Bạo lực trong giới trẻ và giải pháp?

Bạo lực học đường, suy cho cùng, là vấn đề về phẩm giá: phẩm giá con người trong độ tuổi hoa niên dưới mái trường, trong gia đình, ngoài xã hội không được giảng dạy và tôn trọng đủ.

***

“Mới đây, một nam học sinh THCS ở Yên Bái tự tử một thời gian sau khi bị một nhóm thanh niên chặn trước cổng trường, dùng tuýp cao su đánh, ép em phải quỳ lạy xin tha thứ trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác và clip em bị đánh được tung lên mạng”. 

“Qua xác minh của cơ quan công an, nguyên nhân nhóm nữ sinh đánh hội đồng 3 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là do mâu thuẫn trong lời nói giữa hai nhóm”.

danh_nhau

Tin tức về những nam sinh, nữ sinh hành xử với nhau theo lối “giơ cao chân”, “gạt tay trúng má” ngày nay không hiếm! Tình trạng bạo lực trong giới trẻ ngày càng tàn bạo, ngang nhiên sỉ nhục, đánh hội đồng nhau một cách tàn nhẫn, không cần phải giấu giếm, ngược lại thường xuyên được quay clip để phổ biến trên mạng xã hội như một chiến công. 

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi, thói quen sử dụng bạo lực với người khác một cách tràn lan như hiện nay. 

Nơi gia đình, khi trẻ thường xuyên chịu đựng cảnh nóng nảy, bạo lực, miệt thị từ cha mẹ thì với một số trẻ có cá tính mạnh, lực ép này sẽ dồn nén trẻ, khi ra ngoài xã hội, trước những người có vẻ yếu thế hơn mình, trẻ có thể sẽ hành xử y như cha mẹ họ, để xả ra những ẩn ức một cách không ý thức. 

Đến trường phải đối diện với một chương trình học nặng nề, ép buộc, thiếu hứng thú có thể gây ra cho trẻ một sự ức chế không nhỏ, và với cách giáo dục nặng thành tích trẻ không ham học sẽ đối diện với những cái nhìn thiếu tôn trọng, thiếu thiện cảm từ thày cô, bạn bè. Để phản kháng, để chứng tỏ giá trị của mình trẻ có thể chọn cách nổi loạn, bắt nạt bạn bè.

Ngoài ra, tuổi thanh thiếu niên, theo sự phát triển tâm lý bình thường, trẻ thường có yêu cầu cao về sự ngay chính, sự đúng đắn (theo mắt nhìn của trẻ) với người chung quanh, nhưng khi nhìn ra xã hội, đọc tin tức trên báo chí, mạng xã hội đầy những cảnh bất công, bạo lực, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, không còn tin vào những điều tốt đẹp, trái lại âm ỉ cơn giận bên trong.

Sự bất mãn, cơn giận dữ dồn nén bên trong lại vào lúc năng lực xung động tuổi thanh niên dồi dào mà không có người, không có nơi giúp giải toả, kết hợp với nhu cầu khẳng định, thể hiện mình nhưng không hiểu biết cách đúng đắn để khẳng định, thể hiện mình, thì bạo lực với người khác có thể được xem là phương cách đạt được mọi sự.

Đáng tiếc nhất, các viên chức có trách nhiệm giữ gìn “an ninh công cộng”, được ưu ái mệnh danh là “bạn dân” lại ngang nhiên hành xử “giơ cao chân”, “gạt tay trúng má” kể cả với nhà báo đang tác nghiệp và dân lành buôn thúng bán bưng. Liệu nhìn vào đó, trẻ có còn niềm tin vào pháp luật khi những người biết luật, hiểu luật, thi hành pháp luật vẫn thường xuyên hành xử bạo lực và đã không bị kỷ luật lại còn được cấp trên bao che lộ liễu? 

Làm cách nào giảm bớt tình trạng bạo lực từ người trẻ?

Trước hết, gia đình và nhà trường cần giảm bớt những ngôn từ, hành vi có tính chất bạo lực, tăng cường cho trẻ có cảm giác được thương yêu, quan tâm, bớt áp lực và tạo được ý nghĩa hướng thượng cho việc học như ngày nay học tập ngày mai giúp đời, học giỏi để giúp những người kém may mắn hơn mình. Riêng người có đức tin thì suy nghĩ xem sẽ làm gì với những nén bạc Chúa trao. Ý nghĩa hướng thượng sẽ là động cơ giúp vượt qua khó khăn, có niềm vui sống, hài lòng về những gì mình có. 

Gia đình và tôn giáo cần vun đắp, chăm sóc, phát triển đời sống tâm linh cho trẻ. Đặc biệt, nếu thực sự có một đời sống tâm linh phát triển, các chấn thương tâm hồn của trẻ (nếu có) có thể được chữa lành và những mục tiêu cao cả, hướng thượng có thể phát triển nơi trẻ trong qúa trình thành nhân.

Nhà trường và tôn giáo cần có những người hiểu biết tâm lý, tạo được sự tin cậy nơi trẻ, để đồng hành với trẻ khi trẻ cần. Như các tham vấn viên được đào tạo bài bản, thực sự yêu nghề là một giải pháp hiện có tại một số trường học ở vài thành phố lớn.

Xã hội và mạng xã hội cần bớt cảnh bất công, bạo lực, ức hiếp người yếu thế. Giải pháp này liên quan đến chức năng quản lý xã hội của nhà nước. Trách nhiệm này dư luận xã hội, xã hội dân sự, công dân nói chung cần gây sức ép để nhà nước nhận thức tầm quan trọng của phẩm giá con người, từ đó có các chính sách điều hành, quản lý xã hội thích hợp.

Tựu trung, gia đình vẫn là giải pháp căn bản nhất để tránh cho trẻ trở thành con người bạo lực, thông qua lối sống yêu thương và liên đới với nhau. 

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, một nước còn có nhiều người nghèo, đa số các bậc cha mẹ thuộc mọi ngành nghề đều phải làm việc cật lực, vật lộn căng thẳng với cuộc mưu sinh, để lo cho gia đình những nhu cầu thiết yếu: lương thực, nhà ở, con cái được đi học. Cuộc sống vốn dĩ căng thẳng trong công ăn việc làm, căng thẳng vì phải sống và làm việc trong một xã hội đầy dẫy các viên chức cửa quyền, tham nhũng. Tất cả những điều này làm cho các bậc cha mẹ khi về đến nhà mỏi mệt, hầu như không còn đủ sức để kiên nhẫn, gần gũi, bình tĩnh, cảm thông với con cái.

Tuy vậy, rất cần các bậc cha mẹ tỉnh táo, chịu hạ thấp một phần mức tiêu dùng, bớt chạy đua theo các xu hướng coi trọng bằng cấp, sĩ diện bên ngoài của xã hội, cố giữ cho được ưu tiên hợp lý về thời gian sinh hoạt của mọi thành viên trong nhà, để phát triển đời sống tình cảm cho tổ ấm, để nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho trẻ, qua việc tạo cơ hội cho trẻ tham gia các bữa cơm gia đình, tham gia các hoạt động trong các hội đoàn tôn giáo. Nhờ thế trẻ sẽ không có nguy cơ phải tích luỹ sự giận dữ nào đó trong tâm hồn, ngược lại trẻ dần tích luỹ được một năng lượng hướng thiện đủ, để vượt qua những lực đẩy bạo lực khi ra ngoài xã hội; thậm chí còn có thể trở thành những nguồn hơi ấm cho bạn bè chung quanh trẻ.

Các bậc cha mẹ Việt Nam phải đương dầu bao khó khăn để hoàn thành bổn phận giáo dục con trẻ của mình trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Giáo hội càng có bổn phận nỗ lực, tích cực giúp đỡ các gia đình giáo dục thanh thiếu niên. Việc thành lập các hội đoàn/các nhóm sinh hoạt cho giới trẻ, từ thanh thiếu niên trở lên là rất cần thiết. Các hội nhóm này phải có cách sinh hoạt hấp dẫn, đa dạng, phù hợp tâm lý giới trẻ, và được quảng bá rộng rãi đến giới trẻ. Không thể cứ giữ cách sinh hoạt quá khác biệt, quá “cũ kỹ” so với những gì đang lôi cuốn, ra sức thu hút người trẻ ngoài xã hội.

Bạo lực học đường, suy cho cùng, là vấn đề về phẩm giá: phẩm giá con người trong độ tuổi hoa niên dưới mái trường, trong gia đình, ngoài xã hộu không được giảng dạy và tôn trọng đủ.

Đâu rồi những “tâm hồn cao thượng” dưới mái học đường? Đâu rồi những “học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau”?

Thuận Kiệt

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube