Tại Nigeria, những người chăn gia súc Fulani chính là mối đe dọa khủng bố Hồi giáo mới đối với các Kitô hữu

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 05-01-2017 | 07:13:22

Bạo lực Hồi giáo cực đoan và bọn khủng bố đã sát hại hơn 12.000 Kitô hữu tại Nigeria, phá hủy khoảng 2.000 ngôi thánh đường. Tổ chức Boko Haram đã gây ra phần lớn các vụ giết người, nhưng trong năm vừa qua, một nguồn lực mới của những tay khủng bố Hồi giáo đã ập vào trong nước dưới hình thức của những kẻ khủng bố là những người chăn gia súc người Fulani (FHT).

fulani_herdsman_in_cameroon_credit_philippe_semanaz_via_flickr_cc_by_sa_20_cna

Chỉ trong ba tháng qua, nhóm này – được rút ra từ đội ngũ của những người du mục Fulani – đã càn quét qua phân nửa lãnh thổ của tiểu bang Kaduna thuộc miền bắc Nigeria, một Giám mục địa phương phát biểu với Tổ chức viện trợ từ thiện Công giáo quốc tế đến các Giáo Hội đang cần hỗ trợ.

Đức Cha Joseph Bagobiri – Giám mục Giáo phận Kafanchan đã liệt kê các cuộc tấn công trong Địa phận của ngài kể từ tháng 9/2016: 53 ngôi làng bị thiêu rụi, 808 người bị sát hại và 57 người bị thương, 1.422 ngôi nhà cùng với 16 ngôi thánh đường bị phá hủy”. Mặc dù ít được biết đến tại phương Tây, những kẻ khủng bố là những người chăn gia súc người Fulani đang trở thành một mối đe dọa lớn đối với các Kitô hữu cũng như những người Hồi giáo ôn hòa.

Trong lịch sử, đã có những cuộc xung đột lẻ tẻ giữa những người chăn gia súc Fulani và những nông dân tranh giành đất chăn thả, thế nhưng những người chăn gia súc Fulani – Đức Cha Bagobiri cho biết – hiện nay họ đang sử dụng “những loại vũ khí tinh vi mà họ đã không có trước đó, chẳng hạn như những khẩu AK-47 không rõ xuất xứ”.

Đức Cha Bagobiri cho biết thêm: “Ngoài các vấn đề về xã hội và kinh tế đã thúc đẩy các cuộc xung đột kể từ thời cổ đại, chẳng hạn như việc phân bố đất đai và tình trạng thiếu đồng cỏ chăn nuôi các đàn gia súc, phạm vi của các vấn đề đã thay đổi. Những người Fulani là người Hồi giáo và các vùng đất mà họ đang tấn công chủ yếu thuộc về các nhóm thiểu số đó là các Kitô hữu; hiện nay vấn đề hận thù tôn giáo đã thúc đẩy tình trạng bạo lực gia tăng”.  Việc xâm lấn của người Fulani – Đức Cha Bagobiri cho biết, “đã biến thành việc đàn áp tôn giáo”.

Đức Cha Bagobiri cho biết trong rất nhiều những ngôi làng đã bị tấn công, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu của các Kitô hữu cũng như các ngôi thánh đường đã bị chọn làm mục tiêu để phá hủy. Đức Cha Bagobiri cũng cho biết thêm: “Cũng không thể nói rằng vấn đề bạo lực đó là nhằm chống lại một nhóm dân tộc cụ thể, bởi vì các Kitô hữu thuộc nhiều nhóm dân tộc khác nhau”.

Đức Cha Bagobiri bày tỏ sự khiếp đảm của Ngài rằng “việc bách hại các Kitô hữu tại Nigeria không có được sự chú ý quốc tế đúng mức” như hoàn cảnh của các Kitô hữu tại Trung Đông. Thậm chí ngay cả chính phủ Nigeria – Đức Cha Bagobiri cáo buộc – đã không có sự quan tâm đúng mực: “các cuộc tấn công nhằm vào các Kitô hữu dường như đã gặp phải sự thờ ơ của một bộ phận các nhà lãnh đạo của đất nước – các cảnh sát hoặc là không có vũ khí thích hợp để can thiệp, hoặc là họ đã không được lệnh để có thể có sự can thiệp đúng đắn”.

Đức Cha Bagobiri bày tỏ sự xác quyết rằng mối đe dọa khủng bố mới này phản ánh sự phát triển của các trào lưu chính thống Hồi giáo Nigeria, đặc biệt là việc áp dụng luật Sharia, hiện đã được áp dụng tại 12 trong tổng số 36 bang của Nigeria, trong đó có tiểu bang Kaduna. Luật Sharia – Đức Cha Bagobiri cáo buộc – chính là nguồn gốc của “sự bất bình đẳng và việc phân biệt đối xử. Ví dụ, các Tòa án Hồi giáo thường xuyên phóng thích những tay Hồi giáo phạm tội nghiêm trọng, chẳng hạn như những tay sát nhân nhằm vào các Kitô hữu mà chúng cáo buộc là phạm tội báng bổ”.

Quý vị có thể tìm hiểu thêm về quốc gia Nigeria và các vấn đề tự do tôn giáo trong các báo cáo của ACN về Tự do Tôn giáo trên toàn thế giới, xuất bản tháng 11/2016.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube