Một dân tộc đang bị loại bỏ khỏi cuộc chơi?

Có phải dân tộc Việt Nam đang bị cuốn vào thứ văn hoá loại bỏ – từ sự bị loại bỏ có chiến lược, có chủ trương dưới sự thao túng của thế lực ngoại bang, cho đến sự dễ dãi, tự hạ thấp phẩm giá của chính mình ngang qua văn hoá ứng xử? 

thai-loai

Con người đang vui thú với lối sống “xả rác”

Thế giới ngày nay đang thoả mãn, hả hê với lối sống “xả rác” – hay nói cách khác, đó là thứ “văn hoá” loại trừ. Nó có vẻ rất “nhẹ nhàng”, “hợp lí”, và dường như rất “phù hợp” với cái gọi là “tự do” của con người. Nó thâm nhập và chiếm lấy con người ở mọi giai tầng xã hội, một cách lặng lẽ, tự nhiên, chỉ vì ích kỷ và vô cảm.

Người ta có thể nhân danh nhiều thứ để thải bỏ, loại trừ. Dễ thấy nhất là thải bỏ vật chất, lương thực – mặc kệ những kẻ đói rách và mặc tình trái đất thành bãi rác thải. Kế đến là loại trừ văn hoá, tôn giáo – mặc kệ quyền sống, quyền tự do của kẻ khác. Người ta cũng không ngần ngại chối từ tình yêu, chối bỏ sinh linh con cái, rũ phủi thâm tình máu mủ, xem nhẹ hiếu đạo, mẹ cha. Sinh mạng con người quá rẻ rúng, nên việc thanh trừng lẫn nhau cũng dễ như lật một ván cờ. Tất cả đều như nhau, cần thì giữ, có giá trị sử dụng thì để lại, không cần thì vứt bỏ, đoạn tuyệt. Đó là một lối sống lạnh lùng, thiếu tình người, thiếu trách nhiệm, và cuối cùng sẽ đẩy con người đến sự cô đơn, tuyệt vọng, đẩy nhân loại và cả địa cầu này đến sự chết.

Một sự loại trừ có chủ trương?

Một câu hỏi vẫn làm nhiều người bâng khuâng: ngày nay, cái gì là bản sắc của dân tộc Việt Nam? Cái gọi là “nghìn năm văn hiến” có còn không? Hay chỉ còn lại một sự pha tạp ô hợp, nhố nhăng, đáng xấu hổ và đáng giễu cợt? Những thứ nhố nhăng, đáng xấu hổ và đáng giễu cợt ấy diễn ra tràn lan: chốn công đường, chốn quan trường, chốn thương trường, và nhức nhối nhất là nó cũng loạn xị chốn học đường. Cái gì đã biến một dân tộc anh hùng, yêu nước trở nên yếu nhược, sợ hãi, biến tầng lớp thanh thiếu niên quả cảm như Trần Quốc Toản ngày xưa, hoặc là trở thành những con người ơ hờ, xa lạ với quốc gia dân tộc, hoặc là trở thành những tù nhân lương tâm khi dám nói lên hai tiếng yêu nước, chống xâm lược? Đất nước này đã được vận hành với chính sách nào để bị đẩy tới tình trạng bi đát ấy?

Chỉ có những người hoặc là ngây thơ mù tối, hoặc là cố chấp, hoặc là vì những lợi ích cá nhân mới không thừa nhận rằng đất nước này đang chịu đựng một chủ trương chối bỏ sự thật, chối bỏ phẩm giá và các quyền sống cơ bản của con người. Hay nói đúng hơn, nó chỉ bảo vệ quyền lợi cho những nhóm lợi ích nắm giữ quyền lực kinh tế – chính trị. Một đất nước mà lớp trẻ phải chịu đựng một nền giáo dục lệch lạc, khủng hoảng, bối rối, mất ổn định và càng ngày càng lạc hậu. Phải chăng, điều đó cũng nằm trong chính sách, chủ trương, bị thao túng, khuynh loát bởi Trung Quốc, đẩy dân tộc này đến chỗ mỗi ngày một suy yếu không gượng dậy được?

Một nước Việt đang bị loại bỏ từng phần? 

Việt Nam như một cơ thể suy kiệt, từng ngày từng giờ đang bị “tùng xẻo” đau đớn – mà tên đồ tể chính là bọn giặc Tàu được yểm trợ bởi những kẻ quyền lực bán nước hại dân. Từ Biển Đông, đến bô xit Tây Nguyên, bọc về sông Mê-kong bóp chết đồng bằng Sông Cửu Long bằng hệ thống đập nước. Phía Bắc thì gọt đầu biên giới, chiếm trọn thác Bản Giốc. Giờ lại âm mưu đánh vào khúc ruột Miền Trung, làm tê liệt kinh tế và con người qua thảm hoạ biển chết. Người ta có quyền đặt câu hỏi: tại sao Formosa vẫn cứ bình chân như vại, ngang nhiên đổ thải ra biển, chôn chất độc trên cạn? Ai đủ thế lực để bảo kê cho Formosa? Còn người dân Việt vẫn bình thản, vô tư, bị kéo vào những sự kiện vụn vặt trên truyền thông mà quên đi nỗi đau lớn của dân tộc.

Thừa phản ứng bạo lực, nổi loạn, nhưng thiếu nét đẹp của văn hoá ứng xử

Một “phản ứng yêu nước” đặc thù của ngươi dân Việt ngày nay là chửi! Càng quan tâm đến tình hình đất nước, càng đau lòng cho dân tộc, càng thù ghét bọn tham quan tàn ác thì chửi càng cay độc, càng tục tằn. Trang mạng xã hội nào cũng đầy những câu chửi bới, thoá mạ lẫn nhau thậm tệ.

Phải chăng, vì đang sống trong một xã hội quá hỗn tạp, phi văn hoá, nên xã hội với những con người vô liêm sỉ ấy phải đáng bị đối xử một cách thô tục, cần phải chửi bới, văng tục, phải hạ “chúng” xuống hàng cầm thú mới xứng đáng?

Một câu hỏi đặt ra: chúng ta đang diễn tả mình là ai? Là những con người có thừa nhiệt huyết, sẵn sàng phẫn nộ trước tham tàn, bất công? Có thể. Thế nhưng phải chăng, ta đang vội vàng chọn lấy thái độ và khí phách nổi loạn của một hảo hớn miền sơn cước, thay vì là hình ảnh của một người yêu nước có phong thái, có cốt cách và có văn hoá đẹp? Ta đang tự hạ thấp phẩm giá của mình chăng?

Bởi không thể xây dựng và làm triển nở những điều tốt đẹp trên nền tảng những thứ đi ngược lại bản chất của nó.

Tất cả phải bắt đầu từ việc xây dựng lại con người – một con người có văn hoá ứng xử đẹp, hiểu biết sự thật, yêu chuộng hoà bình, tôn trọng nhân phẩm và hướng đến xây dựng thiện ích chung.

Tịnh Khê

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube