Dòng Chúa Cứu Thế và các công việc mục vụ xã hội (2)

Phần 1:

Với tài liệu này, Ủy ban mục vụ Xã hội , Công Lý, Hòa bình và sự Toàn vẹn Hệ sinh thái (SMJPIC) không có ý định phát triển một tài liệu về giáo lý hoặc pháp lý, nhưng đúng hơn là một tài liệu trợ giúp để giúp các tu sĩ của Dòng có chung điểm khởi hành và đích đến, liên quan đến mục vụ xã hội. Nó vừa là một tài liệu nghiên vừa là tài liệu dùng để suy tư trong các cộng đoàn; đây chính là mục đích của các câu hỏi ở cuối của mỗi phần trong chương đầu tiên này. Tài liệu này cũng là một nguồn tài nguyên tìm cách kích thích sự suy tư, tạo ra các cuộc đối thoại với hiện thực cuộc sống và thiết lập cầu nối giữa các giá trị cơ bản của linh đạo Dòng Chúa Cứu Thế và của mục vụ xã hội. Tài liệu này vẫn trong quá trình hoàn thiện, vì vậy nếu có bất kỳ câu văn nào tạo ra sự khó hiểu, chúng tôi xin anh em có thể diễn đạt lại hoặc nếu thấy thiếu điều gì quan trọng, chúng tôi xin anh em bổ xung để xây dựng tài liệu hoàn thiện hơn.

Không dừng lại ở việc cung cấp câu trả lời, tài liệu này muốn khơi gợi câu hỏi và tạo ra một lối suy tư và đối thoại với các hiện thực cuộc sống. Giáo dân thừa sai và các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tham gia vào mục vụ xã hội được mời gọi tham gia vào cuộc hành trình này. Cùng với nhau, chúng ta có thể tạo ra trong tương lai một tài liệu có cấu trúc được cải thiện, có thể định hướng tốt hơn cho các công tác tông đồ trong Hội Dòng và giúp chúng tôi công bố đức tin và trình bày nguyên nhân niềm hy vọng của chúng ta trong thế giới đầy thương tổn.

Mục vụ Xã hội – Công lý, Hòa bình và Tính toàn vẹn của Hệ sinh Thái (SM-JPIC) dưới cái nhìn của Dòng Chúa Cứu Thế

Với tư cách là người thừa kế và tiếp tục phát huy những trực giác đầy đặc sủng và di sản thần học và mục vụ của Thánh Anphongsô, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế luôn trung thành với sứ mạng trong khi thích ứng với sự những thực tại xung quanh luôn thay đổi và đầy biến động, dưới sự hướng dẫn của ChúaThánh Thần. Thái độ này đòi hỏi một sự chăm chú đọc ra những dấu chỉ của thời đại, đọc Kinh thánh và đọc truyền thống của hội Dòng, để đối phó với những thách thức cấp bách của thế giới ngày hôm nay. Những thách thức xã hội, đồng thời, những thách thức toàn cầu hóa, đòi hỏi một sự kết nối và liên đới lớn hơn giữa các đơn vị của Dòng Chúa Cứu Thế. Cần thiết phải làm rõ ràng hơn các điểm tương đồng của sứ mạng Dòng với các giá trị của mục vụ xã hội và cho thấy sự liên quan của đặc sủng Dòng vẫn rất có giá trị trong thế giới ngày nay.

Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế biết rõ rằng không có việc loan báo Tin Mừng đích thực nếu không có chiều kích xã hội và động thái hướng tới sự tiếp biến văn hóa. Thật vậy, đây là “lý do tồn tại của Dòng trong lòng Giáo hội và là dấu chỉ của sự trung thành với ơn gọi mà Dòng đã nhận được “(Hiến pháp 5). Vì lý do này, trong suốt lịch sử của Dòng Chúa Cứu Thế, đặc sủng đã được thể hiện theo nhiều cách khác nhau, phản ánh cam kết của chúng ta với việc xây dựng Nước Trời và khước từ các cấu trúc tạo ra sự bất công. Đức tin Kitô giáo luôn có tác động đến công việc phục vụ những người nghèo nhất. Với trực giác của Thánh Anphongsô, đức tin Ki-tô giáo này đã đạt đến một sắc thái đặc biệt trong cách nhìn và liên đới với những người bị bỏ rơi nhất, từ đó cung cấp cho Giáo hội một nỗ lực và cách thức – mặc dù không phải là duy nhất, nhưng cụ thể -hướng tới việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong suốt lịch sử của Dòng, các phương pháp và cấu trúc mục vụ cụ thể đã cho phép Dòng Chúa Cứu Thế để nhập thể đặc sủng của Dòng, chẳng hạn như việc rao giảng trong các tuần đại phúc, mục vụ xã hội tại các Đền thờ và Nhà thờ mà Dòng coi sóc, và suy tư thần học luân lý, hoặc giảng tĩnh tâm. Chúng ta cũng có thể thấy rằng nhiều thành viên của Dòng đã nhập thể đặc sủng trong môi trường xã hội và lịch sử cụ thể. Sarnelli với các cô gái mại dâm, St. Clement với cácsinh viên và trí thức của Vienna và trẻ mồ côi của Warszawa; St. John Newman giữa những người nhập cư, thúc đẩy giáo dục cho người nghèo và trẻ mồ côi; Peter Donders giữa những người phong cùi và nô lệ tại Suriname, v.v. Tương tự, trong hoàn cảnh thay đổi của xã hội ngày nay , đặc sủng của Dòng tiếp tục gặp những thử thách mới chẳng hạn như nạn phân biệt chủng tộc, thế tục hóa, cuộc khủng hoảng sinh thái, di cư, khủng bố, các chủ nghĩ dân tộc mới, sự bất ổn kinh tế toàn cầu do các đại dịch gần đây gây ra, v.v., các lãnh vực mà chúng ta bị thử thách để tìm kiếm sự ứng đáp hiệu quả và phù hợp . Trong bối cảnh của những cuộc khủng hoảng này, người nghèo luôn phải gánh chịu hậu quả . Những thách thức này đối với chúng ta không chỉ một sứ mạng hạng hai, phụ trợ khi đặt trong tương quan với sứ mạng của Dòng. Ngược lại, chính những thách thức đó sẽ giúp cho chúng ta khả năng sống trọn vẹn đặc sủng của Dòng từ quan điểm của mục vụ xã hội, một điều kiện tiên quyết để đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế còn phù hợp với thế giới đầy thương tổn này.

Cụm từ “mục vụ xã hội”, thường được sử dụng trong ngôn ngữ mục vụ, cho phép chúng ta đề cập đến công việc phục vụ tình liên đới mà chúng ta có thể dâng hiến cho những người nghèo nhất và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và những ai đang tìm kiếm công bằng xã hội. Nó là một thuật ngữ được sử dụng để diễn đạt những cam kết mà nhiều cộng đoàn của chúng ta thực hiện trong các tình huống cụ thể nơi giá trị của con người, hòa bình, công lý, sự thật, hòa giải và chăm sóc cho Sự sáng tạo có liên quan. Trong các bối cảnh khác, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có thể sử dụng các thuật ngữ khác, chẳng hạn như “hoạt động tông đồ xã hội”, hoạt động xã hội” hoặc các thuật ngữ khác tập trung hơn vào một hành động cụ thể, chẳng hạn như “mục vụ nhà tù”, “mục vụ sinh thái”, “mục vụ di dân”, “mục vụ người vô gia cư “,” đối thoại liên tôn “, v.v. Nhìn chung, tất cả những điều vừa liệt kê có thể được bao hàm trong thuật ngữ “mục vụ xã hội”. Đối với điều này tài liệu, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ “Mục vụ Xã hội – Công Lý, Hòa bình và Toàn vẹn của Hệ sinh thái “(SM-JPIC) như là một thuật ngữ phổ quát để chỉ những công việc của Dòng Chúa Cứu Thế liên quan đến hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề xã hội, cũng có thể là được phân loại như sau:

• các vấn đề có tác động toàn cầu: bảo vệ Ngôi nhà chung, nạn Phân biệt chủng tộc, Nhập cư, thúc đẩy quyền con người;
• các vấn đề mà các cộng đoàn, giáo xứ của Dòng Chúa Cứu Thế, thực hiện: Caritas, Mục vụ trẻ em, mục vụ nhà tù, bếp ăn cộng đồng, mục vụ đất đai;
• các vấn đề liên quan đến lĩnh vực học thuật: phân tích xã hội, suy tư thần học, thúc đẩy Giáo huấn Xã hội Công giáo.
• Các mục vụ riêng biệt của nhiều anh em tu sĩ: tuyên úy nhà tù, trung tâm phục hồi chức năng cho người nghiện ma tuý, trợ giúp pháp lý cho người nhập cư;
• Ứng đáp từ các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các tổ chức xã hội: Các tổ chức phi chính phủ của Dòng Chúa Cứu Thế như Hiệp hội vì Đoàn kết, SERVE – Ireland, Văn phòng Đoàn kết cho Châu Phi và Madagascar;
• Đáp ứng nhu cầu địa phương, những bất công cục bộ hoặc thực tế tàn phá nhân tính con người: mại dâm trẻ em, thúc đẩy, và bảo vệ phụ nữ, người tị nạn và người nhập cư, trẻ em bị bỏ rơi, bảo vệ của các nhóm dân tộc hoặc thiểu số, tham gia vào các tiến trình xây dựng hòa bình;
• Thiết lập các chương trình và cách tiếp cận : chương trình xóa mù chữ, hội thảo phân tích xã hội, tổ chức các phong trào hoặc chiến dịch, đào tạo những tình nguyện viên, thiết lập các cộng đoàn cơ bản của giáo hội , thúc đẩy nhân quyền và quyền của người thiểu số, v.v.

Bức tranh toàn cảnh này cho chúng ta thấy rằng mục vụ xã hội rất rộng lớn và được hiểu rõ nhất theo ngữ cảnh cụ thể. Mỗi các lĩnh vực được đề cập ở trên, mà nhiều thành viên của chúng ta cam kết thực hiện, là một phần bức tranh rộng lớn mà từ đó chúng ta có thể hiểu được và sống đặc sủng của chúng ta ở đây và ngay bây giờ, như nhiềucộng đoàn và các thành viên của Hội Dòng đã thực hiện trong quá khứ. Không một công tác mục vụ nào có thể diễn tả trọn vẹn đặc sủng của chúng ta hoặc được ưu tiên hơn dẫn đến việc loại trừ các công tác khác, bởi lẽ tất cả các công việc ấy đều tìm kiếm sự giải phóng toàn diện con người và thế giới tự nhiên. Nhiệm vụ của mục vụ xã hội là ứng đáp, với tinh thần Dòng Chúa Cứu Thế đích thực, trước những thách thức xã hội ngày nay. Vì “sứ mệnh được giao phó cho Hội Dòng để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó bao gồm việc giải phóng và cứu rỗi con người toàn diện. Các thành viên của Hội Dòng phải công bố Tin Mừng một cách rõ ràng, liên đới với người nghèo, và thúc đẩy quyền công bằng và tự docăn bản của họ … “(Hiến pháp số 5)

Bằng cách này, mục vụ xã hội trở thành một sức mạnh linh đạo tích hợp tất cả các công việc của chúng ta như truyền giáo, rao giảng, giảng dạy, cử hành bí tích, v.v. Vì lý do này, cần thiết phải kết hợp cam kết xã hội trong tất cả hoạt động tông đồ. Chúng tôi có thể khẳng định rằng cam kết xã hội là một chiều kích của tâm linh và sứ mệnh của chúng ta ngày nay và phải là một biểu hiện thiết thực về đặc sủng của chúng ta trong một thế giới bị tổn thương. Do đó, sự hiểu biết của chúng ta về khái niệm công lý ngày càng phong phú hơn, cho đến khi chúng ta đạt được sự hiểu biết trọn vẹn về Ơn cứu chuộc đã được thể hiện thông qua mẫu gương hoàn hảo của nhân loại: Đức Ki-tô Cứu Thế.

Suy tư: các giá trị của công lý, hòa bình, và tính toàn vẹn của Hệ sinh thái có vai trò gì trong đặc sủng và sứ mệnh của Dòng Chúa Cứu Thế?

• Những tiêu chí và nguyên tắc nào truyền sức mạnh cho mục vụ xã hội trong đơn vị của tôi và toàn bộ Hội Dòng?
• Học thuyết xã hội Công giáo chiếm vai trò trong các chương trình đào tạo trong tỉnh Dòng của tôi?

Duc Trung Vu, CSsR chuyển dịch

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube