Những hạn chế tôn giáo trên khắp thế giới đã thay đổi như thế nào trong một thập kỷ

Bốn ghi nhận chính từ báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu Pew về sự phiền nhiễu mà các tôn giáo phải chịu trên khắp thế giới.

fullsizeoutput_4b7

Trung tâm nghiên cứu Pew vừa công bố báo cáo thường niên lần thứ 10, phân tích các hạn chế về tôn giáo (cả của các  chính phủ lẫn của các cá nhân hoặc các nhóm trong xã hội) trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay khác với báo cáo trước đây, vì nó tập trung vào những thay đổi đã xảy ra trong suốt một thập kỷ, từ năm 2007 đến 2017, thay vì nhấn mạnh các biến thể theo từng năm. Một cách tiếp cận mới khác trong năm nay, là việc chia tách hai loại hạn chế tôn giáo – hạn chế của chính phủ và sự thù địch xã hội – thành bốn loại. Việc này cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về các loại hạn chế tôn giáo cụ thể mà mọi người phải đối mặt – và cách chúng thay đổi theo thời gian.

Dưới đây là những phát hiện chính từ báo cáo:

1. Các hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo đã gia tăng trên toàn cầu từ năm 2007 đến 2017 ở cả bốn kiểu loại được nghiên cứu: thiên vị các nhóm tôn giáo, luật pháp và chính sách chung hạn chế tự do tôn giáo, quấy rối các nhóm tôn giáo và giới hạn hoạt động tôn giáo. Các loại hạn chế phổ biến nhất trên toàn cầu luôn là hai loại đầu tiên. Các chính phủ thường thiên vị một nhóm hoặc một số nhóm tôn giáo nhất định trong hiến pháp hoặc luật cơ bản của họ. Và luật pháp và chính sách chung hạn chế tự do tôn giáo có thể bao gồm một loạt các hạn chế, như yêu cầu các nhóm tôn giáo đăng ký để hoạt động chẳng hạn. Nhưng một trong những sự gia tăng nổi bật liên quan đến các giới hạn của chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo, là các giới hạn hoặc yêu cầu về trang phục tôn giáo. Điểm trung bình toàn cầu trong danh mục này tăng khoảng 44% trong giai đoạn 2007-2017.

2. Sự thù địch xã hội liên quan đến tôn giáo đã tăng lên trong một số kiểu loại, nhưng mức độ căng thẳng và bạo lực liên tôn giáo, còn được gọi là bạo lực giáo phái hoặc cộng đồng, đã giảm trên toàn cầu. Năm 2007, 91 quốc gia đã trải qua một số mức độ bạo lực do căng thẳng giữa các nhóm tôn giáo, chẳng hạn như xung đột giữa người Ấn giáo và Hồi giáo ở Ấn Độ, nhưng đến năm 2017 con số đó đã giảm xuống còn 57 quốc gia. Tuy nhiên, sự quấy rối của các cá nhân và các nhóm xã hội, bạo lực tôn giáo của các nhóm có tổ chức và sự thù địch liên quan đến các quy tắc tôn giáo (ví dụ, quấy rối phụ nữ vì vi phạm quy định về trang phục) đã gia tăng. Để biết chi tiết về các loại này, xin xem bản báo cáo đầy đủ.

3. Mức độ hạn chế tôn giáo xảy ra cao nhất là ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi trong tất cả tám kiểu loại hạn chế được bản báo cáo nghiên cứu.  Khoảng cách giữa Trung Đông và tất cả các khu vực khác là đặc biệt lớn liên quan đến sự thiên vị  của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo: 19 trong số 20 quốc gia ở Trung Đông thiên vị  một tôn giáo (Lebanon là ngoại lệ). Ngoài ra, điểm trung bình cho sự quấy rối của chính phủ ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi đã tăng 72% trong khoảng thời gian được báo cáo. Điều này bao gồm các trường hợp như truy tố hình sự Ahmadis hoặc các thành viên của các giáo phái thiểu số khác của Hồi giáo. Mức độ bạo lực tôn giáo của các nhóm có tổ chức (như các nhóm khủng bố) cũng tăng đột biến trong khu vực. Năm 2017, 11 quốc gia Trung Đông được ghi nhận là có hơn 50 vụ khủng bố liên quan đến tôn giáo, bao gồm tử vong, thương tích, giam giữ và thiệt hại tài sản. Con số các quốc gia được ghi nhận có tình hình tương tự trong năm 2017 là 4 quốc gia.

4. Trong một số kiểu loại nhất định, một số sự gia tăng lớn nhất trong các hạn chế tôn giáo trong thập kỷ qua đã xảy ra ở châu Âu và châu Phi cận Sahara.  Điểm trung bình của châu Âu về giới hạn của chính phủ đối với hoạt động tôn giáo đã tăng gấp đôi và điểm số của châu Âu về sự quấy rối của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo đã tăng khoảng 70%. Trong khi đó, điểm số của châu Phi cận Sahara trong việc chính phủ thiên vị các nhóm tôn giáo đã tăng hơn 50% và cả hai khu vực đều có sự gia tăng rõ rệt về sự thù địch xã hội liên quan đến các quy tắc tôn giáo. Chẳng hạn, năm 2017, những người đàn ông có vũ trang đã xông vào lớp học ở nhiều trường học ở Burkina Faso và đe dọa sẽ giết giáo viên nếu họ không dạy Kinh Qur’an cho học sinh của họ. Và tại Ukraine năm 2015, những người ly khai đã đưa bốn Nhân Chứng Giê-hô-va ra trường bắn, đánh đập, chế nhạo và buộc họ phải thú nhận Chính Thống giáo là tôn giáo thực sự duy nhất.

Vũ Hùng

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube