Tòa Thánh tìm “các tín hiệu tích cực" từ Bắc Kinh

Trong một tuyên bố về Trung Quốc được công bố ngày 20/12, Vatican tìm cách trấn an các tín hữu Công giáo Trung Quốc rằng Tòa Thánh thấu hiểu mối quan tâm của họ về những sự kiện gần đây trong cuộc sống của Giáo hội tại Trung Quốc.

giao-hoi-trung-quocTòa Thánh tuyên bố vẫn theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra cho Giáo hội tại Trung Quốc và yêu cầu “các tín hiệu tích cực” từ Bắc Kinh để giúp người Công giáo Trung Quốc “có niềm tin” vào cuộc đối thoại Trung Quốc – Vatican.

Trong những tuần gần đây, người Công giáo ở Trung Quốc đã rất bối rối vì sự im lặng của Tòa Thánh sau khi một giám mục bất hợp pháp (có nghĩa là được tấn phong giám mục không cần sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng) và bị vạ tuyệt thông, tức là giám mục Phaolo Lei Shiyin, tham dự và đồng tế Thánh lễ tại 2 trong 3 lễ tấn phong giám mục gần đây tại Trung Quốc: ông đã có mặt tại Thành Đô vào ngày 30/11 và Tây Xương vào ngày 2/12, bất chấp Giáo Luật. Các tín hữu Công giáo hiểu rằng Bắc Kinh muốn Tòa Thánh công nhận ông ta và bảy giám mục được tấn phong bất hợp pháp khác như là một phần của một hiệp định mang tính bước ngoặt giữa hai bên. Nhưng thực ra, những hành động như của Phaolo Lei Shiyin sẽ cản trở khả năng đó.

Các nguồn tin ở Trung Quốc cáo buộc rằng giám mục Shiyin hành động theo chỉ thị từ Bắc Kinh. Một số người Công giáo ở Trung Quốc đã càng thêm lo ngại, cho rằng Giáo hội chọn thái độ im lặng trước hành động khiêu khích như vậy là vì muốn đạt được một hiệp ước với Bắc Kinh. Dù lý do khiến Shiyin tham gia các lễ tấn phong vừa rồi là gì đi nữa, thì bản tuyên bố mới đây của Vatican vẫn cho thấy rõ ràng rằng Roma vẫn chưa quyết định về việc hợp pháp hóa tình trạng của ông ta như các nhà chức trách Trung Quốc mong muốn; bản tuyên bố nói điều này vẫn còn đang “được nghiên cứu.”

Tòa Thánh đã tìm cách giải quyết những mối quan tâm ngày càng gia tăng và trả lời các câu hỏi của các phương tiện truyền thông quốc tế bằng một tuyên bố từ Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Tuyên bố nói rằng “sự hiện diện … của một giám mục mà tình trạng của ông ta về mặt Giáo Luật vẫn còn đang được Tông Tòa nghiên cứu sau khi ông được tấn phong bất hợp pháp, đã tạo ra sự khó xử cho những người tham dự lễ tấn phong và sự nhiễu loạn cho các tín hữu Công giáo Trung Quốc”. Tuyên bố còn ghi thêm, một cách rất ý nghĩa, rằng “Tòa Thánh thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau của họ”.

Các tín hữu Công giáo Trung Quốc cũng lo ngại trước quyết định của chính quyền Bắc Kinh triệu tập Đại hội đại biểu Công giáo Trung Quốc lần thứ IX, là cơ quan kiểm soát đời sống Giáo hội tại Trung Quốc. Đại hội cuối cùng đã diễn ra vào tháng 12/2010 sau những gì trông giống như một triển vọng trong quan hệ Trung Quốc – Vatican với việc tấn phong các giám mục được cả hai bên đồng ý.

Đại hội IX dự kiến ​​sẽ diễn ra từ 26 – 29/12/2016, khi cuộc đối thoại giữa hai bên đang ở giai đoạn tiến triển tốt. Một số người giải thích thông báo triệu tập đại hội, cùng với những hành động của giám mục Shiyin, là dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc muốn chứng minh rõ ràng rằng chính họ mới kiểm soát cuộc sống của Giáo hội, chứ không phải Roma.

Mục đích của Đại hội được tuyên bố là để thực hiện quyền tự chủ, tự quản lý và quản trị dân chủ của Giáo hội tại Trung Quốc. Sau Đại hội năm 2010, Vatican đã ban hành một tuyên bố khẳng định rằng cách này điều hành “là trái với giáo lý Công giáo”. Vào năm 2010, các quan chức của nhà nước và Đảng Cộng sản đã kiểm soát toàn bộ tiến trình Đại hội. Các Giám Mục đã bị bắt buộc phải tham gia vào Đại hội VIII theo những cách thức chống lại quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm. Hiện có mối quan tâm lớn trong số người Công giáo Trung Quốc là Đại hội IX sắp tới cũng sẽ được làm theo cách ấy.

Năm 2010, Tòa Thánh yêu cầu các giám mục không tham gia Đại hội, trong đó có việc bổ nhiệm lãnh đạo của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc và tương đương với một hội đồng giám mục. Lần này, Tòa Thánh đã không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là Tòa Thánh đồng ý với việc tổ chức Đại hội IX. Thật vậy, nếu Đại hội này được thực hiện giống như Đại hội VIII, nó sẽ tạo ra những trở ngại nghiêm trọng cho cuộc đối thoại đang được thực hiện.

Tuyên bố của Vatican là một hành động mang tính ngoại giao. Tòa Thánh tạm thời ngừng phán xét vào thời điểm này, nhưng thông điệp cơ bản là Tòa Thánh vẫn bỏ ngỏ một khả năng hành động. “Tòa Thánh chờ đợi để phán xét trên cơ sở của sự thật được chứng minh” – bản tuyên bố viết. Tòa Thánh cho biết là Vatican mong đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về tất cả những gì liên quan đến việc đề cử và công nhận các giám mục, nhưng đòi hỏi Bắc Kinh cũng phải bước vào một cuộc đối thoại chân thành và trung thực, để làm cho một thỏa thuận như vậy có thể có được.

Trong đường hướng đó, bản tuyên bố kết luận bằng cách nói với các nhà chức trách ở Bắc Kinh rằng Tòa Thánh “chắc chắn rằng tất cả những người Công giáo ở Trung Quốc đang chờ đợi, với sự e dè, các tín hiệu tích cực [có thể] giúp họ có niềm tin vào cuộc đối thoại giữa các cơ quan dân sự và Tòa Thánh, và có hy vọng về một tương lai hiệp nhất và hòa hợp”.

Vũ Minh (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube