Ơn cứu độ trong cảm thức thừa sai của Thánh Anphongsô (kỳ II)

Thao thức lớn nhất của thánh Anphongsô là ơn cứu độ cho anh chị em của mình. Làm sao để mọi người nhận biết, yêu mến Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ tràn đầy mà Thiên Chúa là Cha đã ban cho nhân loại này nơi chính Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, qua biến cố thương khó, chết và phục sinh.

  1. Phong Trào Ánh Sáng

Thế kỷ thánh Anphongsô sống được gọi là “Thời Đại Ánh Sáng.” Đây là một cụm từ mà các tác giả thế kỷ 18 dùng để nói rằng họ đi từ những thế kỷ của bóng đêm và mê muội để bước vào thời đại mới được chiếu sáng bởi lý trí và khoa học. Đây là thời kỳ của lý trí và khoa học lên ngôi. Đây là giai đoạn bị ảnh hưởng bởi những nhà tư tưởng như René Descarte, Baruch Spinoza, Thomas Hobbes, John Locke, Pierre Bayle… Đây là thời đại ghi dấu ấn bởi khám phá trọng lực trái đất của Issac Newton. Con người giờ đây có thể mở được luật của vũ trụ, luật riêng của Thiên Chúa. Những nhà tư tưởng này không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng họ theo khuynh hướng Tự Nhiên Thần Thuyết (Deism): Thiên Chúa tạo dựng thế giới này có luật của nó. Sau khi tạo dựng, Ngài không xen vào nữa. Mọi sự có luật của nó và vận hành theo luật ấy. Lý trí được xem là có khả năng thiết lập những gì là đúng mà không cần mạc khải. Tại sao con người phải cần mạc khải khi lý trí có thể nói cho con người biết tất cả những gì con người muốn biết về Thiên Chúa, thế giới và chính mình. Đây là thời đại sống theo khẩu hiệu của Immanuel Kant: “Dám Biết” (Dare to know).[1]

Niềm tin Kitô giáo trong giai đoạn này bị nhiều chất vấn. Đối với chủ nghĩa Ánh Sáng, sự phục sinh của Đức Kitô không phải là một sự kiện lịch sử. Trình thuật phục sinh trong truyền thống không có những tương đồng với kinh nghiệm ngày nay. Học thuyết truyền thống về hai bản tính của Đức Kitô là vô lý và không cần thiết. Đức Kitô có thể được xem là “một thầy dạy theo nghĩa thông thường” có ảnh hưởng trên nhân loại. Học thuyết nguyên tội bị chối bỏ vì không có nền tảng lịch sử và hợp lý. Sự mê muội của con người chính là thiếu hiểu biết về Thiên Chúa. Công việc của Đức Kitô là giáo dục con người theo những nguyên tắc tôn giáo của lý trí, để khai mở cho con người biết về Thiên Chúa. Đức Kitô được xem chỉ như một ngôn sứ. Học thuyết Ba Ngôi là không hợp lý và không cần thiết.[2]

Thánh Anphongsô sống trong một giai đoạn có thể gọi là “khủng hoảng”, bởi dường như những gì là truyền thống đức tin đều bị bác bỏ, cũng có thể gọi là “làn gió mới” bởi con người không ngừng tiếp xúc với những tư tưởng và những khám phá mới của lý trí và khoa học. Vẫn có những nhà tư tưởng ủng hộ cứu độ học của Anselm, như John Locke (1632 – 1704). Locke nhấn mạnh đến Kitô Học Thượng Tế – Đức Kitô là Linh Mục Thượng Phẩm theo phẩm trật Melchizedek, Đấng hy sinh chính mình làm trung gian chuyển cầu giữa Thiên Chúa và con người. Từ quan điểm này, Locke dễ dàng chấp nhận học thuyết đền bù: sự vâng phục trọn hảo và cái chết tự nguyện của Đức Kitô đền bù cách công bằng cho Thiên Chúa. Locke dựa vào thư Roma 5, 12-14[3] để khẳng định học thuyết đền bù.[4]

Cũng có những tư tưởng hay trường phái chống lại thuyết đền bù của Anselm, như những người theo Socinianism. Những người theo thuyết này chối bỏ sự cần thiết của đền tội. Họ chỉ trích Anselm với khái niệm “cơn giận của Thiên Chúa” và “sự đền trả thỏa đáng”, vì nó ngược lại tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên họ lại chối bỏ học thuyết nguyên tội, thần tính của Đức Kitô và niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Họ bị kết án là lạc giáo.[5] Anphongsô phải làm sao để dung hòa giữa đức tin truyền thống và những trào lưu tư tưởng mới của thời đại?

  1. Dòng Họ Liguori

Bên cạnh những trào lưu tư tưởng cũ mới xáo trộn, Anphongsô sống trong một xã hội phân chia giai cấp và thụ hưởng nền đào tạo gia đình vừa rất đạo đức của người mẹ và đầy tham vọng của người cha.

Vương quốc Naples lúc bấy giờ chỉ có hai giai cấp: quý tộc và những người không phải quý tộc. Giới quý tộc có những tước vị như hoàng tử, bá tước, hầu tước… Họ tự hào về các tước danh và luôn sắp xếp với nhau những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối. Gia đình của Anphongsô được xếp vào hàng quý tộc nhưng không do bởi có nhiều đất, nhưng nhờ việc phục vụ hoàng gia. Dòng họ Liguori đã ảnh hưởng ở Naples trên năm trăm năm, với nhiều vị trí khác nhau trong tòa án, chính phủ của Naples và phục vụ hoàng gia. Huy hiệu dòng tộc là Sic Itur ad Satra, với hình con sư tử.[6]

Vào 1731, Don Giuseppe, cha của Anphongsô, trở thành thuyền trưởng một thuyền buồm lớn của quân đội hoàng gia. Gia đình sung túc, có nhiều nô lệ Hồi giáo. Anphongsô cũng có một nô lệ tên là Abdala luôn đi theo hầu. Ảnh hưởng bởi tấm gương của chủ, Abdala đã xin rửa tội. Ít lâu sau cậu ta mắc bệnh qua đời dưới sự chăm sóc của Dòng Gioan Thiên Chúa. Đây có thể nói là hoa trái truyền giáo đầu tiên của Anphongsô. Trong gia đình, mỗi lần Don Giuseppe khắc khe trừng phạt đầy tớ thì Anphongsô là người luôn luôn bênh đỡ, thậm chí cãi lại cha để bảo vệ họ.

