Bán gì và mua gì?

Chưa nói đến những giá trị vật chất, tinh thần tích luỹ từ nhiều trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mất đi hoặc bị làm cho biến chất không thể lấy lại, thì còn đó những con người với trái tim đau khổ vì mất cội nguồn, quê hương, âm ỉ một mầm phản kháng, rẽ chia xã hội.

***

dân tộc Chăm

Hình: Facebook Kiều Kiều Maily

Trên mạng xã hội, khoảng giữa tháng 2/2017 một lần nữa lại rộ lên tin nhà cầm quyền thành phố HCM sẽ cho xoá sổ nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, làm xôn xao trái tim của biết bao người, ngay cả những người không Công giáo bây giờ cũng phải lên tiếng.

Vì:

“Từ đô thị đến thôn quê, ở đâu các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu hay hội quán, nhà thờ, tu viện… đều là trung tâm sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. […] Hình ảnh kiến trúc tôn giáo trở thành biểu tượng của quê hương bản quán như mái đình, tháp chuông cũng như dòng sông, bến nước… Nhiều công trình tôn giáo trở thành niềm tự hào của cộng đồng do tuổi đời lâu năm và những giá trị kiến trúc nghệ thuật.”

giải toả nhà thờ Thủ Thiêm 2

Hình: Facebook Nguyễn kc Hậu

Cuối tháng 2/2017, mạng xã hội lại tiếp tục lan truyền một cách đồng cảm những dòng tâm sự “đau tận tim” của một facebooker người Chăm, khi cô muốn thăm những ngôi mộ tổ tiên của mình trong khu đất thánh Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vùng đất thánh của dân tộc Chăm, nơi nhà nước không chọn cách đập bỏ nhưng giữ lại, tôn tạo (với sự đóng góp kinh phí phần lớn của một số tổ chức nước ngoài), và chọn làm khu di tích cổ để khai thác kinh tế, theo cách gạt bỏ cả những chủ nhân thực sự, lâu đời của di tích:

“Đầu tiên tôi nói nhẹ nhàng: Tôi là Chăm, và có nói vài tiếng Chăm để họ biết. Tôi bận áo dài Chăm đeo tui tai đậm chất Chăm.. tôi nói tôi vào viếng thăm tổ tiên của tôi. Nói rất nhẹ nhàng. Nhưng họ vẫn một lời nói là tôi phải mua vé. Người Chăm cũng phải buộc mua. Đứng lý sự với nó một hồi tôi mới gọi em trai” V” ra để dắt tôi vào. Khi bước chân vào ngay cổng không hiểu sao nước mắt cứ trào tuôn, tim đập mạnh vì thấy đau tận tim, tự dưng xúc động dù rất kiềm lòng, nhưng tôi đã gào thét tại cổng bằng tiếng Yuen và tiếng Chăm: Thần linh ơi, tổ tiên ơi Chăm mình bị mất hết thật rồi”, “Pô Yang lơy …, lúc đó nhiều du khách đứng nhìn, nhưng toàn khách Tàu, Tây thì ít và vài khách Việt. Không thể cầm nổi nước mắt khi nghĩ đến Chăm. Nước mắt cứ tuôn từ khi bước vào đến khi ra về..”

Trở lại đất thánh (Mỹ Sơn), nơi tổ tiên an cư hơn hàng ngàn năm, nay vẫn hoang tàn nằm đó. Tôi không khóc không phải vì tôi nghèo đến nỗi không 100 nghìn VN trên tay để mua tờ vé mà tôi khóc với cơn ác mộng như một cuộc động đất lớn đã diễn ra ngay hiện tại và tôi bị mất hết gia đình, ông bà, tổ tiên của tôi…

Tổ tiên tôi hiện tại như bị giam hãm trong không gian chật chội để làm trò chơi thu phí cho du khách. Hôm qua có một bạn người Việt nhắn tin nói với tôi rằng: “Mua vé là điều đương nhiên, ai cũng phải mua vé đó là quy định”. Tôi trả lời: Nếu bạn vào một đền thờ, nơi ông bà tổ tiên bạn để thắp một nén hương, nhưng người Tàu đã ngăn bạn, ko cho bạn vào, bắt bạn phải mua vé mới cho vào thăm viếng ông bà, TT của bạn thì bạn có chịu không? Suy nghĩ cho kỹ rồi hẳn nói, bạn phải đặt tâm thế của mình vào trước đã liệu có đúng hay sai.

Hôm qua tôi lại không ngủ được, một màn đêm tối dài.. Nước mắt cứ tuôn.., […].”

Hệ thống cầm quyền, gồm những con người được giáo dục dựa trên nền tảng lý thuyết vô thần, nên “tâm linh”, “phần tâm linh” của con người, là khái niệm hết sức xa lạ. Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, họ được dạy dỗ để chỉ còn biết một loại giá trị ưu tiên cao nhất: Tiền bạc, lợi nhuận. Trên nền tảng vô thần, duy lợi nhuận, khi thiết kế, quy hoạch xây dựng ngang qua những vùng đậm chất tâm linh họ khó lòng hiểu được, đồng cảm được với những cộng đồng có một đời sống tâm linh sâu sắc sống cùng những “thánh địa” ấy.

Do đó, hoặc nhà thờ, nhà dòng, nhà chùa bị đập phá nhường đất, bán chỗ làm nơi kinh doanh, buôn bán thu lợi nhuận, hoặc chúng được giữ lại thì cũng chỉ dưới dạng một nơi buôn bán dịch vụ như khu di tích thánh địa Mỹ Sơn.

Chưa nói đến những giá trị vật chất, tinh thần tích luỹ từ nhiều trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, của một cộng đồng trên đất nước mất đi, hoặc bị làm cho biến chất không thể lấy lại, thì còn đó những con người với trái tim đau khổ vì mất cội nguồn, quê hương, âm ỉ một mầm phản kháng, rẽ chia xã hội: 

Chúng tôi đứa con Chăm và đang sống trên vùng đất bản địa của mình, quyết không cho phép một tổ chức người Việt nào ngăn cản con Cháu Chăm tôi đến thăm viếng tổ tiên mình một cách vô tội vạ như vậy.” 

Cách đây 50 năm, trong Thông điệp “Phát triển các dân tộc” Đức Phaolo VI đã cảnh báo:

Đối với một dân tộc cũng như đối với một cá nhân có thêm nhiều của hơn không phải là mục đích tối hậu. Mỗi một sự thăng tiến đều có hai mặt: nó cần thiết để con người được nên người hơn, nhưng đồng thời nó cũng giam hãm con người một khi nó trở thành giá trị cao cả thật, không còn cho thấy giá trị nào khác. Lúc đó, lòng người trở nên chai đá và tinh thần khép kín lại, con người không còn đến với nhau vì tình nghĩa, nhưng chỉ vì lợi lộc. Lợi lộc làm cho con người chống đối nhau và chia rẽ nhau.

Sự thật là:

“ […] nếu chỉ tìm của cải mà thôi thì không những sẽ làm cản trở cho sự phát triển của con người, mà còn phản lại sự cao cả bẩm sinh của con người. Đối với một quốc gia cũng như đối với một con người, tội tham lam là một hình thức lộ liễu nhất của tình trạng luân lý thấp kém”.

Đến khi nào và chúng ta bằng cách nào giúp những người tạo nên hệ thống cầm quyền hiểu được thực sự họ đang “bán” gì và “mua” gì cho họ, cho con cháu họ và cho cả trăm triệu người trên đất nước này?

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube