tạo sức lao động và hoàn thành bổn phận với gia đình. Việt Nam chỉ nghèo vì tình trạng quan chức tham nhũng.

“Nhất thế y, tam thế suy”

Nhưng các cụ thầy thuốc thời xưa thường dặn dò rằng: ” Nhất thế y, tam thế suy”, nếu đời ta mà suy yếu luân lý đạo đức chuyên môn, thì coi chừng suy vong tới cả ba đời. 

Nên lại cần nhìn vào phần bên trong, tự thân chàng: cảm hứng nào để bác sĩ tự học, ham học, thấy trách nhiệm thầy thuốc và đặt lại thứ tự các giá trị ưu tiên trong cuộc sống. Vì sai một ly đi một dặm có thể mất cả mạng người, sai lại cũng có thể bị kiểm điểm, chuyển công tác nhục nhã.

Khó khăn bủa vây cản trở chàng đọc y văn, trau dồi kiến thức, nhìn về bệnh nhân. Tuy nhiên vì là một người Tin, có những phương cách gây cảm hứng, tăng thêm sức, để chàng vượt qua sự lười biếng học hành và dửng dưng vô cảm trước mạng người, thậm chí còn được sở hữu một sự hài lòng về mình sâu xa, đó là đến với nguồn Ân sủng.

Nguồn ân sủng từ Thánh Thần Thiên Chúa – trào ra ngang qua Giáo hội – qua những nhóm nhỏ những người cùng niềm tin, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và nhận về những “cặp kính” chân thực để nhìn đời: Những nguyên tắc để suy tư và những tiêu chuẩn để phán đoán. Thay đổi cặp kính thì hình ảnh mình, hình ảnh xã hội hiện ra rành mạch hơn, chân thực hơn, cảm giác đổi thay theo, nguồn cảm hứng sẽ xuất hiện.

Vốn và lời

Dĩ nhiên cái chàng phải bỏ ra là một lượng thời gian.

Nhưng thời gian ấy là vốn cho một cuộc đầu tư quan trọng. Có cuộc đầu tư nào không cần vốn? Mà ở đây phần lãi chắc chắn có: Ân sủng, sức lực, niềm vui sâu xa, khả năng hy sinh, gia đình phát triển thực sự, bạn bè cùng hướng và sự kính trọng bệnh nhân.

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube