Cần đặt giáo dục dưới góc nhìn công ích

Quyền được tiếp cận giáo dục là một trong những quyền phổ quát của con người, đồng thời đó cũng là đòi hỏi thuộc về công ích, đòi buộc xã hội và nhà nước phải có nghĩa vụ đáp ứng 

giao duc

Công ích được hiểu thế nào?

Hai tiếng “công ích” nghe có vẻ xa lạ đối với nhiều người, nhưng việc xây dựng, bảo vệ và phát huy công ích là một đòi buộc thiết yếu  trong cuộc sống. Ăn sâu trong văn hoá ứng xử, đòi buộc ấy sẽ tạo nên nét đẹp rất “người”. Chính vì thế, bảo đảm công ích trở thành một trong những thước đo sự phát triển cũng như mức độ đáng sống của quốc gia đó.

Theo giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo: “công ích là tổng hoà những điều thiện hảo cho tất cả mọi người, và cả những điều thiện hảo để một con người được phát triển toàn diện. Công ích trước hết đòi hỏi những tiêu chuẩn về một trật tự pháp lý theo quy định của một nhà nước pháp quyền. Kế đến, cần phải quan tâm duy trì các điều kiện tự nhiên để sinh tồn. Đó là, các quyền của mỗi con người về thực phẩm, chỗ ở, y tế, việc làm, tiếp cận giáo dục…, phải được đảm bảo. Ngoài ra, còn có những quyền thiết yếu khác như tự do tư tưởng, tự do hội họp và tự do tôn giáo”.

Công ích tác động đến mọi người và mọi mặt của đời sống con người. Ngược lại, bất kỳ hoạt động của một cá nhân riêng lẻ nào cũng đều tác động đến công ích của toàn xã hội. Tưởng chừng như đốt một đống rác chẳng quan hệ gì đến ai, nhưng kì thực là đã gây ô nhiễm không khí chung của nhiều người. Hay dạy một đứa con không ngoan ngoãn, tưởng như chỉ có gia đình là vô phúc, nhưng không, đứa con đó sẽ mang những tính khí của nó bước ra xã hội, và tất sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến người khác.

Dưới góc nhìn đó, giáo dục mang tầm vóc trọng yếu về mặt công ích xã hội. Nó có thể thúc đẩy xã hội phát triển, nhưng cũng có thể kìm hãm một dân tộc, làm trì trệ một đất nước.

Giáo dục cần hướng đến phục vụ công ích

Thiết nghĩ, một nền giáo dục hướng đến công ích sẽ có rất nhiều điểm để luận bàn, nhưng chắc chắn đó phải là một nền giáo dục làm thăng tiến con người và phát triển xã hội cách đích thực.

Học đường nếu không thể là nơi đào luyện lương tâm ngay lành, thì cũng phải là nơi để trau dồi tinh thần, phát huy nhận thức về các giá trị sống, chứ không thể đơn thuần là môi trường thuận tiện để áp đặt ý thức hệ; Giáo dục là giúp con người khám phá, thụ hưởng và làm giàu thêm gia sản văn hoá nhân loại theo tinh thần tư duy độc lập có phản biện, không phải là sự nhồi nhét kiến thức cách máy móc, rập khuôn, dẫn đến thui chột khả năng sáng tạo; Một nền giáo dục vì công ích, vì quốc gia dân tộc sẽ hướng giới trẻ đến việc gìn giữ bản sắc văn hoá, bồi dưỡng khí phách dân tộc, nuôi nấng tình yêu quê hương đất nước. Không thể là kiểu giáo dục tung hoả mù, quay cuồng với khối kiến thức đồ sộ, để rồi tâm tư sức lực rã rời, chẳng còn muốn nghĩ đến điều gì khác ngoài việc tìm cách hưởng thụ và chạy theo bạc tiền.

Ở bậc đại học, việc đào tạo cần dự tính đến nhu cầu thực tiễn của xã hội đối với từng ngành nghề. Tránh đào tạo ồ ạt theo thị hiếu, theo xu thế, mà xem nhẹ việc nên có những chính sách thích hợp để có sự cân bằng ở đầu ra, đồng thời  để phát triển những lĩnh vực phục vụ công ích như nghiên cứu về môi trường, văn hoá… Cũng cần quan tâm đến ước muốn, sở trường và năng lực của mỗi cá nhân đối với từng ngành nghề chọn lựa để học, từ đó có chính sách tuyển sinh phù hợp, để sinh viên được học ngành mình yêu thích chứ không bị rơi vào tình trạng “trôi dạt”, đậu đâu học đó. Hiện nay, các trường đại học mở ra ồ ạt, đào tạo ồ ạt, nhưng sinh viên vẫn cứ long đong, “học đại” cái đại học nào đó đã may mắn trúng tuyển, để rồi ra trường thất nghiệp. Xã hội tồn tại một nghịch lý: thừa lao động có trình độ đại học nhưng vẫn thiếu một đội ngũ lao động có thực lực thật sự!

Một vài đề nghị

  1. Để có một nền giáo dục thật sự hướng về công ích, nâng cao tầm vóc con người, thì trên tất cả, bản thân ngành giáo dục và đội ngũ làm giáo dục phải là những con người ưu tuyển về tài trí lẫn tâm đức. Không thể tuyển sinh cho ngành sư phạm theo kiểu “vét sàn” một cách thiếu lương tâm và trách nhiệm như tình trạng tuyển sinh năm nay. Cần phải có những chính sách thích đáng để trả ngành giáo dục về đúng sứ mệnh “trồng người” của nó.
  1. Thiết nghĩ, cũng cần tạo một “sân chơi” đa dạng trong thị trường giáo dục, trong đó các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi để mở trường học ở tất cả các cấp. Bởi điều đó vừa phù hợp với quyền chính đáng của con người là được chọn một môi trường giáo dục phù hợp với tín ngưỡng, vừa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển trong lĩnh vực giáo dục.
  1. Phát triển giáo dục không thể thiếu vai trò của xã hội dân sự. Tuyên ngôn giáo dục Ki tô giáo đã nêu rõ: “Một trong những bổn phận của xã hội dân sự là đẩy mạnh công cuộc giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, như bảo vệ quyền lợi cha mẹ và những người góp phần vào việc giáo dục và phải giúp đỡ họ trong công tác đó. Theo nguyên tắc đồng trách nhiệm, khi cha mẹ và các đoàn thể khác thiếu sáng kiến, xã hội dân sự phải kiện toàn công việc giáo dục, nhưng cũng phải để ý đến nguyện vọng của cha mẹ...”

Thay lời kết

Đã đến lúc phải đặt giáo dục về đúng tầm mức của nó trong phạm trù công ích. Mà đã là công ích, thì mọi người đều phải có trách nhiệm đóng góp cách này cách khác trong việc xây dựng, quản lý và phát triển. Điều đó đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh nên thay đổi thói quen chỉ biết thực hiện nghĩa vụ đóng tiền và “im lặng trong mọi tình huống!”

Thuận Kiệt 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube