Ngày Môi trường Thế giới 5/6: Bảo vệ sự đa dạng sinh học, ngăn chặn đại dịch

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 06-06-2020 | 05:06:06
Ngày môi trường thế giới ở Sarajevo, Bosnia và Herzegovina. (ANSA)

Ngày Môi trường Thế giới tại Sarajevo, Bosnia và Herzegovina (Ảnh: ANSA)

Ngày Môi trường Thế giới năm nay, ngày 5 tháng 6, đang kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ sự đa dạng sinh học của hành tinh.

Nhân Ngày Môi trường Thế giới năm nay, được tổ chức vào ngày 5 tháng 6, Liên Hợp Quốc đã đưa ra mối liên hệ giữa sức khỏe của hành tinh và sức khỏe con người, và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng sinh học, hệ thống hỗ trợ sự sống.

Kể từ năm 1974, Ngày Môi trường Thế giới đã được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 6, thu hút các chính phủ, doanh nghiệp, các danh nhân và mọi công dân tập trung mọi nỗ lực của họ vào vấn đề môi trường mang tính cấp bách.

Vào thời điểm khi mà một triệu loài động vật và thực vật được cho là đang trên bờ vực tuyệt chủng, chủ đề được chọn cho Ngày Môi trường Thế giới của năm nay là sự đa dạng sinh học.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc – chúng ta đang tự làm tổn hại chính mình

Trong một thông điệp video nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ, ông António Guterres, cảnh báo rằng “thiên nhiên đang gửi cho chúng ta một thông điệp hết sức rõ ràng. Chúng ta đang làm tổn hại thế giới tự nhiên, gây thiệt hại cho chính bản thân chúng ta”.

Ông Guterres lưu ý rằng tình trạng suy thoái môi trường sống và mất đa dạng sinh học đang gia tăng, “vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn…” Hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán và siêu bão đang trở nên thường xuyên và gây thiệt hại hơn, và các đại dương đang nóng lên và axit hóa, phá hủy các hệ sinh thái san hô.

“Và hiện tại”, ông Guterres nói, “coronavirus chủng mới đang hoành hành, làm suy yếu sức khỏe và sinh kế của chúng ta”.

“Để chăm sóc nhân loại, chúng ta PHẢI quan tâm đến thiên nhiên”, ông Guterres nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết thêm rằng, “Chúng ta cần toàn bộ cộng đồng toàn cầu của chúng ta thay đổi lối sống”.

Do đó, người đứng đầu LHQ kêu gọi tất cả mọi người “suy nghĩ lại về những gì chúng ta mua và sử dụng”, áp dụng các thói quen, các mô hình kinh doanh và nông nghiệp bền vững, bảo vệ các không gian hoang dã và động vật hoang dã và đồng thời cam kết vì một tương lai xanh và vững mạnh.

Các thảm họa môi trường có mối quan hệ tương quan

Trong một thông điệp riêng nhân Ngày Môi trường Thế giới, David Boys, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền và môi trường, đã thu hút sự chú ý đối với mối liên hệ giữa Covid-19 và nhân quyền.

“Ít nhất 70% các căn bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện chẳng hạn như Covid-19”, ông Boys nói, “đã chuyển từ động vật hoang dã sang người”. “Chúng ta cần phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của những thảm họa môi trường có mối quan hệ tương quan đến nhau và đồng thời nắm bắt cơ hội này để đạt được một tương lai công bằng và bền vững”.

Ông lưu ý rằng “đại dịch Covid -19 toàn cầu đã chứng minh những tác động trực tiếp và nghiêm trọng của tình trạng suy thoái môi trường đối với việc hưởng thụ hàng loạt các quyền của con người, bao gồm quyền đối với sự sống, sức khỏe, thực phẩm, nước và văn hóa”.

Ông David Boys kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường và đồng thời ngăn chặn vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm độc hại và các bệnh dịch chuyển từ động vật sang người.

UNEP – “Hồi phục trở lại mọi thứ tốt đẹp hơn” với các khoản đầu tư xanh

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) là cơ quan hàng đầu toàn cầu đặt ra và thúc đẩy chương trình nghị sự về môi trường toàn cầu tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững trong hệ thống Liên Hợp Quốc.

Khi các quốc gia mở cửa và các chính phủ phê duyệt các gói kích thích để hỗ trợ tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển và tăng trưởng kinh tế, sau sự tàn phá của Covid-19, UNEP đang thúc giục các quốc gia “hồi phục trở lại mọi thứ tốt đẹp hơn”.

Điều này liên quan đến việc nắm bắt các cơ hội đối với các khoản đầu tư xanh – như năng lượng tái tạo, nhà ở thông minh, mua sắm công và giao thông công cộng xanh – được hướng dẫn bởi các nguyên tắc và tiêu chuẩn của việc sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Việc thất bại trong nỗ lực này và cố gắng quay trở lại kinh doanh như thường lệ, UNEP cảnh báo, đe dọa việc chứng kiến sự bất bình đẳng còn tăng cao hơn nữa, và làm xấu đi tình trạng xuống cấp của hành tinh.

Ngày Môi trường Thế giới đã được triển khai để trở thành sự kiện lớn nhất hàng năm của Liên Hợp Quốc, ủng hộ hành động vì môi trường và nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về sự cần thiết cần phải tăng cường bảo vệ vì sự tồn tại lâu dài của hành tinh.

Phiên bản năm 2020, với khẩu hiệu “Thời gian dành cho thiên nhiên”, được tổ chức bởi Colombia, vốn đang tổ chức một số sự kiện, được phát trực tiếp hoặc trên phương tiện truyền thông xã hội.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube