Kiến tạo trật tự hòa bình với đời sống cầu nguyện

Sống thân tình với Thiên Chúa, cầu nguyện và hoạt động cùng với Ngài, đó là nền tảng, là nguyên tắc kiến tạo, là định hướng hoạt động cho một sự bình an đích thật của mỗi con người và cho toàn thể nhân loại.

Trong Sứ điệp gửi Đại hội Công giáo Đức lần thứ 100 (từ ngày 25 đến 29 tháng năm 2016 tại Leipzig, Đức quốc), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi các tín hữu Công giáo tái kiến thiết trật tự hài hòa, an bình và hiệp nhất trong thế giới với một đời sống nội tâm kết hợp với Thiên Chúa và không ngừng nhìn đến những nỗi khổ đau đang hiện diện nơi biết bao con người ngày nay.

Con người được mời gọi sống hài hòa, an vui, thân mật với Thiên Chúa, với nhân loại và với thế giới, phát xuất tự chính bản tính con người được tạo dựng. Thiên Chúa dựng nên con người là người nam, người nữ để sống những giá trị đó. Cầu nguyện, chiêm niệm, dành thời gian với Chúa là những yếu tố căn bản để đạt được sự sống thân tình với Thiên Chúa. Đồng thời chúng cũng là nền tảng kiến tạo sự bình an cho mỗi người, cho chính thế giới và cho cộng đồng nhân loại.

Đức Giáo Hoàng nói nên một sự thật mà hầu như mọi người đều nhận biết. Đó là thực trạng có những người sống vội vã, sống vật vờ, sống vu vơ. Sống như thế không chỉ gây những hậu quả cho chính mỗi người mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và môi trường sống. Trong khi tự nguyên tắc nơi con người được tạo dựng không ai lại không muốn được bình an, hiệp thông, sống chung, sống với nhau, cho nhau, bên nhau.

Nơi mà Thiên Chúa dành một cõi riêng để ở đó con người có thể thực hiện được khát vọng ấy, là chính tâm hồn. Đó là cõi nội tâm của con người chất chứa chính bản thân, tha nhân và toàn thế giới, và đó là đền thờ dành cho Thiên Chúa hiển trị. Đồng thời đó cũng là nơi chứa đựng nguồn sức mạnh vô tận để con người thực hiện khát vọng an hòa nội tâm, hiệp nhất tha nhân, hòa bình thế giới. Mọi hoạt động của con người hướng đến những giá trị đó đều kín múc được nơi nguồn cội này sức lực để hoàn thành khát vọng bình an. Cho nên, Đức Giáo Hoàng mời gọi cần dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống nội tâm, trong cầu nguyện và chiêm niệm.

Trong sứ điệp gửi Đại hội Công giáo Đức lần thứ 100, Đức Giáo Hoàng mời gọi tập chú vào khả năng dừng lại, ghé mắt nhìn, chú ý đến tha nhân, cống hiến cho họ những gì họ thực sự thiếu thốn, chứ không phải dừng lại những gì chúng ta làm được hay sự thành công bề ngoài. Việc tập chú vào tha nhân và trao cho họ những điều cần thiết chỉ có thể thực hiện khi cõi nội tâm chúng ta tràn đầy lòng thương xót như Thiên Chúa. Cầu nguyện, chiêm niệm cho chúng ta cảm nếm được lòng thương xót. Một khi lòng đầy tình thương xót chúng ta mới biết thương xót như Chúa Cha được.

Trong một xã hội mà lòng thương chỉ còn căn cứ trên lợi ích vật chất trước mắt và bề ngoài, thì con người khó có thể chạm đến con tim của nhau được. Nhiều người không cảm thấy bị đánh động khi gặp trong cuộc sống những con người bị đối xử tệ bạc, bị lên án, chỉ trích và bị khai trừ. Nhất là sự đối xử ấy thường dành những “con người bị xem ra hết giá trị sử dụng”, họ phải sống dựa vào người khác, tuổi tác già nua, thân xác bệnh tật, không có sức lao động, hết sức sáng tạo, tỵ nạn, vô gia cư, không việc làm hoặc khác biệt văn hóa, ý thức hệ, quan điểm chính trị, lập trường kinh tế.

Thực ra, cũng có rất nhiều cá nhân, tổ chức, quốc gia hoạt động nhiều để đem lại trật tự an bình cho thế giới. Nhưng cũng có biết bao thiện ích của con người cần cứu giúp bị chiếm đoạt, tước mất hoặc bị lột bỏ, chỉ vì nhân loại vẫn chưa mở tâm hồn mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa để biết thương xót như Ngài, Đấng chỉ muốn điều thiện hảo cho nhân loại.

Người Công giáo theo Chúa Giêsu, làm môn đệ Ngài, thì cũng bắt chước Ngài ôm lấy nỗi đau, sự chán nản, sự tuyệt vọng của nhân loại hôm nay với lòng thương xót.

Đức Giáo Hoàng nói chúng ta chỉ có thể thực hiện lòng thương xót khi trong cõi nội tâm chúng ta có sự hiện diện của Thiên Chúa xót thương. Chúng ta chỉ có thể đem đến nhiều thiện ích cho tha nhân khi trong lòng chúng ta có Đấng luôn mong ước điều tốt lành cho con người. Ngài sẽ là lòng thương xót của cõi nội tâm con người để họ biết thương xót. Ngài sẽ hành động bằng chính những hành động nhân ái của chúng ta.

Vì vậy, cầu nguyện, sống thân tình với Thiên Chúa sẽ giúp người Công giáo hành động để tái thiết hòa bình cho thế giới.

An Tự

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube