DCCT đến với nạn nhân thảm họa ô nhiễm biển miền Trung

  • Bác ái
  • Chúa Nhật, 29-05-2016 | 09:19:06

Cảm thông với những nỗi cơ cực, mất mát của nạn nhân thảm họa môi trường biển Miền Trung, ngày 28/5/2016, Đoàn cứu trợ của DCCTVN đã đến thăm và và giúp đỡ một số gia đình tại Giáo xứ Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh thuộc Giáo phận Vinh.

Đoàn do Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, DCCT Thái Hà, ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, thành viên Hội nhà báo Độc lập Việt Nam và một số anh chị em thuộc Giáo phận Vinh đã đến thăm các gia đình giáo dân trong Giáo xứ.

1

2

Linh mục quản xứ Đông Yên Phêrô Trần Đình Lai đã hướng dẫn đoàn đến thăm một số giáo dân đang bám trụ tại nơi chôn rau cắt rốn của mình ở thôn Đông Yên. Đoàn cũng đã chứng kiến tận mắt những bất công mà giáo dân nơi đây đang phải chịu bởi nạn phân biệt đối xử do tôn giáo.

Điển hình, là hai thôn bên cạnh Đông Yên, hiện vẫn chưa hề  bị đập phá, cưỡng chế nhà cửa, con cái họ vẫn được đi học bình thường. Chỉ riêng thôn Đông Yên, một xứ đạo sầm uất nhất, đông đúc nhất là được “ưu tiên” đập phá, cưỡng chế buộc di dời trong khi chưa hề có bất cứ một dự án nào ở khu vực này.

Điều hết sức đau xót là, để ép buộc người dân nơi đây phải từ bỏ nơi chôn ra cắt rốn của mình, nhà cầm quyền đã đập phá trường học của các trẻ em trước tiên. Và hậu quả là cho đến hôm nay, 155 học sinh đã hai năm không được đến trường.

Mặc dù các bậc phụ huynh và các em đã kêu hết mọi cửa, làm mọi cách để đòi hỏi quyền được học hành của các em, thế nhưng, đã hai năm qua, các em vẫn chịu cảnh thất học.

Chứng kiến những cảnh tan hoang và đời sống của người dân, không ai có thể bình tâm trước hiện trạng người dân nơi đây.

Đặc biệt, từ khi thảm họa biển Miền Trung xảy ra đến nay, đời sống của người dân, nơi mà họ sống hoàn toàn bằng nghề đi biển, đã hoàn toàn lâm vào bế tắc.

Hiện tại, họ không công việc, không thu nhập, sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề.

Người dân nơi đây cho biết: Kể từ khi thảm họa xảy ra đến nay nghề biển bị loại bỏ. Bởi không chỉ vì không còn cá để đánh bắt mà nếu có thuyền nào đánh bắt được một ít thì cũng không thể bán được. Nhiều người làm nghề lặn biển, làm cho Formosa bị nhiễm độc, vào bệnh viện xét nghiệm thì bị can thiệp để không được nhận kết quả xét nghiệm. Họ đang sống trong cảnh tù mù về thông tin đời sống cũng như môi trường nơi họ sống.

Nói chuyện với chúng tôi, người dân nơi đây khẳng định: Chỉ có Formosa là nơi đầu độc biển miền Trung, ngoài ra, họ không tin bất cứ điều giải thích nào khác. Họ  lý giải như sau:

– Với một nhà nước mà đến nay, thảm họa đã xảy ra hai tháng, nhưng vẫn không dám đưa ra nguyên nhân, thì chắc chắn có một vấn đề gì đó khuất tất. Mà với họ, họ cảm nhận được sâu sắc nhất sự khuất tất của các cá nhân và tổ chức, nhà cầm quyền tại đây với dự án Formosa từ khi nó được hình thành đến nay.

– Nếu một nguyên nhân nào khác, nhà cầm quyền sẽ không lần khân và lấp liếm như hiện nay, bởi thảm họa này không chỉ với một nơi, một vùng mà là đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống đất nước.

– Nếu không phải là Formosa, một doanh nghiệp của Tàu, mà là một doanh nghiệp khác như Vedan chẳng hạn, thì hẳn đã không có những lời nói, động thái và sự lúng túng như hiện nay của nhà cầm quyền.

– Với dự án Formosa người dân nơi đây đã chứng kiến rõ ràng nhất sự tham nhũng, lạm quyền, bớt xén và ăn cắp của các cá nhân, tổ chức thực hiện. Điển hình là Nguyễn Văn Bổng, kẻ vừa bị truy tố và bị bắt về tội tham nhũng, thất thoát cả hàng chục tỷ đồng, chính là Chủ tịch huyện Kỳ Anh, người đã ra nhiều quyết định liên quan đến đời sống của họ. Họ cho rằng, chỉ với một chủ tịch huyện, và chỉ với một việc khai khống giải phóng mặt bằng đã mất cả chục tỷ đồng, thì với các dự án lớn hơn và chức quyền cao hơn, con số sẽ là bao nhiêu trong một nhà nước mà đội ngũ cán bộ, đảng viên tham nhũng là “bộ phận không nhỏ”?

– Là những người sống bên cạnh Formosa, họ biết rõ những khi nhà máy này xả thải ra biển và những diễn biến sau đó cho đến nay để họ khẳng định suy nghĩ của mình về nguyên nhân làm ô nhiễm biển.

5Người dân nơi đây cho biết, đã có nhiều trường hợp bị nhiễm độc từ thức ăn, từ biển nhưng đã không được nói đến để đồng bào cả nước được biết tình hình sự thật ở biển Miền Trung. Họ cho rằng đó là sự dối trá độc ác, đưa người dân vào chỗ chết nhằm che lấp các tội ác của mình.

Một người dân nói với chúng tôi: Các bác có cách nào, mời được cán bộ tỉnh và trung ương đến Vũng Áng ăn cá và tắm biển cho chúng tôi xem được, thì đó mới là chuyện lạ thế kỷ.

Giáo dân cho biết, nhiều người anh em họ, sau khi nhận đi tái định cư đến nơi mới đã không có đường sống, buộc phải trở về theo nghề cũ là nghề biển, thế nhưng, giờ đây cửa kiếm sống bằng nghề đi biển đã đóng lại trước mắt họ.

Nhiều nỗi ưu tư, người dân nơi đây đang sống trong những ngày lo lắng trong tuyệt vọng.

Đoàn cứu trợ đã động viên tinh thần bà con, chia sẻ với họ những đau thương, mất mát do “nhân tai” gây ra.

Trong niềm xúc động và chia sẻ, cảm thông, linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã dâng Thánh lễ Chúa Nhật kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu. Đoàn giáo dân Đông Yên còn bám trụ nơi đây đã hết sức cảm động và tham dự Thánh lễ sốt sắng, mặc dù giờ lễ bắt đầu vào 1h chiều.

7

8

Chia sẻ trong Thánh lễ, linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã cảm thông với những mất mát, đau đớn và tình trạng của người dân nơi đây. Hy vọng giáo dân nơi đây sẽ sớm được ổn định đời sống, các em nhỏ sớm được đến trường và bằng đời sống đạo đức, hòa bình, họ sẽ chứng minh được tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với mọi người.

Bởi vì: “Đâu có tình yêu thương,  ở đó có Đức Chúa Trời”.

Ngày 29/5/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube