Nguồn gốc các nghi vấn liên quan đến Tông huấn của Đức Giáo hoàng

Có lẽ các dubia bắt nguồn từ một sự hiểu lầm cơ bản về bản chất của “Amoris Laetitia” và, thực ra, của sự đổi mới đã bắt đầu với Công đồng Vatican II và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh, ngay cả trong thông điệp “Veritatis Splendor” của ngài.

amoris-laetitia 

Các nghi ngờ xung quanh “Amoris Laetitia

Hồi tháng 9/2016, trong một lá thư gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, bốn vị hồng y đã đưa ra 5 “dubia” (nghĩa là “nghi ngờ”) về Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng “Amoris Laetitia”. Sau đó khoảng một tháng, các hồng y ấy đã xuất bản công khai lá thư của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Một cách tóm tắt, có thể nói, 5 dubia gợi ý rằng “Amoris Laetitia” có thể đã làm thay đổi giáo huấn Công giáo truyền thống về 5 vấn đề. Thực ra các dubia đó đã không được trình bày như là những điều nghi vấn, mà là như lời khẳng định rằng “Amoris Laetitia” dường như đã bỏ qua hoặc thậm chí thay đổi giáo huấn quan trọng của truyền thống Công Giáo đã được Thánh Gioan Phaolô II trình bày cách đặc biệt trong thông điệp “Veritatis Splendor” (1993).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn không trả lời các vị hồng y và dubia của họ. Tại sao? Thiết nghĩ đó là vì các câu hỏi của các vị hồng y không thể được trả lời. Điều đó có nghĩa là gì? Các dubia gợi ý rằng “Amoris Laetitia” đã mang lại sự thay đổi hoặc sự mới lạ đối với giáo huấn Công giáo truyền thống. Nhưng rất nhiều lần, cho dù trong bối cảnh của “Amoris Laetitia” hoặc trong các diễn văn khác, Đức Thánh Cha đã liên tục khẳng định rằng không có giáo huấn mới và không có sự thay đổi giáo huấn.

Nếu như vậy, đâu là nguồn gốc của các dubia?

Có lẽ các dubia bắt nguồn từ một sự hiểu lầm cơ bản về bản chất của “Amoris Laetitia” và, thực ra, của sự đổi mới bắt đầu với Công đồng Vatican II và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh, ngay cả trong thông điệp “Veritatis Splendor” của ngài.

Các Thượng Hội đồng Mục vụ

Điều quan trọng cần lưu ý: Tông huấn “Amoris Laetitia” là kết quả của hai Thượng Hội đồng về cuộc sống gia đình đã được thực hiện vào năm 2014 và năm 2015. Qua những cuộc thảo luận rất cởi mở, Thượng Hội đồng 2014 đã nhận diện các kinh nghiệm và thách thức của hôn nhân và đời sống gia đình ngày nay. Thượng Hội đồng 2015 đã đào sâu những câu trả lời mục vụ thích hợp mà Giáo hội có thể cung cấp cho các gia đình.

Tiếp cận mục vụ là cố gắng kết hợp các chân lý của Tin Mừng vào kinh nghiệm sống của con người. Câu trả lời mục vụ có nguồn gốc của nó trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu.

Công đồng Vatican II nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm mục vụ của Giáo hội. Trong tông hiến “Humanae Salutis” triệu tập Công đồng Vativan II, Thánh Gioan XXIII đã rõ ràng thiết lập hướng đi mục vụ cho Công đồng. Các chương trình đổi mới mục vụ mà Đức Gioan XXIII hình dung đã được thiết kế để có một cuộc hành trình mang mọi người đến với sự thật tối hậu là chính Chúa Giêsu Kitô.

Đó cũng là chương trình mục vụ theo hình dung của “Amoris Laetitia“. Sự trớ trêu của bốn vị hồng y khi họ công bố các dubia nằm ở chỗ họ cho rằng tông huấn này không trung thành với truyền thống, đang khi, trên thực tế, tông huấn được ban hành để đưa mọi người đến chỗ trung thành hơn và phù hợp hơn với sự thật trong Chúa Giêsu Kitô.

Tin Mừng cho hôm nay

Câu hỏi thực tế định hướng tiến trình mục vụ là: Làm thế nào để giúp mọi người tiến bước phù hợp hơn và gắn bó hơn với sự thật của Tin Mừng? Thảo luận về sự thật khách quan ư? Vâng, tất nhiên, sự thật khách quan là cơ bản. Nước Thiên Chúa là một thực tại khách quan. Nó không phải là kết quả trí tưởng tượng của chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta Vương Quốc của Người, vương quốc vĩnh cửu và phổ quát, vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng, vương quốc của công lý, tình yêu và hòa bình.

Nhưng “sự thật khách quan” là điểm kết thúc của câu chuyện? Không.

Câu chuyện về cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có trong Mt 19,16-22 gợi ý cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Chúa Giêsu không chỉ đơn giản công bố sự thật khách quan và để mặc cho người thanh niên chấp nhận hoặc từ chối nó. Thay vào đó, Chúa Giêsu tham gia vào một quá trình đưa người thanh niên đi về phía trước. Đức Gioan Phaolô II viết: “Với một mối quan tâm tế nhị mang tính chất sư phạm, Đức Giêsu đã trả lời bằng cách như thể nắm lấy tay người thanh niên mà dắt đi, từng bước một, theo hướng chân lý trọn vẹn” (Veritatis Splendor, số 8).

Như thế, giữa rao giảng sự thật khách quan với đồng hành mục vụ để giúp huấn luyện một lương tâm biết chấp nhận và sống sự thật đó, là hai chuyện khác nhau.

Các hồng y đưa ra các dubia đã cho rằng “Amoris Laetitia” không loan báo sự thật toàn vẹn về hôn nhân. Thực ra, giáo huấn về hôn nhân Kitô giáo trong “Amoris Laetitia” là rõ ràng, chân thật và đầy đủ. Nhưng điểm quan trọng nhất mà Tông huấn này nhắm đến, cả trong nội dung lẫn trong ngôn ngữ trình bày, là việc đồng hành mục vụ trong mục vụ hôn nhân.

Về sự khác biệt giữa rao giảng sự thật khách quan với đồng hành mục vụ, ngay trong vấn đề hôn nhân, chúng ta có thể tìm được trong Tin Mừng hai trường hợp rất đáng suy nghĩ, cả hai đều liên quan đến tình cảnh bất hợp luật của hôn nhân.

Trong trường hợp đầu tiên (Mt 19,3-9; Mc 10,2-12), một số người Pharisêu muốn thử Chúa Giêsu, và họ hỏi ngài về việc ly hôn. Ngài dứt khoát khẳng định sự duy nhất và bất khả phân ly của mối dây liên kết hôn nhân. Thậm chí Ngài còn đi xa hơn khi khẳng định rằng điều đó nằm trong kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa từ thời điểm sáng tạo. Chúa Giêsu gạt bỏ luật Môsê khi luật ấy cho phép ly dị trong một số hoàn cảnh nhất định. Lời giảng dạy của Ngài là rõ ràng và dứt khoát.

Trong trường hợp thứ hai (Ga 4,5-42), Chúa Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria. Đây không phải là một cuộc trò chuyện về các nguyên tắc chung hay về chân lý. Chúa Giêsu gặp một người phụ nữ với một câu chuyện đời phức tạp có liên quan đến năm đời chồng và một bạn trai sống chung trong hiện tại. Ngài không chỉ đơn giản công bố sự thật về hôn nhân cho bà ta nghe và sau đó thách thức bà ta sống sự thật đó. Ngay từ đầu, với lời xin nước uống, Ngài cho thấy mình sẵn sàng đi vào một cuộc trò chuyện với người phụ nữ “rối hôn phối” kia và thu hút sự chú ý của bà ta đối với chính Ngài. Sau đó, tại một thời điểm nhất định, Ngài nói với bà ta: “Hãy đi gọi chồng của chị rồi trở lại đây.” Người phụ nữ trả lời rằng: “Tôi không có chồng. Chúa Giêsu nói với bà ta: “Chị nói ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã có năm đời chồng, và người đang sống với chị bây giờ không phải là chồng của chị. Chị đã nói đúng!”. Có lẽ bị xấu hổ bởi sự mặc khải này, người phụ nữ tìm cách chuyển hướng cuộc trò chuyện, nhưng Chúa Giêsu ở lại với bà ấy và đồng hành với bà ấy. Cuối cùng, bà ấy tin vào Chúa Giêsu, và đây là điều hiển nhiên ngay trong lời nói của bà ấy với dân làng: “Hãy đến mà gặp một người đã nói với tôi tất cả mọi thứ tôi đã từng làm! Ông ấy không phải là Đức Kitô sao?”

Hai trường hợp rất khác nhau và những cách hành động khác nhau của Chúa Giêsu đề nghị cho Giáo hội những cách tiếp cận rất khác nhau, đặc biệt là khi liên quan đến hôn nhân. Có nơi chỗ và sự điều cần thiết phải công bố lời giảng dạy rõ ràng và dứt khoát. Nhưng cũng có nhu cầu đồng hành với những con người mà cuộc sống của họ đã bị hư hỏng và là một gánh nặng thực sự, để họ có thể nắm lấy chân lý đem lại sự sống của Tin Mừng.

Amoris Laetitia” mời gọi các mục tử trong Hội Thánh ngồi xuống bên bờ giếng nói chuyện với người phụ nữ Samaria: đồng hành, phân định và hội nhập những người đang phải mang gánh nặng của một chuyện đời hôn nhân phức tạp và không hợp luật… để giúp họ tìm về với Chúa Giêsu là Sự Thật tối hậu và vẹn toàn.

T.H. (viết theo Cha Louis J. Cameli)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube