“Via Caritatis” – Về Chương VIII của “Amoris Laetitia”

Vấn đề người ly dị tái hôn rước lễ là một vấn đề nan giải. Chúng tôi xin giới thiệu một bài viết thú vị của Cha Aristide Fumagalli nói về Chương VIII của Amoris Laetitia, liên quan cách đặc biệt đến vấn đề này.

Bài viết này được đăng trên Tạp chí La Rivista del Clero Italiano số 7/8 năm 2016.[1]

Cha Aristide Fumagalli là một thành viên của ban biên tập của tạp chí La Rivista del Clero Italiano và là Giáo sư Thần học luân lý tại Đại Chủng Viện Venegono và Phân Khoa Thần Học Milano. Tạp chí La Rivista del Clero Italiano được xuất bản bởi Đại học Công Giáo Milano.

Bài viết mang tựa đề “Via caritatis” – về chương VIII của “Amoris Laetitia”, cung cấp lời tường giải cẩn thận và chuẩn mực về Chương VIII, đặt trong bối cảnh của tông huấn, của huấn quyền của Đức Phanxicô và của hai Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm. Trong viễn tượng này, tiêu chí phù hợp nhất để giải thích lời giáo huấn kín đáo của bản văn “Amoris Laetitia” liên quan đến việc lãnh nhận các bí tích của những tín hữu ly dị tái hôn, có vẻ là việc đặt nó vào trong logic của sự phân định, “cửa hẹp”, vốn là yếu tố duy nhất có thể dẫn đưa, trong sự thật, hành trình của tình yêu Kitô giáo.

***

VIA CARITATIS” – VỀ CHƯƠNG VIII CỦA “AMORIS LAETITIA”

 

Linh mục Aristide Fumagalli

 

Kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến các tín hữu sống trong đời sống lứa đôi mà không có bí tích hôn nhân, thông thường là trong sự chung sống đơn giản, trong hôn nhân dân sự, và đặc biệt là trong một kết hợp vợ chồng mới sau sự thất bại của cuộc hôn nhân bí tích trước đó, từ lâu đã là một vấn đề gây đau khổ trong mục vụ hôn nhân. Quy tắc do Đức Gioan Phaolô II thiết định trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Familiaris Consortio (1981) và được Huấn Quyền liên tục khẳng định, cho đến ngay cả trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis (2007), đã không hề làm giảm đi mối bận tâm về vấn đề và đặt dấu chấm kết thúc các cuộc thảo luận trong Giáo Hội về chủ đề này. Tiến  trình Thượng Hội Đồng do Đức Phanxicô thúc đẩy và trải qua hai kỳ nhóm họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngoại thường (2014) và thông thường (2015), bàn về toàn bộ chân trời đương đại của những thách thức, của ơn gọi và sứ vụ của các gia đình, đã cho thấy rõ những căng thẳng rất lớn về vấn đề này. Và đó không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Kỷ luật liên quan đến những tình huống gọi là “bất hợp luật” chỉ là một trong những thách thức, cho dù đây là thách thức mang tính quyết định nhất, trong mục vụ hôn nhân. “Ngày nay – Đức Phanxicô viết trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (AL) – điều quan trọng hơn cả của mục vụ dành cho những cuộc hôn nhân thất bại là nỗ lực mục vụ để củng cố hôn nhân và nhờ đó ngăn ngừa hôn nhân đổ vỡ” (AL 307), ngõ hầu “mục vụ tiền hôn nhân và mục vụ hôn nhân trước hết phải là một mục vụ của hôn ước, mang lại các yếu tố giúp cho tình yêu đôi bạn trưởng thành và vượt qua những lúc gian nan”(AL 211).

Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia, như tên gọi đầy đủ cho thấy, tập trung chủ yếu “về tình yêu trong gia đình”.[2] Sự chú ý đến chương thứ tám,[3] dành riêng cho sự mong manh của các tình huống hôn nhân, không nhằm đáp ứng mục tiêu thiển cận của việc làm giảm sự phong phú của Tông huấn vào việc rước lễ của những người ly dị tái hôn, mà là mong muốn làm thế nào để sự phong phú đó soi sáng những kinh nghiệm hôn nhân bất hạnh và khốn khổ nhất, trong ý thức rằng “thường công việc của Giáo Hội giống như công việc của một bệnh viện dã chiến” (AL 291).[4]

Điểm nhấn

Đường lối mục vụ mới mẻ được đề xuất cho chương VIII của Amoris Laetitia để đồng hành, phân định và hòa nhập sự mong manh của tình yêu hôn nhân, được trình bày như là via caritatis. “Trong mọi hoàn cảnh, – Đức Phanxicô  khẳng định – đứng trước những người gặp khó khăn để sống trọn luật Chúa, chúng ta cần phải nói lên lời mời gọi bước theo con đường của đức ái (via caritatis)” (AL 306).

Con đường của đức ái, trước hết, là con đường trên đó “tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa” (AL 311) đến làm người thân cận với những người “bị ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối” (AL 291). Đức ái thần linh, khi đổ tràn trên sự mong manh và khốn khổ của những con người đang yêu, sẽ là “lòng thương xót ‘vô cùng đại lượng, vô điều kiện và nhưng không’” (AL 297). Nơi đức ái ấy, sáng ngời “sự viên mãn của công lý và sự biểu tỏ rạng ngời nhất của chân lý về Thiên Chúa” (AL 311). Trên con đường đức ái, Giáo Hội bước ra “loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim sống động của Tin Mừng, nhờ đó lòng thương xót ấy phải đến được với lòng trí mỗi người”, ngõ hầu “dầu thơm của lòng thương xót có thể chạm tới tất cả mọi người, những tín hữu cũng như những người ở xa, như một dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta” (AL 309).

Việc loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa mời gọi những ai trải nghiệm nó hãy “sống trong lòng thương xót”, ngõ hầu via caritatis trở thành con đường trên đó Giáo Hội đồng hành với “những đứa con yếu đuối nhất của mình” (AL 291).

Con đường của đức ái không phải là một con đường khác so với con đường mà tất cả các Kitô hữu đều được khuyến khích bước đi trên đó. Đó là, trong thực tế, con đường của điều răn mới của Chúa Giêsu, Đấng hoàn thiện mọi lề luật (cfr. Gl 5,14) và có giá trị  đối với tất cả mọi người: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Đối với tất cả các Kitô hữu đang sống đời sống hôn nhân, via caritatis duy nhất chính là via caritatis coniugalis. Đức Phanxicô cung cấp một bức tranh sinh động về con đường ấy trong chương thứ tư, suy tư về các đặc điểm của “tình yêu đích thực” đã được Thánh Phaolô ca ngợi trong bài thánh ca nổi tiếng về đức ái trong 1Cr 13. Đi theo con đường của đức ái hôn nhân, các cặp vợ chồng ghi khắc trong tình yêu của họ tình yêu của chính Chúa Kitô, khi yêu thương nhau và yêu thương con cái của họ như Chúa Kitô ban tặng và yêu cầu họ yêu thương.

Đức ái hôn nhân, như con đường được định hướng, sẽ tiến bước theo một hướng xác định, mà điểm nhấn là “hôn nhân, phản ảnh của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người”. Hiểu như thế, hôn nhân được thực hiện cách đầy đủ trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, những người hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và trong sự trung thành tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh, họ được thánh hiến bởi các bí tích ban cho họ ân sủng để xây dựng một Giáo Hội tại gia và chất men của sự sống mới cho xã hội (AL 292).

Như ngọn hải đăng soi sáng cho những con người lạc lối, đặc biệt trong cơn bão tố (x. AL 291), “lý tưởng trọn vẹn của hôn nhân” là điều không thể thiếu đối với Giáo Hội, vốn sẽ bị coi là thiếu “trung thành với Tin Mừng” nếu đề xuất lý tưởng đó với “thái độ lãnh đạm, chủ nghĩa tương đối dưới bất kỳ hình thức nào, hay sự dè dặt thái quá”( AL 307).[5] Mặt khác, bằng cách luôn luôn đề nghị sự “hoàn thiện” và kêu gọi một “sự ứng đáp đầy đủ hơn với Thiên Chúa”, Giáo Hội, trong khi nói rằng “mọi sự cắt đứt ràng buộc hôn phối đều chống lại ý muốn của Thiên Chúa, thì cũng ý thức về sự mong manh của nhiều con cái mình” và về nhiệm vụ phải đồng hành với họ “bằng sự ân cần chăm sóc” (AL 291).

(còn tiếp)

Chú thích:

[1] La Rivista del Clero Italiano – 2016 – 7 – 8.

[2] Về sự trình bày tổng quan về tông huấn, cho phép tôi giới thiệu bài viết của mình:  La famiglia nella Amoris laetitia: il passo del Papa e il cammino della Chiesa, «Aggiornamenti Sociali», 56/06-07 (2016), pp. 467-477. Trong số các bài bình luận ít nhiều phổ biến về toàn bộ văn kiện, đáng chú ý: G. Dianin, Amoris laetitia. Famiglia: la parola torna alle comunità, «La Rivista del Clero Italiano», 97 (2016), 4, pp. 247-269; C. Giaccardi – M. Magatti, Introduzione. Una famiglia che ama, una Chiesa in cammino, in Papa Francesco, Amoris Laetitia. Esortazione apostolica sull’amore nella famiglia, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2016, pp. 5-24; A. Grillo, Le cose nuove di Amoris Laetitia. Come papa Francesco traduce il sentire cattolico (= Cantiere coppia), Cittadella, Assisi (PG) 2016; M. Gronchi, Amoris laetitia. Una lettura dell’esortazione apostolica postsinodale sull’amore nella famiglia, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2016; S. Noceti, Guida alla lettura della Esortazione Apostolica post-sinodale di papa Francesco Amoris Laetitia, in Francesco, Esortazione Apostolica sull’amore nella famiglia Amoris laetitia La gioia dell’amore, Piemme, Segrate (Mi) 2016, pp. 5-60; A. Scola, Prefazione. Il coraggio del cammino, in Papa Francesco, Amoris Laetitia. Esortazione apostolica postsinodale sull’amore nella famiglia, Centro Ambrosiano, Milano 2016, pp. 5-21; A. Spadaro, Amoris Laetitia. Struttura e signifi cato dell’Esortazione apostolica post-sinodale di Papa Francesco, «La Civiltà Cattolica», 3980 (2016), pp. 105-128.

[3] Chương VIII chiếm 22 trong 325 số của Amoris Laetitia, cộng thêm các số trong các chương khác đề cập cùng một chủ đề (ở chương III là các số 78-79 và ở chương VI là các số 243.245-246), tổng cộng là hơn 8% toàn bản văn.

[4] Về chương VIII, đáng chú ý cách đặc biêt những đóng góp của: B. Petrà, Amoris laetitia. Un passo avanti nella Tradizione,«Il Regno – Attualità», 61 (2016), 8, pp. 243- 251; C. Torcivia, Criteri per una lettura pastorale del capitolo ottavo di Amoris laetitia, Elledici, Leumann (To) 2016.

[5] Việc sử dụng thường xuyên trong Amoris Laetitia phạm trù “lý tưởng” để chỉ sự viên mãn và hoàn hảo của hôn nhân, xứng đáng được làm rõ, để tránh hiểu lầm. Lý tưởng toàn vẹn của hôn nhân không phải là một ý tưởng trừu tượng về hôn nhân, như mong muốn không thực tế, có thể được ngưỡng mộ và thậm chí theo đuổi, tuy nhiên, theo cùng một cách như là một điều không tưởng, không có nơi chỗ thực hiện. Lý tưởng của hôn nhân, trái lại, là thực tại cụ thể của hôn nhân được sống trong tình yêu vợ chồng, tức là với “tình yêu đích thực” mà Chúa Kitô yêu Hội Thánh, và được dành sẵn có cho các cặp vợ chồng trong bí tích hôn nhân.

(Giuse Ngọc Huỳnh chuyển ngữ)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube