Liên đới với những anh em bị tổn thương

Những khi bị bách hại vì dám nói sự thật, sự thật càng rạng rỡ hơn; những khi bị bách hại vì đòi công lý, công lý ấy mới đáng phải đòi.

Không thể nhân danh sự bình an của cá nhân mà vô cảm với những sự dữ, sự xấu đang xảy ra chung quanh. Không thể vịn vào sự yên ổn của một tập thể nhỏ mà bẻ gãy mối liên kết trong sự hiệp thông và đồng trách nhiệm. Nước mất thì nhà tan.

Vượt lên lối sống an toàn, ra đi loan báo Tin mừng bình an, đó là lời kêu gọi và lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sự thức tỉnh của cộng đồng về quyền con người và về ước muốn thực thi quyền công dân, như đã được quy định trong Hiến Pháp, sẽ khiến những người cầm quyền lo sợ và buộc họ phải hành xử theo pháp luật chứ không thể theo cảm tính “rừng rú, man rợ” như trước đây.

Nhưng không phải lúc nào những người cầm quyền cũng thượng tôn pháp luật và hành xử theo đúng chức năng và nhiệm vụ cho phép. Những sự việc vẫn đang xảy ra cho giáo dân hai xứ Phú Yên và Song Ngọc và hai linh mục quản xứ Antôn Đặng Hữu Nam và G.B. Nguyễn Đình Thục, cho thấy sự vô pháp của những người cầm quyền tại Nghệ An với những thủ đoạn và âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ lương giáo, kích động sự hận thù tôn giáo, mà hậu quả sẽ không biết phải mất bao nhiêu thập niên mới có thể phai lạt, chữa lành.

Từ năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam, lịch sử “được viết lại” theo ý muốn của những kẻ độc tài, mọi sự đều bị làm cho dị dạng, méo mó, trong đó có các tôn giáo, mà Công giáo là đối tượng bị quan tâm nhất, vì bị gán cho tội danh là “do thế lực ngoại bang thù địch” cầm đầu và người giáo dân là những kẻ ngoan cố. Bởi lẽ, nói như Bản nhận định của Hội đồng Giám mục Việt Nam, “chính quyền nhìn các tôn giáo thuần tuý trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng” (số 4), thay vì quan tâm đến những sự đóng góp tích cực của các tôn giáo trong những lãnh vực khác cho xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, từ thiện.

Vì bị quy kết là lực lượng đối kháng (như được định nghĩa là một sự đối lập sâu sắc, một mất một còn, không thể dung hoà được với nhau), hoặc vẫn bị chụp mũ là “phản động có tổ chức” (là cách nói được dùng để chỉ những hành động của một tổ chức phản đối, chống đối các phong trào chính trị hoặc phong trào xã hội được cho là đúng đắn, tiến bộ), các tôn giáo thường xuyên bị những người cầm quyền cộng sản, với mọi hình thức và mọi biện pháp, cố ý tạo nên cái nhìn ác cảm, và sự kỳ thị này đi dần vào trong vô thức, không những cho chính họ mà còn thâm nhiễm vào người dân.

Cùng với những sự đối kháng khác của các thành phần khác trong xã hội như dân oan mất đất, mất nhà, mất đi những cơ hội làm ăn sinh sống, phải tha hương cầu thực; những người phản kháng lại những bất công, lạm quyền, vi phạm những quyền căn bản của nhà nước đối với con người, nhất là quyền được sống; những sự phản ứng lại của người dân với những ngang trái do cách hành xử đầy vụ lợi, toan tính của những người cầm quyền cấu kết với tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích lũng đoạn kinh tế quốc gia, ngay hại đến sự tồn vong của dân tộc, tất cả đều bị gắn cho cái mũ phản động xấu xa.

Khi hành xử cứng rắn và không khoan nhượng nhằm trấn áp những sự phản kháng bất kỳ ở đâu, bằng bất cứ phương tiện nào, kể cả việc đánh đập dã man, lợi dụng mua chuộc những tổ chức xã hội, kích động sự chia rẽ và lòng thù hận giữa lương dân và tín đồ các tôn giáo vu khống, bôi nhọ danh dự cách công khai, những người cầm quyền đang cho thấy họ cương quyết không chịu nhường bước trước những đòi hỏi tôn trọng công lý, sự thật và nhân quyền.

Họ sẵn sàng mạnh tay với “những lực lượng đối kháng” hơn, bằng những cách thức tàn nhẫn hơn và tinh vi hơn, bất chấp công lý và sự lên án của cộng đồng quốc tế, tạo nên một bầu không khí u ám của bạo lực, gây nên nỗi sợ hãi ám ảnh con người.

Những cuộc xung đột, tuyên truyền và kéo dài liên tục, gây ra sự chia rẽ, hận thù tôn giáo ở Nghệ An, đang làm tổn thương cộng đồng với những vết thương khó chữa lành.

Nhưng dù cho những người cầm quyền ở Nghệ An có thao túng quyền lực đến đâu, cũng sẽ chỉ tạo nên hiệu ứng ngược. Vì càng bị vu khống và lăng nhục, người ta càng dễ trở nên công chính; càng bị đánh đập, đàn áp thô bạo, người ta càng dễ đứng sát nhau hơn để bảo vệ nhau và đoàn kết hơn.

Sự dứt khoát từ khước bất kỳ một biểu hiện nào của bạo lực, việc phơi bày ra công luận tình cảnh bi đát của những người dân khốn khổ, sự phản đối những lăm le đàn áp của những người cầm quyền nhắm về phía người dân, chính là nhiệm vụ quan trọng trong ơn gọi ngôn sứ.

Với ơn gọi ngôn sứ, người Kitô hữu không thể nhắm mắt làm ngơ trước những gì đang xảy ra ở quê hương mình, cho dân tộc mình, do những người cầm quyền tạo ra, mà cần mạnh dạn tố cáo sự bất khoan dung, việc sử dụng bạo lực, khủng bố, và kích động các cuộc xung đột giữa những người lương – giáo anh em, gây ra sự sợ hãi, xâm phạm đến phẩm giá của họ, đe dọa đến chính mạng sống của họ, khi họ thực hiện các quyền cơ bản của mình.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube