Các nhà lãnh đạo tôn giáo: ‘Châu Âu sẽ "lênh đênh trôi giạt" nếu đánh mất căn tính Kitô giáo’

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 05-03-2017 | 11:07:20

Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Công giáo và Chính thống giáo đã kêu gọi Châu Âu phải nắm lấy căn tính tôn giáo trong thời điểm đầy khó khăn này đối với Lục địa Cổ. “Chúng tôi tin rằng Châu Âu hơn bao giờ hết rất cần đến hơi thở của đức tin nơi Đức Kitô và niềm hy vọng mà đức tin ấy mang lại”, các nhà lãnh đạo Công giáo và Chính thống giáo cho biết. “Nếu chúng ta đánh mất đi cội rễ của mình, chúng ta sẽ trở nên lênh đênh trôi dạt”.

20170305 ĐGH

Các nhà lãnh đạo Công giáo và Chính thống trong một tuyên bố chung đã kêu gọi người dân châu Âu hãy nhớ lại căn tính Kitô hữu của mình, đồng thời quay trở lại với những căn tính ấy trong thời điểm “đầy rẫy những quan ngại cho tương lai” của châu Âu.

“Các xã hội của chúng ta đang hướng tới các nguồn lực tinh thần của họ, nhằm tìm ra các phương tiện đối phó trước tình hình mà Châu Âu đang phải trải qua, đồng thời vạch ra con đường phía trước cho một tương lai đầy hy vọng và tự tin hơn”, các nhà lãnh đạo cho biết.

Trong suốt Diễn đàn Công giáo – Chính thống giáo châu Âu lần thứ 5, 12 đại biểu thuộc Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE) đã gặp gỡ 12 đại diện của các Giáo hội Chính thống tại Châu Âu tại Paris hồi tháng trước để thảo luận về chủ đề “Châu Âu với nỗi sợ hãi trước nguy cơ đe doạ của chủ nghĩa khủng bố, các giá trị của con người và vấn đề tự do tôn giáo”.

Trong khi các chính phủ bảo đảm “các quyền cơ bản của con người”, thế nhưng nhiều lực lượng hiện đang nỗ lực nhằm cách ly hoặc loại bỏ tôn giáo khỏi đời sống công chúng, các nhà lãnh đạo cho biết.

“Chúng tôi tin rằng châu Âu hơn bao giờ hết rất cần đến hơi thở của đức tin nơi Đức Kitô và niềm hy vọng mà đức tin ấy mang lại”, các nhà lãnh đạo cho biết. “Kitô giáo là dấu hiệu nhận diện vốn không phủ nhận người khác cùng với nhân quyền của họ, nhưng tìm cách kết hợp với tất cả nhằm thực hiện công ích chung”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo tập trung đặc biệt vào những ảnh hưởng mà chủ nghĩa khủng bố và sự tục hóa cực đoan tạo ra đối với giới trẻ.  Thông thường – các nhà lãnh đạo lưu ý rằng – những kẻ khủng bố quá khích đã đầu độc những người trẻ tuổi – những người xem bạo lực như một lối thoát và là một cách để trả thù những người không tín ngưỡng cũng như “những kẻ ngoại đạo”.

“Thời thanh xuân – tuy nhiên – là quãng thời gian của niềm hy vọng và xây dựng tương lai. Chúng tôi mời gọi tất cả các bạn trẻ hãy cam kết xây dựng một thế giới huynh đệ không loại trừ một ai”, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết.

“Chúng ta không ngần ngại nhớ lại rằng chính các Giáo Hội của chúng ta đã thực hiện công việc như vậy để có được sự hiểu biết sâu hơn về Lời Chúa trong Kinh Thánh rằng: ‘chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống’ (2 Cr 3, 6)”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng ghi nhận những tác động mà một số những khái niệm về chủ nghĩa thế tục đang tạo ra đối với giới trẻ tại Châu Âu, điều này đã đẩy “toàn bộ thế hệ này đến việc không có những hiểu biết về tôn giáo, tước đi của học những kiến thức cơ bản cần thiết để có thể hiểu được di sản văn hóa của họ, cũng như di sản văn hoá của các truyền thống khác được lấy cảm hứng từ tôn giáo”.

Việc bỏ quên các di sản tôn giáo của châu Âu thường dẫn đến – thậm chí ngay cả khi không có chủ tâm – sự phân biệt đối xử cũng như bách hại trong các xã hội mà họ cho là cởi mở, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết.

“Thuyết tương đối văn hoá, thiếu đi chân lý hay luân lý, không thể được thiết lập như một đạo lý, bởi vì điều này thực sự sẽ dẫn đến sự chia rẽ giữa con người”.

Phát biểu về những làn sóng di dân lớn mà Châu Âu đã trải qua trong vài năm qua, các nhà lãnh đạo đã miêu tả việc chào đón những người lạ mặt như một nhiệm vụ của Kitô giáo, đồng thời kêu gọi các tín hữu hãy nhớ lại tổ phụ Abraham – người mà các Kitô hữu, những người Do Thái cũng như Hồi giáo xem như vị Cha chung trong đức tin.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng cho biết thêm rằng những người nhập cư lần lượt có nhiệm vụ phải hoà nhập một cách hoà bình vào quốc gia sở tại, vốn phải được thống nhất bởi một nền tảng tôn trọng quyền tôn giáo và nhân quyền của tất cả mọi người.

“Xã hội đa nguyên là một thách đố thực sự cho nhân loại hiện đại, đặc biệt là tại châu Âu. Truyền thống Kitô giáo lâu đời đã dạy chúng ta rằng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đã có thể – và vẫn có thể – quy tụ mọi người thuộc mọi nguồn gốc xuất thân với nhau trong cùng một đức tin duy nhất”, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết.

Sau cùng – các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết – để hòa bình có thể chiếm ưu thế tại châu Âu, lục địa này phải sẵn sàng trong việc đối thoại với mọi người thuộc mọi niềm tin tôn giáo khác nhau, đồng thời trở về với căn tính Kitô giáo của mình vốn mang lại cho châu Âu “một tầm nhìn phổ quát, ý niệm về Phẩm giá con người cũng như các nguyên tắc luân lý của nó.

“Nếu chúng ta cắt đứt khỏi nguồn cội của mình, chúng ta sẽ trở nên lênh đênh trôi giạt”, các nhà lãnh đạo tôn giáo nói. “Sự trống rỗng trong đó đặc biệt đẩy những người trẻ tuổi nhất tới những cám dỗ tồi tệ nhất. Chúng tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng đức tin Kitô Giáo hòa hợp mọi chiều kích cá nhân cũng như xã hội được tìm thấy nơi con người”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube