Mẫu hình con người nào là mục tiêu của giáo dục để xã hội phát triển?

Là Kitô hữu, phát triển bản thân là ơn gọi. Là người VN, góp phần xây dựng, phát triển đất nước VN là bổn phận, trách nhiệm.

Chúng ta thử tìm hiểu xem mục tiêu giáo dục chúng ta có thể tìm thấy ở đâu? Và chúng ta có thể làm gì trong công cuộc giáo dục để góp phần làm cho đất nước phát triển?

Vì Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Phát triển các Dân tộc (Populorum Progressio) đã nói: phát triển là ‘sự chuyển tiếp từ những điều kiện kém nhân bản sang những điều kiện nhân bản hơn.

Nhưng để quá trình chuyển tiếp đến điều kiện nhân bản hơn diễn ra, thì điều kiện cần là phải có sự giáo dục thích hợp, đào tạo các thành viên trong xã hội.

***

Trước hết,  nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay của VN. Thực trạng này có thể mô tả sơ lược bằng một vài nhận định tổng quát của giáo sư Hoàng Tuỵ:

      • …nguyên nhân trì trệ không phải chỉ do những sai lầm cục bộ về điều hành quản lý (tuy phần trách nhiệm của bộ máy quản lý không nhỏ), mà chủ yếu là sai lầm từ gốc, sai lầm từ nhận thức, quan niệm, tư duy cơ bản. Nói vắn tắt, là sai lầm có tính chất hệ thống, sai lầm thiết kế, không thể khắc phục bằng những biện pháp điều chỉnh chắp vá, sai đâu sửa đó, càng sửa càng rối, mà cần phải cương quyết xây dựng lại từ gốc. Đó là mệnh lệnh cuộc sống, nếu chúng ta không muốn tụt hậu thêm nữa. (Hoàng Tuỵ, Kiến nghị chấn hưng giáo dục, 2004)
      • Có thể nói đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn còn giữ khá nhiều quan niệm cổ hủ thời phong kiến nho giáo, thậm chí thời trung cổ Châu Âu. Nặng tính giáo điều kinh kệ, nhằm biến con người thành một phương tiện. (GS Hoàng Tuỵ, Đề cương cải cách giáo dục, 2013).

Mấy chục năm, loay hoay với biết bao nhiêu kiến nghị, bao nhiêu thay đổi, chỉnh sửa mang tính đối phó, vì không có một “quan niệm, nhận thức, tư duy cơ bản” nào làm cơ sở nhằm xây dựng mẫu hình đầu ra cho giáo dục.

Tháng 1/2017 lại một dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông trị giá 80 triệu USD được giới thiệu. Trong số này, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Đây là dự án, hình như đầu tiên của nhà nước XHCN VN, có mô tả chi tiết các phẩm chất, năng lực của người học ở đầu ra:

chân dung học sinh sau 2017 2

Các phẩm chất được các nhà xây dựng dự án chọn trên cơ sở: “các văn kiện của Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Dù có thêm cái đuôi: “đồng thời cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại” ( GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu “chân dung” học sinh sau 2017, vietnamnet.vn).

Một mẫu hình được xây dựng trên những nền tảng như thế, cho rằng dự án sẽ được  thực hiện thành công, hỏi rằng có đem lại cho đất nước này sự phát triển thực sự không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta đọc đoạn số 19 TLHTXHCG: “Giáo Hội mong muốn qua tập tài liệu về học thuyết xã hội đề nghị với mọi người một nền nhân bản phù hợp với những tiêu chuẩn trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa”. Cốt lõi của tập tài liệu chính là hệ thống tiêu chuẩn gồm 4 nguyên tắc: Phẩm giá, Công ích, Liên đới, Bổ trợ và 4 giá trị: Sự thật, Công bằng, Tự do, Tình yêu.

Chúng ta thử dùng “bộ tiêu chuẩn” GHXHCG để xem xét hình mẫu trên.

Trong mẫu hình trên chúng ta thấy thiếu hẳn phẩm chất Công bằng và Tự do, hãy hình dung, một lớp thanh niên 18 tuổi, bắt đầu bước vào đời, tham gia nhiều việc trong xã hội nhưng lại không ý thức, quý trọng phẩm chất Công bằng thì liệu các cá nhân ấy có thể gọi là phát triển? Xã hội có tránh được tình trạng bất công? Một lớp thanh niên 18 tuổi thiếu phẩm chất Tự do thực sự thì bằng cách nào họ có thể xây dựng một xã hội không độc tài, không nô lệ? Ngoài ra, trung thực một cách thụ động chỉ là một phần của việc quý trọng Sự thật. Quý trọng và muốn sống trong sự thật làm con người khao khát tìm kiếm sự thật, trong đó có cả sự thật về Đấng Tạo Hoá, sự thật về chính con người, từ đó con người biết mình thực sự là ai, ở đâu trong các mối tương quan và cần hành xử thế nào để phát triển chính mình và phát triển xã hội cho đúng.

Tóm lại, cho rằng bằng cách nào đó dự án trên thành công hoàn toàn thì xã hội VN cũng không thể phát triển vì con người chưa có điều kiện để đạt được mục đích tối hậu của mình là hoàn thành chính mình, xã hội thì bất công chưa có cơ sở để bị lên án, tiêu diệt, tình trạng độc tài cũng chưa có lý do để biến mất, tức là cả con người và xã hội chưa phát triển nhân bản hơn.

Trong khi đó, nếu “bộ tiêu chuẩn” bảo đảm bao quát mọi mặt của giáo hội CG được đưa vào để hình thành mẫu người trên, từng cá nhân sẽ được giáo dục để biết quý trọng và biết cố gắng sống 4 giá trị (tức có phẩm chất): Tình yêu- Chân lý (Sự thật) – Công lý (Công bằng) – Tự do; có phương cách hành động (tức có năng lực hành động) theo 4 nguyên tắc: tôn trọng Phẩm giá của mình và của bất cứ người nào – coi phục vụ Công ích là trách nhiệm, bổn phận – cộng tác một cách Liên đới và Bổ trợ, thì con người sẽ có điều kiện để đạt đến cùng đích của mình; bất công, độc tài,.. trong xã hội sẽ bị lên án và phá bỏ, như vậy mục tiêu “nhân bản hơn”  trong phát triển sẽ đạt được.

Mẫu hình con người 4-4

Có biết mới yêu mến, có yêu mến mới thực hành, có thực hành thì con người mới phát triển và nhiều người thực hành thì xã hội mới đổi thay đúng hướng, đất nước mới phát triển thực sự.

Và nếu thế, thì vì sao chúng ta không nỗ lực đưa mẫu hình 4 nguyên tắc – 4 giá trị  đó đến giới thiệu cho xã hội, để góp phần vào công cuộc giáo dục của đất nước?

Thuận Kiệt

(Bài chia sẻ trong buổi học GHXHCG tại Mân Côi, GV)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube