Cuộc trả lời phỏng vấn của Đức Phanxicô với tạp chí ‘vô gia cư’

RV23670_Articolo

ĐTC Phanxicô đã dành cho một tờ tạp chí của Ý, do một nhóm những người vô gia cư thực hiện, cuộc trả lời phỏng vấn bao trùm nhiều vấn đề. Cuộc phỏng vấn được công bố hôm 28/2 trên tạp chí có tên gọi “Scarp de’ tenis” (“Sneakers”).

Tạp chí cũng thực hiện chức năng như một dự án xã hội, bởi hầu hết các nhân viên đều là những người vô gia cư, đang phải chịu đựng những tình huống cá nhân khó khăn hoặc các hình thức của việc bị xã hội loại trừ. Đối với hầu hết các cộng tác viên, tạp chí  này chính là một nguồn thu nhập quan trọng. “Scarp de’ tenis” đã khởi sự mối quan hệ đối tác với cánh tay của Ý qua tổ chức từ thiện của Tòa Thánh – Caritas – từ năm 2008.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC Phanxicô đã được đề nghị giải thích về các sáng kiến gần đây của Ngài đối với những người tị nạn, chẳng hạn như việc cung cấp nơi ăn nghỉ cho họ tại Vatican. Trong phần trả lời của mình, ĐTC Phanxicô đã giải thích về việc các sáng kiến nhằm tiếp đón những người vô gia cư đã được lấy cảm hứng từ các giáo xứ khắp Rome để cùng chung trong một nỗ lực.

“Nơi đây, tại Vatican, có hai giáo xứ, và cả hai đều thực hiện việc đón tiếp các gia đình đến từ Syria. Nhiều giáo xứ tại Roma cũng đã mở cửa để tiếp đón những người vô gia cư và những nơi khác – vốn không có nhà xứ dành cho các linh mục – đã trả tiền thuê nhà cho các gia đình có nhu cầu trong vòng một năm”, ĐTC Phanxicô chia sẻ.

Trong suốt cuộc phỏng vấn, ĐTC Phanxicô thường nhắc đến ý tưởng của việc cùng bước đi để đồng cảm với tình cảnh của những người khác. Theo Đức Thánh Cha, để có thể cảm nhận được tình cảnh của những người khác là một cách thế giúp chúng ta có thể thoát khỏi thói ích kỷ cá nhân của mỗi chúng ta: “Bằng việc đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, chúng ta có thể có được khả năng thông cảm cho nhau, để từ đó có thể nhận biết về những tình cảnh khó khăn của họ”.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng chỉ lời nói thôi thì chưa đủ, thế nhưng điều cần thiết đó chính là “sự vĩ đại” khi biết đặt mình vào tình cảnh của người khác: “Đã bao lần tôi gặp một người, sau khi đã tìm kiếm sự an ủi nơi người Kitô hữu – giáo dân, linh mục, nữ tu hoặc giám mục – người đó đều bảo tôi ‘họ đã lắng nghe tôi, nhưng không hiểu tôi’”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC Phanxicô cũng đã pha trò về thái độ của một người liên quan đến việc cho tiền những người sống trên các đường phố. “Có rất nhiều lý lẽ biện minh cho lý do tại sao chúng ta không nên bố thí: ‘Tôi cho tiền gã nọ và gã ấy chỉ dùng nó vào việc nát rượu!’. Việc uống rượu chính là niềm hạnh phúc duy nhất của gã trong cuộc sống!”, ĐTC Phanxicô nói đùa.

Chúng cũng có thể học được bài học về lòng quảng đại qua cuộc phỏng vấn này. Đức Thánh Cha kể một câu chuyện từ thời Ngài còn phục vụ tại Buenos Aires, câu chuyện kể về một người mẹ với năm con. Trong khi người cha đang làm việc thì các thành viên trong gia đình ăn trưa, rồi bỗng có một người đàn ông vô gia cư đến để xin ăn. Thay vì để cho các con cho đi phần ăn tối của người cha, người mẹ đã dạy các con hãy cho đi chính phần thức ăn riêng của mình: “Nếu chúng ta muốn cho đi, chúng ta phải cho đi chính những thứ thuộc về chúng ta!”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi về việc giới hạn số lượng những người tị nạn và di cư đến một nơi cụ thể nào đó, ĐTC Phanxicô trước hết nhắc nhở các độc giả rằng nhiều người trong số những người này đã phải tháo chạy khỏi cảnh chiến tranh hoặc cảnh đói nghèo. Tất cả mỗi người chúng ta trên thế giới này – ĐTC Phanxicô cho biết – đều có thể góp phần giải quyết tình trạng này vì thế chúng ta cần phải tìm cách để giúp đỡ và đem lại quyền lợi cho những người xung quanh chúng ta. Theo ĐTC Phanxicô, trách nhiệm này đặc biệt phù hợp với các chính phủ và ĐTC Phanxicô đã đề cập đến mẫu gương của cộng đồng Saint Egidio (đã thành lập hành lang nhân đạo dành cho các nhóm người di cư dễ bị tổn thương) nhằm làm rõ quan điểm của mình. Liên quan đến 13 người tị nạn đến từ Lesbos, ĐTC Phanxicô cho biết các gia đình đã có thể hòa nhập vào xã hội, những đứa trẻ đã được đi học và cha mẹ của chúng đã tìm được công ăn việc làm. Điều này – theo Đức Thánh Cha Phanxicô – chính là một điển hình về những người nhập cư muốn hòa nhập và đóng góp vào một đất nước mới, và đạt được mong muốn đó.

Để nhấn mạnh thêm quan điểm của mình, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh về trường hợp của Thụy Điển – nơi gần 10% dân số, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Văn hóa – đều là dân nhập cư. Trong đời sống riêng tư của mình, trong những năm đầy khó khăn của chế độ độc tài quân sự tại Argentina, ĐTC Phanxicô  thường nhìn đến Thụy Điển như một điển hình tích cực của sự hội nhập.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube