Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai…

Người dân cả nước đang hướng về Miền Trung, nơi đồng bào ruột thịt đang phải gánh chịu cảnh tang thương vì bão lũ gây ra. Nhà cửa, tài sản, ruộng vườn bị giòng nước lũ phá tan hoang, ngay cả sinh mạng con người cũng bị đe doạ hoặc bị nhận chìm trong làn nước xiết, dưới lớp bùn đặc quánh.

Một màu tang tóc đau thương bao trùm lên mảnh đất gầy, đè nặng trên đôi vai người dân, vốn đã oằn vì phải gánh chịu bao bất công, đày ải trong xã hội, từ thảm hoạ Formosa đến bão lũ hoành hành; từ những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, hoặc những hàng dương che chắn ngoài bãi biển bị tàn phá. Thiên tai và nhân tai giờ đây, như định luật nhân quả, nhịp nhàng phối hợp với nhau hành hạ phận nghèo của người dân Miền Trung, vốn sinh ra đã nghèo khó trên mảnh đất hàng năm đều phải chịu những cơn bão tố tàn nhẫn quất vào.

Chợt nhớ đến Hội nghị ngày 26/8, với hơn 300 đại biểu lãnh đạo tỉnh, huyện, phường, xã ven biển, do UBND Hà Tĩnh tổ chức Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng Môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sau sự cố môi trường Formosa xả thải khiến cá chết hàng loạt.

Điều đáng phải “gẫm suy” là trong hội nghị này, Gs.Ts Mai Trọng Nhuận quả quyết như đinh đóng cột: “Biển miền Trung có thể tự làm sạch, đào thải chất độc, ô nhiễm như phenol, cyanur”, và còn cho rằng: “Thời điểm này chưa nên can thiệp áp dụng công nghệ vào trầm tích biển vì rất tốn kém. Có khi xử lý không khéo thì độc tố phát tán ra diện rộng rất nguy hiểm”. Còn ông Nguyễn Như Viết – Nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan dân chính Đảng tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa ra giải pháp “kinh hoàng” không kém: “Người dân chúng tôi mong chờ một cơn bão lớn vào Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Giá như có cơn bão vào, mưa to gió lớn thì sẽ đẩy chất thải mất đi và đỡ hơn. Nhưng chờ vào thiên nhiên thì không biết đến bao giờ…

Hôm nay, qua sự “phối hợp nhịp nhàng” giữa bão lũ và xả lũ, các vị “đáng kính” ấy đã được “toại nguyện”, hài lòng vì “kế sách” tuyệt hảo của mình được ứng dụng, mặc cho những nỗi bất hạnh chồng chất lên cuộc sống đầy khốn khổ của người dân Miền Trung.

Dường như để “tự khẳng định” mình là nhà lãnh đạo “có tâm và có tầm” theo mô hình “tự làm sạch nhờ bão lũ”, hưởng ứng ngày “Vì người nghèo” 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ đã “nhắn tin” ủng hộ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Và cho tới giờ này, có lẽ vẫn chưa “nhắn tin” xong, nên người dân các tỉnh Miền Trung vẫn chưa thấy bóng dáng các nhà lãnh đạo “tâm huyết” đến thăm, vẫn chưa nhận được miếng nước, gói mỳ cứu đói từ phía chính quyền, vẫn phải “ngắc ngoải” cầm hơi bằng tấm lòng hảo tâm kịp thời của các cá nhân hoặc các tổ chức “tự phát”.

Thế mới hay có câu nói thật chí lý “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai”.

Nếu nhà cầm quyền cộng sản chứng tỏ mình là một chính quyền vì dân, do dân và có trách nhiệm với dân, như vẫn tuyên truyền mà không hề biết ngượng, có lẽ đồng bào Miền Trung không phải “nuốt” những giòng nước mắt tủi nhục vào trong cho đỡ đói, đỡ khổ, chẳng mong thưởng thức “một lưng bát xáo, mười voi chưa đầy”: “vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phải chăng việc bỏ lơ tình cảnh khốn khổ của người dân Miền Trung, việc chậm trễ và tìm mọi cách giảm nhẹ trong việc xử lý những nhà máy thuỷ điện xả lũ không thông báo, là biện pháp đẩy người dân ra khỏi nơi chôn nhau, cắt rốn, là sự trừng phạt cho thái độ kiện cáo “ương bướng” trước chính sách, chủ trương lớn của đảng và nhà nước về việc duy trì bằng mọi giá khu công nghiệp Formosa, và ung dung với quyết sách để người dân tự xoay sở, vì bão rồi sẽ tan, nước rồi sẽ rút, mặc kệ sự sống còn của người dân nơi đây?

Đúng là thiên tai không bằng nhân tai, thiên tai cũng bởi con người mà ra, mà nhân tai tai hại nhất chính là thể chế cộng sản này, từ trung ương tới địa phương, đã chứng tỏ sự yếu kém, bất lực trong việc quản trị và điều hành đất nước. Tất cả chỉ vì tiền, vì quyền lực tuyệt đối, vì địa vị độc tôn của một đảng, luôn muốn mình ở trên mọi sự, dù đó là chính quê hương, là tổ quốc tiêng liêng và nghĩa tình dân tộc.

Cho nên nhà cầm quyền vẫn ung dung để mặc cho dân tự giúp nhau vượt khó với “tư duy thế kỷ” rằng, “tan bão là xong, nước rút là ổn”.

Phải tự giúp ta rồi Trời mới giúp. “Ta” ở đây bao hàm cả cá nhân lẫn số đông, phải tự thấy vấn đề thì người mới trợ giúp, phải tự xoay sở rồi người mới hỗ trợ, góp phần, phải có hướng giải quyết thì người mới ủng hộ cách hiệu quả…

Những Tấm lòng vàng ngày ngày vẫn đang dàn trải trên những nỗi tang thương của đồng bào Miền Trung, chứng tỏ câu nói thật chí lý: “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai”.

Chợt nhớ tới những lời vàng ngọc của cụ Nguyễn Trãi trong sách Gia Huấn Ca:

“Lấy điều ăn ở dạy con,
Dẫu mà gặp tiết nước non chuyền vần.
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.

Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người quan quả, cô đơn,
Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.

Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây “cần kiệm” gọi là làm duyên

Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.
Của là muôn sự của chung,
Sống không, thác lại tay không có gì.

Ở phải có nhân có nghì,
Thơm danh vả lại làm bia miệng người.
Hiền lành lấy tiếng với đời,
Lòng người yêu dấu, là trời hộ ta.
Tai ương hoạn nạn đều qua,
Bụi trần giũ sạch thực là từ đây.
Vàng trời tuy chẳng trao tay,
Bình an hai chữ xem tày mấy mươi.
Mai sau bạc chín tài mười,
Sống lâu ăn mãi của đời về sau.

Kìa người ăn ở cơ cầu,
Ở thì chẳng biết về sau phòng mình,
Thấy ai đói rách thì khinh,
Cách nào là cách ích mình thì khen.
Hứng tay dưới với tay trên,
Lọc lừa từng tí, bon chen từng đồng!
Ở thì phất giấy đan lồng,
Nói thì mở miệng như rồng như tiên.
Gan thì quá ngỡ sắt đèn,
Miệng thơn thớt nghĩ rơi tiền bạc ra.
Mặt lành khéo nói thực thà,
Tưởng như xẻ cửa xẻ nhà cho nhau.
Ở nào mùi mẽ chi đâu,
Như tuồng cuội đất giấu đầu hở đuôi.
Nói lời lại nuốt lấy lời,
Một lưng bát xáo mười voi chưa đầy.
Cho nên mới phải lúc này:
Cửa nhà tàn phá phút rày sạch trơn.
Kẻ thì mắc phải vận nàn,
Cửa nhà một khắc lại tàn như tro.”

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube