ĐHY Trần Nhật Quân: Tôi lo sợ về chính sách “hướng Đông” của Vatican với Trung cộng

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 19-02-2017 | 08:43:53

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Register, vị Tổng Giám mục người Trung Quốc nói đến những mối quan ngại của ngài trước thông tin nói rằng sắp có một thỏa thuận ngầm giữa Rôma và Bắc Kinh.

Picture1

“Chính Người chăm sóc bạn” (Ipsa Cura Est) là một câu khẩu hiệu rất hợp với người đã lựa chọn con đường mạnh mẽ bảo vệ những người bị ngược đãi – dù đó là những thành viên của Pháp luân công hay là các Kitô hữu tại Trung Quốc bị khủng bố.

Mặc dù đang nghỉ hưu, ĐHY Giuse Trần Nhật Quân, 85 tuổi, không sống một đời thầm lặng. Vị nguyên giám mục của Hồng Kông là một nhân vật lớn tiếng chỉ trích chính phủ cộng sản Trung Quốc và đã thu hút sự chú ý của thế giới khi bày tỏ những lo ngại của ngài trước một thỏa thuận sắp được ký kết giữa Vatican và Trung Quốc.

Gần đây, ngài đã trò chuyện với phóng viên Daniel Blackman của Register tại nhà riêng của Ngài ở Viện Nghiên cứu Salêdiêng Hồng Kông.

Được biết ngài đã nói rằng thỏa thuận giữa Vatican với Trung Quốc sẽ là “sự phản bội Đức Kitô”. Tại sao ngài nghĩ như vậy?

Vâng, mọi người nghe nói về tôi như vậy, nhưng đó không hẳn là điều tôi đã nói. Tôi nghĩ rằng đôi khi giới truyền thông muốn làm cho mọi chuyện trở nên giật gân hơn thực tế. Điều tôi muốn nói là nếu Đức Giáo hoàng “ý thức” được về việc ký một thỏa thuận tồi tệ với chính quyền cộng sản, đó là một sự phản bội Đức Giêsu, phản bội những người giáo dân tốt lành và trung thành trong Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc.

Tôi không phản đối việc đối thoại, nhưng tôi lo rằng sau đó sẽ không có những kết cục tốt bởi vì cả hai bên đối thoại phải cùng có thiện chí mà tôi lại không thấy thiện chí của chính quyền cộng sản. Tại sao họ đi đến đối thoại? Đối thoại có nghĩa là cam kết, nhưng những người cộng sản không sẵn sàng cam kết điều gì cả, họ không cần gì cả và họ có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, theo cách họ vẫn làm với các tôn giáo tại Trung Quốc.

Nhiều năm qua họ đã kiềm chế Giáo hội, mục tiêu duy nhất của họ là có nhiều quyền lực hơn, chứ không phải từ bỏ quyền lực. Có lẽ họ muốn có một quyết định của Vatican yêu cầu Giáo hội hầm trú đến với họ để họ có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với toàn thể Giáo hội tại Trung Quốc.

Giáo hội hầm trú sẽ chính là những người bị phản bội. Họ đã phản kháng và cũng phải chịu nhiều áp lực, và tôi lo rằng, tôi thực sự lo rằng các quan chức tại Vatican sẽ bị Trung Quốc lừa đảo. Người Trung Quốc là bậc thầy chơi chữ, nên họ có thể đi đến những thỏa thuận nhìn qua thì có vẻ ổn nhưng không ổn chút nào.

Quan điểm của ngài như thế nào trước một giải pháp được đưa ra về việc lựa chọn các giám mục?

Tôi không biết gì cả, họ không cho tôi biết gì cả. Tôi chỉ được biết qua tin tức. Tôi đã nghe nói đến thông tin nói rằng hội đồng giám mục sẽ đề cử các tân giám mục và đưa danh sách đó cho chính phủ, nhưng đó là sự bịa đặt. Không có hội đồng giám mục nào cả, chỉ có danh nghĩa vậy thôi. Chính phủ điều hành giáo hội thông qua hiệp hội kia – đó không phải là hai cơ chế khác nhau, nó chỉ là một cơ chế dưới sự kiểm soát của chính quyền.

Họ không hề che giấu điều đó. Bạn có thể nhìn thấy những bức hình chụp lại các cuộc họp của hiệp hội đó dưới sự chủ trì của một quan chức chính phủ.

Tại một nơi mà Vatican không thể có một vị Khâm sứ như thường lệ, các giám mục địa phương sẽ giới thiệu các ứng viên giám mục – tôi cũng đồng ý là cho chính phủ có quyền phủ quyết, nhưng như thế thì cho dù một ứng viên bị từ chối thì cũng có thể lựa chọn người khác – ít nhất đó vẫn là sự lựa chọn của các giám mục. Tuy nhiên, trường hợp ở Trung Quốc là một sự lừa đảo, bởi vì hiệp hội đó không phải là hội đồng giám mục, nó chỉ là một con rối trong tay chính phủ

Một đề nghị khác là để cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân lựa chọn các ứng viên. Nhưng cách này có những vấn đề của nó. Ai sẽ được quyền quyết định, họ sẽ quyết định như thế nào, ai sẽ đại diện cho các linh mục và giáo dân tham gia vào vấn đề này? Một số giáo phận có nhiều linh mục nhưng có những nơi có rất ít, có thể nói là chỉ 4 – 5 vị, vậy thì sẽ lựa chọn người đại diện thế nào cho phù hợp? Bạn cũng biết là không có cuộc bầu cử thực sự nào ở Trung Quốc – tất cả đều bị chính phủ thao túng.

Những ứng viên như thế nào có thể bị chính phủ từ chối?

Đó là những người không vâng lời chính phủ, không chấp nhận định hướng của chính phủ và trung thành với Rôma. Chính phủ muốn kiểm soát mọi thứ. Nhưng tình hình lại phức tạp, còn nhiều điều chưa rõ ràng. Một số người được lựa chọn trở thành giám mục một cách bí mật với sự cho phép của Vatican; ứng viên đó có thể không phải là lựa chọn ưu tiên của họ, nhưng sẽ là một ứng viên gắn bó với họ.

Dù sao thì nếu Vatican đã chấp thuận, họ là các giám mục hợp pháp.

Vậy là có những giám mục hợp pháp trong một Giáo hội đang ly giáo?

MỘT-BUỔI-HÀNH-HƯƠNG-CỦA-NGƯỜI-CÔNG-GIÁO-Ở-TRUNG-QUỐCVâng, có một thời gian, sau khi cộng sản lên nắm quyền, họ không thể liên lạc với Vatican: Giáo hội chịu rất nhiều áp lực, cho nên có những người tốt lành được tấn phong linh mục và giám mục mà không có sự cho phép của Rôma, họ được tấn phong một cách bất hợp pháp. Sau đó thì chính quyền cộng sản có chính sách cởi mở hơn thì họ có thể viết thư về Vatican, giải thích tình hình của mình, xin được tha thứ và ban phép chuẩn cho những việc đã xảy ra.

Thường thì họ trở thành các giám mục phụ tá trong một giáo phận, với một vị giám mục hầm trú là giám mục chính tòa, mặc dù phải lẩn trốn.

Cho nên, đứng trên cấp độ quốc gia, hiệp hội kia là “kẻ ly giáo”, nhưng các Giáo hoàng không muốn dùng từ đó vì các ngài biết rằng nhiều người đã phải chịu áp lực mặc dù không thuận lòng trong tình cảnh như thế, cho nên tôi muốn nhấn mạnh đến cấp độ quốc gia mà thôi – còn ở cấp độ giáo phận, đó lại là một câu chuyện khác. Có nhiều loại giáo mục, một số chống đối, cũng có nhiều giáo sĩ khác mạnh mẽ chống đối. Một số trung thành trong lòng, nhưng yếu đuối và tham gia hiệp hội, họ biết rằng họ không thể phá hủy được hệ thống đó, còn Vatican thì rất nương tay với hiệp hội.

Ngài có thể chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp của mình trong việc ứng phó với giáo hội được nhà nước bảo trợ?

Trong vòng bảy năm, từ năm 1989 đến năm 1996, mỗi năm tôi ở Trung Quốc 6 tháng, dạy triết học và thần học tại các chủng việc thuộc hiệp hội. Tôi đăng kí từ năm 1984 và phải đợi 4 năm mới được cho phép. Cho nên, khi ở đó, tôi thấy mọi thứ. Tôi từng gặp một vị phó chủ tịch của cái gọi là hội đồng giám mục, ngài là một người tốt lành, không giống như những con rối bây giờ. Tôi hỏi ngài về cuộc họp sắp tới của các giám mục và ngài cười rằng “Ngài nghĩ là chúng tôi có thể hội họp sao? Họ không bao giờ cho phép chúng tôi nói chuyện, nếu không họ sẽ can thiệp. Chúng tôi bị chính phủ triệu tập và ra các chỉ thị”.

Dù sao, tôi đã được đối xử rất tốt nhưng tôi thấy họ không có sự tôn trọng dành cho các giám mục – thật tồi tệ, các ngài không thể làm gì. Họ trở thành nô lệ – hoàn cảnh đúng là như vậy. Những người không sống gần các chế độ độc tài sẽ không thể hiểu được điều đó. Chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản – đó là những hệ thống kinh khủng. Vâng, người Ý đã có kinh nghiệm về Mussolini nhưng vẫn chưa là gì so với Trung cộng.

Trước lễ Giáng sinh, ngài đã chỉ trích tuyên bố của Vatican về Đại hội Đại biểu Công giáo Trung Quốc lần thứ chín. Đại hội đó có ý nghĩa gì?

Hội nghị toàn quốc đó là bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất về bản chất ly giáo của hiệp hội. Và kể từ khi tôi viết ra lời chỉ trích của mình, tôi vẫn chưa nhận được sự giải thích từ Vatican về tuyên bố đó.

Ngay trước hội nghị lần thứ tám, một ủy ban đã được thiết lập tại Vatican. Một bản tuyên bố đã được dự thảo và công bố, yêu cầu các giám mục không tham dự hội nghị. Tuyên bố đó được Đức Giáo hoàng Benedict XVI chuẩn thuận. Không may, có ba giám mục từ Trung Quốc đến Vatican và thỉnh cầu với Hồng y Ivan Dias, khi đó là Tổng trưởng Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, nói với ngài rằng họ gặp rất nhiều áp lực và xin phép được tham dự.

Lần này, có lẽ cũng xảy ra điều tương tự, có lẽ họ đã xin chính phủ hạn chế việc chủ trì các cuộc họp, trong khi họ đang nói chuyện với Vatican. Bản tuyên bố nói rằng Vatican “chờ đợi những dữ kiện thực tế trước khi đưa ra quyết định”. Nhưng tôi chưa nhận được sự giải thích hay thông tin nào thêm.

Những người cộng sản đã cử xử thô bỉ và đi bước trước, có thêm nhiều vụ tấn phong với sự tham gia của các giám mục đã bị vạ tuyệt thông. Đó là một cái tát vào mặt Vatican.

Ngài có mối liên hệ thế nào với những người Công giáo hầm trú?

Vâng, trước khi người cộng sản nắm quyền, tôi đã ở Hồng Kông rồi, nhưng gia đình tôi cũng đã phải chịu đau khổ dưới tay cộng sản. Các nhà truyền giáo cũng khó đi vào Trung Quốc hơn khi cộng sản nắm quyền. Tôi phải nói rằng, ở Hồng Kông cũng như Vatican, có rất nhiều người không có kinh nghiệm với cộng sản, họ không được biết sự thật. Họ nghĩ là ở Trung Quốc có tự do tôn giáo nhưng sự thật là có nhiều người đang bị tù đày. Họ không được biết tình hình thực tế.

Tôi cũng phải nói rằng tôi không chỉ đứng về phía những người Công giáo hầm trú và chống lại những người ở trong hiệp hội. Tôi chọn lập trường bảo vệ cả hai trong khi họ thường đổ lỗi và chỉ trích lẫn nhau. Vâng, tôi có liên hệ, nhưng không trực tiếp với giáo hội hầm trú – liên hệ như thế có thể gây ra nguy hiểm cho họ.

Năm nay kỉ niệm 10 năm kể từ khi Đức Giáo hoàng Benedict đưa ra “Thư gửi các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc”. Ngài có tham gia vào sự kiện đó không, và lá thư đó còn có giá trị thực tiễn nữa không?

Thực ra bản thảo của lá thư đã được chuẩn bị trước khi Đức Giáo hoàng Benedict nhậm chức. Khi ngài được bầu chọn, ngài nói rằng mình muốn làm điều gì đó để giúp các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc qua việc viết một lá thư và thiết lập một ủy ban, như ngài đã làm. Đầu năm 2007, chúng tôi – gồm tôi và các giám mục đến từ Macao, Hồng Kông, Đài Loan và một số học giả – gặp gỡ nhau hai ngày ở Vatican.

Chúng tôi nghiên cứu bản thảo và đưa ra đề xuất của mình cho Đức Giáo hoàng để ngài tự viết lá thư. Lá thư được đưa ra vào tháng Sáu và nó thật tuyệt vời.

Thực sự, Đức Giáo hoàng hoàng Phanxicô đã công khai nói rằng lá thư vẫn còn hiệu lực, ngài xác nhận tính hiệu lực của nó… bao gồm cả phần nói về các giám mục cư xử theo cung cách của giám mục và không công khai ủng hộ hiệp hội (đó là một tai tiếng đối với giáo hội hầm trú). Tuy nhiên, một số người ở Rôma đã thao túng việc này.

Ai và tại sao?

Theo tôi nghĩ, bản dịch sang tiếng Trung quốc đã bị thao túng. Những người trong Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc đã chịu trách nhiệm biên dịch và đã có một số lỗi. Nhưng tôi thấy dường như ai đó đã cố ý, đó không phải là lỗi thông thường.

Bức thư đặt ra câu hỏi rằng liệu Giáo hội Công giáo hầm trú có thể hoạt động công khai hay không, và dĩ nhiên, họ có thể, đó là quyền của họ. Nhưng trong nhiều trường hợp, “gần như là luôn luôn”, chính quyền sẽ yêu cầu những điều ngược với lương tâm, như là tham gia hiệp hội và là ủng hộ hiệp hội. Như thế sẽ rất khó khăn nên chúng tôi trao quyền quyết định cho cá nhân từng vị giám mục.

Đề nghị của riêng tôi trong giai đoạn sơ thảo về vấn đề này phần nào đó không được đưa vào, tôi nghĩ là vì vào năm 2006, Bộ Phúc âm hóa các Dân tộc khuyến khích một vị giám mục ra công khai và tham gia vào hiệp hội để từ đó Đức Giáo hoàng có thể tuyên bố rằng làm như vậy không có gì sai. Cho nên nguyên tắc để cho vị giám mục quyết định là phù hợp.

20151016162756439_small-600x4001Nhưng bản cuối cùng của bản dịch tiếng Trung bỏ qua từ “gần như là luôn luôn”. Cụm từ này rất quan trọng, bởi vì trong hầu hết các trường hợp giáo hội hầm trú không thể ra công khai mà không phải làm những điều trái với lương tâm. Bỏ qua cụm từ này dẫn đến việc diễn giải sai, có thể hiểu thành khẳng định rằng những người Công giáo hầm trú chỉ cần ra công khai mà không kèm theo điều kiện gì.

Khi đó có Cha Jerome Heyndrickx, một người bạn của chính phủ và của Vatican, dựa trên việc bỏ qua cụm từ vừa nói đã bắt đầu tuyên bố công khai rằng những người Công giáo hầm trú phải đi ra công khai, như ý Đức Giáo hoàng muốn. Điều đó dẫn đến một tình huống tồi tệ – rất nhiều sự nhầm lẫn.

Tôi nghĩ rằng việc bỏ qua đó là do một số người có quan điểm cho rằng giáo hội hầm trú phải tham gia vào hiệp hội do cộng sản kiểm soát.

Hiện nay ngài có liên hệ nào với Đức Giáo hoàng Benedict không

Đức Giáo hoàng Benedict rất kín đáo, nhưng rất rõ ràng là tôi đang làm những điều mà ngài cũng có ý định thực hiện.

Bạn đã nghe nói về Ostpolitik – chính sách hướng Đông, chính sách của Tây Đức đối với Đông Đức, trở nên thân thiện hơn, chúng ta có thể nói như thế. Dạng chính sách như thế có những tác dụng của nó, về mặt chính trị và kinh tế, nhưng hoàn toàn không có lợi cho tôn giáo. Đó lại là chính sách mà Vatican hiện đang cố gắng thực hiện với Trung Quốc.

Hãy nhìn xem chính sách đó thất bại như nào tại Hungary: Giáo hội không thể hoạt động. Tại công đồng Vatican II, chỉ hai và năm giám mục có thể tham gia những phiên thảo luận khác nhau. Đó là một sự thất bại.

Vấn đề là Vatican vẫn tin tưởng vào chính sách hướng Đông, cho nên tôi rất vui khi cuốn sách mới đây ghi lại cuộc phỏng vấn giữa Peter Seewald và Đức Giáo hoàng Benedict được công bố. Có một phần Đức Benedict thảo luận về chính sách hướng Đông, nói rằng Hồng y [Agostino] Casaroli ủng hộ và thúc đẩy nó, với thiện ý, nhưng Đức Benedict nói thẳng rằng đó là một sự thất bại.

Đức Gioan Phaolo II đã có kinh nghiệm trực tiếp với chủ nghĩa phát xít cũng như chủ nghĩa cộng sản và ngài nói rằng chúng ta không thể giao kết với cộng sản. Cho nên, khi tôi đọc bài phỏng vấn mới nhất với Đức Benedict, tôi rất vui.

Năm nay cũng là năm kỉ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra cũng như cuộc Cách mạng Nga – những sự kiện chắc chắn có ý nghĩa đối với những người Công giáo bị cộng sản đàn áp

Vâng, rất trùng hợp khi bạn nhắc đến điều đó trong ngày hôm nay. Tôi đang chuẩn bị đến nhà thờ để cử hành thánh lễ và cầu nguyện kết thúc. Tượng Đức Mẹ Fatima đã ở với chúng tôi trong hai tuần. Đây là một trong sáu bức tượng đã được Đức Giáo hoàng làm phép để đi vòng quanh thế giới trong dịp kỉ niệm này.

Thông điệp được đưa ra rất quan trọng – cầu nguyện, hoán cải – và có nhiều cuộc thảo luận về bí mật thứ ba. Tôi không được nghiên cứu sâu về vấn đề này, nhưng Vatican nói rằng mọi điều đã được công bố trong khi nhiều người vẫn nghĩ còn có điều chưa được nói ra.

Tôi nghĩ có hai khả năng. Trong thị kiến của chị Lucia, một vị giáo hoàng qua đời. Đức Giáo hoàng Benedict nói rằng thị kiến này liên hệ tới nỗ lực ám sát Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nhưng ngài không thiệt mạng, viên đạn hiện đang ở trên triều thiên của Đức Mẹ Fatima. Liệu có phải một vị giáo hoàng khác sẽ qua đời?

Tôi không muốn đi quá sâu vào cuộc thảo luận này, cho đến khi nó được trình bày rõ ràng trước đã, nhưng tôi muốn so sánh nó với giấc mơ của thánh Gioan Bosco: ngài đã thấy một cuộc hải chiến lớn – chiếc thuyền lớn là Giáo hội và Đức Giáo hoàng ngã xuống, rồi ngài đứng lên. Điều này có vẻ gần hơn với việc ám sát Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo. Sau đó là chiến thắng, rồi chiếc thuyền nghỉ ngơi giới hai cột trụ là Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Thể. Thông điệp đó cũng giống như thông điệp Fatima.

Bạn biết rằng chính phủ cấm việc tôn kính Đức Mẹ Fatima. Họ chấp nhận các hình ảnh và việc đạo đức khác, ngoài Mẹ Fatima. Họ nói rằng Mẹ là một người chống cộng.

Ngài muốn nói thêm điều gì nữa không?

Một số người nghĩ rằng nên làm việc theo cách “Làm bất kì điều gì Đức Giáo hoàng bảo làm”. Nhưng tôi nghĩ thực ra đôi khi chúng ta cần bảo vệ thẩm quyền của Đức Giáo hoàng mặc bất chấp việc Đức Giáo hoàng khi đó dự định đưa ra một quyết định không phù hợp.

Chúng ta nên xử lý từ từ – Đức Giáo hoàng đang lắng nghe. Có một số người nói về việc ngài thăm Trung Quốc, mà tôi nghĩ sẽ không xảy ra được. Nó sẽ không mang lại điều gì tốt, sẽ bị thao túng bởi cộng sản, những bức hình Đức Giáo hoàng chụp với các quan chức chính phủ và các giám mục, mà Đức Giáo hoàng không rõ ai là người được tấn phong bất hợp pháp, đã bị tuyệt thông, đại loại những chuyện như thế, và rồi tất cả sẽ bị thao túng.

Daniel Blackman

P.B. chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube