Bếp ăn Nhân Ái- nhà thờ Cha Tam: “Bác ái không phải là bố thí”

  • Bác ái
  • Thứ Tư, 20-04-2016 | 15:38:12

Nhà thờ Cha Tam từ lâu đã nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo, bởi những câu chuyện lịch sử. Nay ngôi thánh đường này còn là điểm hẹn của người nghèo, người vô gia cư khu Chợ Lớn. Đây là nơi có bếp ăn Nhân Ái phục vụ bữa trưa cho người nghèo từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần, suốt 3 năm nay.

Với tinh thần phục vụ vì Chúa Kitô, hàng ngày, các chị, các mẹ đã dành ra hơn nửa ngày cho công việc bác ái tại giáo xứ. Lúc nào bếp ăn cũng có 10 chị thường trực phục vụ, bắt đầu từ 6 giờ sáng đến tận 12 giờ 30 chiều. Quỹ hoạt động của bếp ăn do các nhà hảo tâm trong và ngoài giáo xứ đóng góp: bằng tiền mặt, hoặc cơm gạo, thức ăn… 

bepanNhanai (3)

Nhân viên bếp ăn Nhân Ái.

Mỗi ngày, bếp ăn nấu khoảng 120 suất ăn trưa. Mỗi suất ăn có đầy đủ cơm, canh, cá hoặc thịt heo, thịt gà đựng trong hộp sạch sẽ. Sau 3 năm hoạt động, đã có khoảng 1.000 “bữa tiệc nhân ái” với khoảng 120.000 suất ăn được dọn ra.

Đúng như tên gọi “Nhân Ái”, một hộp cơm chẳng đáng là bao, nhưng qua đó, những người nghèo tìm thấy được tình người ấm áp. Cô Phượng – thủ quỷ, người đứng phát cơm chiai sẻ: “Bác ái chứ không phải là bố thí. Họ có lòng tự trọng lắm. Lúc nào mình cũng phải ân cần và thương yêu họ thực sự, làm sao để họ không tủi thân”

Nhìn bảng danh sách từ Cô Phương thì hiểu hơn. Cô thuộc lòng họ tên của từng người, đặc điểm, hoàn cảnh, tuổi tác. Người bị HIV, người bị cụt tay, cụt chân, người bệnh phổi, bệnh tim, người sa cơ thất thế.

Ngoài công việc của giáo xứ, các chị, các mẹ còn phải lo cho gia đình, cho cuộc sống mưu sinh thường nhật nên sự hy sinh này lại càng ý nghĩa.

bepanNhanai (1)

Một người được giúp đỡ bởi bếp ăn Nhân Ái

Mỗi ngày, suốt 3 năm nay, nửa ngày cô Sắc dành cho bếp ăn, cho người nghèo, nửa ngày còn lại cô dành cho gia đình. Cô Sắc sống bằng việc bán nước giải khát, từ 5 giờ chiều đến 12 giờ khuya. Khá vất vả, nhưng cô luôn hài lòng về những gì mình đang có: “Được cái Chúa cho mình sức khỏe, không đau ốm gì cả. Với lại, mình cũng chẳng se sua, tiêu xài, mỗi ngày kiếm được từng đó tiền (khoảng 100 nghìn đồng) là đủ rồi. Con cái cũng ở riêng hết, nên cũng yên tâm làm việc cho giáo xứ”- cô Sắc cho biết.

Chị Hà chia sẻ: “Từ công việc phục vụ, mình tìm thấy rất nhiều niềm vui, tình người. Công việc của giáo xứ mà, không có gì đáng kể cả.”

Bên cạnh việc phục vụ bữa ăn trưa của bếp ăn Nhân Ái kể trên, phòng y tế của giáo xứ còn tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo vào sáng thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần. Với những trường hợp bệnh nặng, theo khả năng của mình, giáo xứ có thể kêu gọi quyên góp, bỏ tiền túi, hoặc trình lên Caritas của giáo phận giúp đỡ.

Cúc Hoa

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube