“Chúng ta hết thảy đều là tội nhân, nhưng chúng ta thường bị rơi vào sự cám dỗ của thói đạo đức giả, tin rằng bản thân mình tốt hơn so với những người khác và chúng ta thường nói người khác là: ” Đồ tội lỗi…”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một hình ảnh tương tự để giải thích về Lòng Thương Xót, Ngài nói: các bác sĩ không thể sợ “bị lây nhiễm” từ bệnh nhân được.
Đừng giả hình và lên án người khác như thể chúng ta chưa bao giờ phạm tội.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh điều này trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng hôm qua, thứ Tư, tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài suy niệm về bài Tin Mừng theo Thánh Luca nói về Simon, một người Pharisêu, và một phụ nữ tội lỗi vô danh đã được Chúa Giêsu tha thứ.
Đức Thánh Cha kể lại câu chuyện, rằng: Simon muốn mời Chúa Giêsu đến nhà ông vì ông ta đã nghe nói những điều tốt đẹp về Chúa Giêsu như một nhà tiên tri vĩ đại, và trong khi đang ngồi ăn trưa, một người phụ nữ tội lỗi, mà cả thành phố ai cũng đều biết, bước vào. Chẳng nói lời nào, cô quỳ trước chân Chúa Giêsu và òa khóc, nước mắt cô ướt đẫm chân Chúa Giêsu. Sau đó, cô đã dùng mái tóc của mình mà lau khô, rồi hôn chân Chúa, và lấy dầu thơm mà cô đã mang theo mà xức chân Chúa. Cảm nhận được đức tin chân thành và sự ăn năn hối cải của cô, Chúa Giêsu đã tha mọi tỗi lỗi của cô và chúc cô đi bình an.
Đức Thánh Cha giải thích: Simon, một “tôi tớ nhiệt thành của lề luật”, đã đánh giá người khác theo vẻ bề ngoài của họ, trong khi người phụ nữ kia đã bày tỏ tấm lòng chân thành qua những cử chỉ ăn năn của cô.
Những người Biệt Phái đã không chấp nhận việc Chúa Giêsu để cho chính mình trở nên “ô uế” vì tiếp xúc với người phụ nữ kia, Đức Thánh Cha giải thích thêm.
Mặc dù Simon đã mời Chúa Giêsu đến nhà mình, thế nhưng ông lại không muốn chia sẻ những giá trị Chúa Giêsu rao giảng, cũng chẳng để cho cuộc sống của mình gắn bó với Ngài, trong khi người phụ nữ kia, trái lại, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài với tình yêu và sự tôn kính, Đức Thánh Cha diễn giải.
Không sợ “trở nên ô uế”
Lời của Thiên Chúa – Đức Thánh Cha nhấn mạnh – đòi chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa 2 khái niệm tội lỗi và tội nhân: “Với tội lỗi, chúng ta không thỏa hiệp, còn đối với tội nhân – có thể nói, tất cả chúng ta đều là tội nhân! Chúng ta cũng giống như các bệnh nhân, những người cần được chữa lành, và để chữa lành, các bác sĩ phải tiếp cận họ, phải chạm vào họ. Và đương nhiên, bệnh nhân, để được chữa lành, phải nhận ra họ cần bác sĩ”.
Sự chân thành đem đến tự do
Không sợ bị “ô uế”, Chúa Giêsu đã tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi – Đức Thánh Cha nhắc lại – cách Chúa Giêsu thực hiện là không hề miễn cưỡng, vì Ngài kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, là Cha của Lòng Thương Xót.
“Và sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa là Cha giàu Lòng thương xót, đã mang lại tự do cho Chúa Giêsu. Thật vậy, khi bước vào mối liên hệ với những người tội lỗi, Chúa Giêsu đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng bị cô lập, trong đó có bản án tàn nhẫn của người Pharisêu và đồng bào của ông ta – là những người đã lợi dụng và lên án chị phụ nưa kia”.
Hãy nhìn vào nội tâm
“Chúng ta hết thảy đều là tội nhân, nhưng chúng ta thường bị rơi vào sự cám dỗ của thói đạo đức giả, tin rằng bản thân mình tốt hơn so với những người khác và chúng ta thường nói người khác là: ” Đồ tội lỗi…”
“Thay vào đó – Đức Thánh Cha tiếp tục – tất cả chúng ta nên nhìn vào tội lỗi của chính mình, vào những lần vấp ngã, những lỗi phạm của chúng ta và hãy nhìn lên Chúa. Đây là ranh giới của ơn cứu độ: mối quan hệ giữa “tôi” là một tội nhân, đối diện với Chúa”.
Việc ăn năn hối cải của một tội nhân trước mắt mọi người, Đức Thánh Cha nói, cho thấy Thiên Chúa đã biểu dương sức mạnh của Lòng thương xót của Thiên Chúa, có khả năng hoán cải và biến đổi mọi tâm hồn.
Người phụ nữ tội lỗi đã cho chúng ta bài học về sự liên kết giữa đức tin, tình yêu và lòng biết ơn, Đức Thánh Cha nói. Những kẻ càng được tha tội nhiều thì càng gia tăng lòng mến, trái lại, những kẻ được tha ít thì lại yêu mến ít hơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta món quà đức tin và mời gọi chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì tình yêu vô bờ bến mà Ngài đã dành cho chúng ta.
Minh Tuệ (Nguồn: zenit.org)