Don Giuseppe rất nhạy cảm về danh tiếng của gia đình. Ông nỗ lực đào tạo Anphongsô đúng chuẩn một nhà quý tộc. Ngoài việc học luật để kế thừa truyền thống của dòng họ, Anphongsô còn được chăm chút về hội họa, âm nhạc, khiêu vũ, với những thầy nổi tiếng lúc bấy giờ. Don Giuseppe đã bỏ nhiều tâm huyết cho các cuộc hôn nhân của Anphongsô từ khi cậu 13 tuổi. Anphongsô và cha của mình luôn tranh cãi vì việc này. Anphongsô thật sự bị giằng co rất lớn giữa vâng lời cha duy trì dòng tộc với tước vị và địa vị, và khao khát ơn gọi làm linh mục của mình.

Thêm vào đó, Don Giuseppe, từ khi Anphongsô còn nhỏ, đã cho con mình thấy thế nào là công bằng trong một xã hội giai cấp của Naples lúc bấy giờ. Điều này thể hiện cách cụ thể chính trên chiếc thuyền của ông: giai cấp quý tộc, và giai cấp không quý tộc bao gồm cả những nô lệ dưới đáy thuyền. Vào năm 1764, sau khi cha của Anphongsô qua đời, Tobias Smollet, một nhà văn Anh, trong tác phẩm Travels through France to Italy, đã mô tả cuộc sống của những nô lệ trên một thuyền buồm: Khoảng 200 con người khốn khổ bị cột ở đáy thành của con thuyền. Họ ngồi ở đó và chèo thuyền khi ra khơi. Trên cùng là cabin của thuyền trưởng, dưới là các viên chức, thủy thủ, sau cùng là hầm tối cho nô lệ, “nơi đó họ không có ánh sáng, không khí và cũng không có bất cứ sự tĩnh lặng nào; phần thì bị ngộp thở bởi sức nóng, phần thì bị hành hạ bởi chí, rận, bọ chét, phần thì bị khấy động bởi tiếng ồn không bao giờ dứt ở trên đầu.”… Những nô lệ này dường như mất cảm giác về nỗi khốn khổ của họ… Họ vẫn cười, hát, say sỉn khi họ có thể.”[7] Đó là hình ảnh một xã hội công bằng mà Don Giuseppe cho con trai mình. Ông muốn con mình ở trên mọi người, phải bằng mọi giá thuộc về giới thượng lưu.

Anphongsô lại có một thao thức khác. Với tài năng và nền giáo dục được thụ hưởng, ngài muốn tái lập công lý sự thật cho xã hội Naples lúc bấy giờ. Nhưng vụ kiện 1723 đã lột trần bộ mặt thật của thế gian, và Anphongsô nhận ra rằng với sức con người dường như không thể nào thay đổi được thế gian này. Tuy nhiên, thế gian này cần được cứu; những con người nghèo khổ thấp cổ bé họng cần được cứu. Có Thiên Chúa chăng đứng về phía những người nghèo bị pháp luật xử ép, bị gạt bên lề xã hội, hay đang chờ chết ở bệnh viện bất khả trị? Anphongsô đi tìm một đáp án mà sau này ngài gọi tên là: “Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người.”

(còn tiếp)

Lm. Phaolo Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R

Chú thích

[1] Alister E. McGrath, ed., Modern Christian Thought (Cambridge: Blackwell, 1996), 114.

[2] Ibid., 115.

[3] Rm 5, 12-14: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Ðấng sẽ tới.” (Theo bản dịch của Nhóm CGKPV).

[4] Victor Nuovo, Christianity, Antiquity, and Enlightenment (New York: Springer, 2011), 84-85.

John Locke viết, “Tội làm cho Ađam phải chết. Cũng thế, tội là nguyên nhân cái chết của Đức Kitô không phải vì Ngài nhưng vì tội của những ai mà Ngài đã hy sinh mạng sống mình. Nhờ thế, công bằng của Thiên Chúa được đền bù thỏa đáng, vì luật thì mang lại công chính và sự sống. Đức Kitô không phạm tội và như thế Ngài không chết và có quyền được sống. Nhưng Ngài đã hy sinh tính mạng mình khi Ngài là Con Thiên Chúa hoàn toàn tự do khỏi tội. Đó chính là một sự đền trả cho Thiên Chúa thay cho những ai là con cháu của Ađam ở dưới sự chết. Sự công bằng của luật Thiên Chúa đã được đền bù thỏa đáng nhờ đó Thiên Chúa có thể ban ơn công chính cho những ai tin vào Ngài.” John Locke c.27, fol.101; transcribed in Reasonableness, Appendix, I, 199. Trích từ Victor Nuovo, Christianity, 85.

[5] Emil Brunner, The Christian Doctrine of Creation and Redemption (Cambridge: James Clarke, 2002), 311.

[6] Frederick M. Jones, Alphonsus de Liguori (Ireland: Gill & Macmillan, 1994), 9-10.

[7] Ibid., 10.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube