Bạo lực đâu phải bỗng nhiên mà có

Mỗi năm dịp Tết cổ truyền, ta lại được xem các lễ hội diễn ra ở nhiều nơi trong nước. Lễ hội cổ truyền là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên nhiều năm nay, nhiều lễ hội đã bị bầu khí bạo lực bao trùm: bạo lực từ người đi dự lễ hội, đến các dịch vụ ăn theo. Chứng kiến cảnh hỗn loạn, ai cũng buồn, nhiều người còn tỏ ra phẫn nộ. Nhưng bình tĩnh suy xét, bạo lực không phải bỗng nhiên phát sinh nơi con người: nó đã được gieo rắc và “nuôi dưỡng” từ lâu trước đó, khi gặp được sự kích thích thì nó dễ bột phát ra.

00salvacion

Thực tế nhiều năm trở lại đây, bạo lực đã hoành hành ở khắp nơi trên đất nước ta. Chỉ cần vào gút gồ (google) truy tìm chữ “bạo lực”, là có hàng nghìn kết quả. Từ bạo lực gia đình, công sở, đến học đường, bệnh viện…, rồi cả những cơ quan công quyền, hành chính, giao thông…vv… Các hình thức bạo lực cũng rất ư là phong phú: bạo lực bằng hành vi, bằng ngôn từ, bằng thủ đoạn… Tất cả đều đẩy người ta vào tình trạng tổn thương thể xác lẫn tinh thần, uất ức về tâm lý. Chính khi ấy mầm mống bạo lực được gieo rắc và nuôi dưỡng nơi lòng người ta.

Hành xử bằng bạo lực, bạo lực sẽ lên ngôi, và sớm muộn gì nó cũng quay lại quật ngược vào ta. Thế nhưng, tiếc thay trong cuộc sống hàng ngày, người ta cứ thích cư xử với nhau bằng bạo lực. Kẻ có cơ bắp, thì hay sử dụng sức mạnh cơ bắp để đánh đập, gây tổn thương người khác. Người có miệng lợi khẩu, thì dùng ngôn từ là chửi bới, hạ nhục hay giễu cợt người khác. Người có trí thông minh, thì dùng trí thông minh lừa gạt, chơi xỏ, chơi khăm người khác. Người có quyền thế và tiền bạc, thì dùng tiền bạc, quyền thế mà hiếp đáp, hạ bệ và gây thiệt hại cho người khác…vv…

Đáp trả bạo lực bằng bạo lực, bạo lực sẽ tăng gấp đôi. Nguyên lý này nhiều người biết, nhưng chẳng mấy ai tránh được. Thằng A đấm mình một cái, mình phải nhè miếng đấm lại nó đau hơn. Nhỏ B chửi mình một câu, mình phải tìm được câu độc hơn mà chửi lại nó mới hả dạ. Ông C mới chơi xỏ mình một vố, mình chưa biết làm gì thì ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng rắp tâm tìm dịp báo thù. Lão D cậy quyền và tiền mà hà hiếp ta, ta cũng sẽ dùng nhiều tiền mua chuộc chỗ quyền thế hơn để “xử đẹp” lão… Quả thật, đa số người ta khó mà chịu thiệt một cú đánh, một lời lăng mạ, hay một vố chơi khăm chơi xỏ.

Bạo lực xảy ra cho ta, ta đáp trả lại bằng bạo lực đã là không ổn. Nhưng khi chứng kiến cảnh bạo lực, hoặc những điều ta cho là chướng tai, gai mắt, ta cũng phản ứng lại bằng bạo lực, thì những cảnh bạo lực hay điều chướng tai gai mắt kia chẳng những không giảm bớt, mà còn gia tăng mạnh mẽ hơn. Mới đây trên các trang mạng xã hội đăng tải một số video clip: cảnh cướp lộc đền Gióng, nhóm thanh niên đánh hội đồng một ông già thương binh, đám thanh nữ đánh ngất xỉu bà già ở lễ hội, chỉ vì bà này giẫm đạp lên chân một cô… Thế là nổi lên một làn sóng phẫn nộ từ những người xem, người đọc. Mới nghe, tưởng đó là phản ứng tích cực, nhưng kỳ thực nó cũng sẽ gieo rắc thêm cái xấu, cái ác vào xã hội.

Mỗi cái xấu, cái ác xảy ra trong xã hội, đều có nguyên nhân cội rễ. Nước ta từ khi chính quyền đương thời lên nắm quyền, thì đã hành xử bằng bạo lực để cướp chính quyền. Rồi trong bao nhiêu năm nay, cách hành xử của chính quyền với người dân cũng hàm chứa rất nhiều bạo lực. Từ tác phong đến ngôn từ và hành vi theo kiểu quan liêu, phách lối của người cầm quyền… đều để lại ấn tượng xấu trong lòng người dân. Người dân ra đường gặp các anh cảnh sát giao thông – mà có người đặt cho biệt danh “con sâu gặm tiền” – trong lòng dâng tràn nỗi sợ hãi và uất hận.

Nhất là khoảng gần chục năm nay, khi chính quyền hành xử với dân trong các vụ việc đất đai, giải tỏa đền bù, hoặc doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường làm tổn hại đến người dân,… thì lại sử dụng bạo lực trấn áp nhân dân. Ngay cả với những nhân sĩ, trí thức và những người yêu nước bày tỏ phản đối những hành vi bá quyền của Trung Quốc, nhà cầm quyền  cũng dùng bạo lực để trấn áp rất mạnh tay. Quả thực, những lần như thế, đã gieo rắc và làm phát triển bạo lực trong lòng người ta một cách thật là ghê gớm. Đến nay, hơi có một chút cơ hội kích thích là nó bột phát ra ngay.

Đức Phật dạy: “Lấy oán báo oán thì oán nghiệp chập chùng, lấy ân báo oán thì oán nghiệp tiêu tan.” Chắc chắn chúng ta không thể hạ nhiệt lòng hận thù, tính bạo lực nơi xã hội bằng những ngôn từ hay hành vi mang tính bạo lực. Khi chứng kiến những hành vi bạo lực như ở các video clip nói trên, ta thường có xu hướng phẫn nộ, lên án những người gây ra bạo lực một cách cũng không ít bạo lực trong lời nói. Như thế vô tình chính chúng ta cũng gieo rắc thêm bạo lực. Và như thế, ít nhiều gì chúng ta cũng có liên đới trách nhiệm đến nguyên nhân bạo lực.

Phải dùng cách khác. Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương kẻ thù…” (Lc 6,35). Quả thực, đây là chìa khóa vàng mở toang những cõi lòng thù hận biết đón nhận nhau. Đây là đỉnh cao của mọi giải pháp để hóa giải thù hận, triệt tiêu bạo lực. Vậy, để đối phó bạo lực, dứt khoát chúng ta phải điều chỉnh lời nói và hành vi trở nên không chút bạo lực và đong đầy yêu thương.

Chỉ có giáo lý yêu thương và bao dung của Chúa Giêsu mới là giải pháp trọn vẹn và vững bền cho xã hội Việt Nam ta hôm nay. Bởi chính Chúa sửa dạy nhưng Chúa dung thứ tất cả tội lỗi, yếu đuối của con người, và Ngài yêu thương tất cả mọi người: những người thiện tâm, những người yếu thế, những người cầm quyền hung bạo và những thanh niên thiếu nữ hành xử bạo lực. Chúa còn yêu quí tất cả những người ở tận cùng đáy xã hội và nâng họ lên thành con Thiên Chúa, cho họ sống tự do đúng với phẩm giá của mình.

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube