Phụ nữ nắm giữ vai trò độc đáo trong Giáo hội hiệp hành

Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng Nữ tu Nathalie Becquart, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mụcthứ trưởng của Thượng Hội đồng Giám mục, trong cuộc gặp với đại diện các hội đồng giám mục từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Paul Haring / CNS)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào mừng Nữ tu Nathalie Becquart, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, trong cuộc gặp gỡ đại diện các Hội đồng Giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican vào ngày 9 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Paul Haring / CNS)

Đó quả là một cuộc chiến cam go, nhưng vai trò của phụ nữ trong cương vị lãnh đạo trong Giáo hội đã ngày càng gia tăng kể từ Công đồng Vatican II. Hy vọng của một số phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trong Giáo hội Công giáo đó là tiến trình thượng hội đồng được khởi động vào tháng 10 sẽ tiếp tục củng cố xu hướng này.

“Tôi đã chứng kiến vai trò lãnh đạo của phụ nữ gia tăng một cách mạnh mẽ”, Nữ tu Patricia Murray, thành viên của Ủy ban Linh đạo của Thượng hội đồng về Hiệp hành, cho biết. “Tôi xem xét vai trò của các vị Bề trên Tổng quyền các Dòng tu và các cộng tác viên của họ, những phụ nữ giáo dân và Tu sĩ, từ cấp cơ sở đến tất cả các cấp trong Giáo hội, và chúng tôi đã chứng kiến một số cuộc bổ nhiệm khá quan trọng”.

Phụ nữ, Nữ tu Murray nói, “mang đến quan điểm, kinh nghiệm và suy tư của chúng tôi”.

Đặc biệt, các Nữ tu, theo Nữ tu Murray, Thư ký điều hành của Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền Quốc tế, đã luôn tham gia “ở bên lề, ở cấp cơ sở”, làm việc với những người di cư, người nghèo và những nạn nhân của nạn buôn người. Điều mà họ hiện đang ngày càng trở nên tốt hơn, Nữ tu Murray thừa nhận, đó là hiện diện tại các diễn đàn nơi họ có thể bênh vực những người này.

Những chia sẻ trên của Nữ tu Murray được đưa ra hôm thứ Năm, trong một cuộc thảo luận chỉ toàn phụ nữ do Đại sứ quán Úc tại Tòa Thánh, Đại học Georgetown và tạp chí Dòng Tên La Civilta Cattolica tổ chức. Đại sứ Úc Chiara Porro chủ trì cuộc hội thảo, trong đó cũng có sự tham dư của Nữ tu Nathalie Becquart, Phó Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục; Tiến sĩ Myriam Wijlens; Nữ tu Beatrice Faye; và chị Susan Pascoe. Tất cả họ đều đang giúp đỡ trong Văn phòng Thượng hội đồng Giám mục của Vatican, trong các nhiệm vụ khác nhau – phương pháp luận, thần học và linh đạo – hoặc với tư cách là các nhà tham vấn.

Chủ đề của cuộc hội thảo là ‘Phụ nữ trong hiệp hành’, và nó được tổ chức tại trụ sở của tạp chí La Civilta Cattolica tại Rôma. Giám đốc của tạp chí, Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, là nam giới duy nhất tham gia cuộc hội thảo, chia sẻ. Trên thực tế, Linh mục Spadaro là một trong số ít nam giới tham dự, tất cả đều là các nhà báo hoặc các nhà ngoại giao.

Nữ tu Murray cho rằng ngày càng có sự gia tăng nhận thức trong Giáo hội về những người ở bên lề và những người đau khổ, với việc nhu cầu của họ được thể hiện rõ hơn.

Tổ chức bác ái nói chung, “cần phải trở thành tiếng nói về những sự việc đang xảy ra trên thế giới ngày nay, bất cứ nơi nào có sự thiếu thốn và đau khổ, với tư cách là một cộng đồng Kitô giáo, chúng ta cần phải đáp ứng”.

“Xu hướng ngày nay là ngày càng trở nên cô lập hơn”, Nữ tu Murray nói. “Nhưng chúng ta được mời gọi trở nên phổ quát trong mối bận tâm của chúng ta, trong lòng trắc ẩn của chúng ta”.

Nhấn mạnh lời kêu gọi liên tục của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Giáo hội phải trở nên gần gũi với những người đau khổ, Nữ tu Murray lập luận rằng phụ nữ đặc biệt sẵn sàng gặp gỡ người khác, thể hiện lòng trắc ẩn và sự dịu dàng đối với những người gặp khó khăn, bởi vì “đó là một phần DNA của chúng ta,” và đây là một phần của sự suy tư mà phụ nữ có thể mang đến cho tiến trình Thượng hội đồng.

“Những người cảm thấy bị Giáo hội bỏ rơi hoặc ghẻ lạnh rất nhiều”, Nữ tu Murray nói, là những người mà phụ nữ đặc biệt có thể tiếp cận, thực hiện các bước thiết thực và tạo ra không gian nơi mọi người có thể cảm thấy tự nhiên thoải mái.

Wijlens, nữ luật sư về Giáo luật đầu tiên của Hà Lan, đã có thể trang trải việc học tập của mình ở Canada vào những năm 1980 nhờ sự giúp đỡ của các Nữ tu, những người nhận thấy giá trị của việc phụ nữ học hỏi nghiên cứu hệ thống pháp luật độc đáo của Giáo hội. Chị Wijlens cho biết rằng mặc dù có sự bận tâm “to lớn” của phụ nữ trong Thượng hội đồng, “đó không phải là hội nghị của phụ nữ bàn về phụ nữ. Tất cả chúng ta đang cùng nhau thực hiện cuộc hành trình, với tư cách là thành viên của Dân Chúa, với tư cách là một Giáo hội lữ hành”.

Pascoe, người tham gia cuộc hội thảo thông qua liên kết video từ Úc, đã suy tư về tầm quan trọng của việc mọi người đều có tiếng nói tại Thượng hội đồng, kể cả những người sống bên lề xã hội, cũng như những người thường ở bên lề Giáo hội, chẳng hạn như các thành viên của cộng đồng LGBTQI.

“Tất cả các thành viên trong Giáo hội phải tham gia vào việc phân định thánh ý của Thiên Chúa”, chị Pascoe chia sẻ. “Giám mục vẫn là thầy dạy chính trong Giáo phận của mình, nhưng có một tinh thần đồng trách nhiệm”.

Được kết nối thông qua liên kết video từ Burkina Faso, Nữ tu Faye lập luận rằng phụ nữ là “động lực đằng sau hiệp hành”, và một Giáo hội hướng đến việc sống theo phong cách hiệp hành “không thể không suy xét về tình trạng và vai trò của phụ nữ”.

Chia sẻ từ kinh nghiệm của mình với tư cách là một Nữ tu đã sống và phục vụ ở một số quốc gia Châu Phi, Nữ tu Faye cho biết rằng tiến trình Thượng hội đồng sẽ chỉ được “thực hiện một cách xác thực” nếu có sự tham gia của các Giáo hội cụ thể. Mặc dù ý định của văn phòng Thượng Hội Đồng là như vậy, nhưng trên thực tế, không phải tất cả các Giáo phận sẽ bình đẳng như nhau khi nói đến tiến trình tham vấn được khởi động vào tháng 10, một tuần sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc tiến trình Thượng hội đồng kéo dài hai năm tại Rôma.

Trong phần hỏi & đáp, một số vấn đề nổi bật xung quanh vai trò của phụ nữ trong Giáo hội đã được đưa ra, bao gồm cả việc truyền chức Linh mục cho phụ nữ.

Nữ tu Becquart lập luận rằng tính hiệp hành cần phải có sự “lắng nghe sâu sắc”, và không thể là một tiến trình nơi mà mọi người đã thuyết phục được cách giải quyết mỗi chủ đề gây tranh cãi. “Sẽ chẳng phải là hiệp hành nếu chúng ta nói rằng ‘chủ đề này nên được giải quyết theo cách này hay cách kia’”.

Trong bài phát biểu khai mạc, Nữ tu Becquart đã nói về những nỗi lo ngại mà cả anh chị em giáo dân và Giám mục gặp phải khi nói đến tiến trình Thượng hội đồng. Khi được yêu cầu đào sâu hơn về vấn đề này, Nữ tu Becquart cho biết rằng theo nhiều cách, Thượng hội đồng là một lời mời gọi thay đổi, và tự chính nó, đây là lý do khiến hầu hết các tổ chức lo ngại.

“Chúng ta phải cùng nhau phân định”, Nữ tu Becquart nói. “Có thể lo ngại đầu tiên đó là tiến trình Thượng hội đồng phải là một tiến trình mang tính tâm linh thực sự. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh, đó không phải là một nghị viện, nó không nói về vấn đề đa số hay thiểu số, hoặc một số hành động vận động hành lang”.

Thượng Hội đồng, Nữ tu Becquart nói, không phải là một cuộc cách mạng được thực hiện trong một ngày, mà là một “tiến trình lâu dài cần có sự phân định”, và không phải ai cũng hiểu bản chất thực sự của một Giáo hội hiệp hành thực sự có nghĩa là gì. Nếu Chúa Thánh Thần không được đặt ở trung tâm, Nữ tu Becquart nhấn mạnh, thì điều đó không mang tính hiệp hành gì cả.

“Tính hiệp hành cũng có nghĩa là đi từ ‘tôi’ sang ‘chúng ta’, và việc chúng ta nghĩ về ‘chúng ta’ chống lại ‘họ’ là lý do để lo ngại”, Nữ tu Becquart nói, đồng thời chỉ ra rằng điều này không đúng với khuôn khổ. Điều quan trọng là phải trở nên thực tế liên quan đến bản chất của Thượng hội đồng và những gì nó thực sự có thể đạt được.

“Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội hội nhập văn hóa có thể đối mặt với thực tế, với những khó khăn, và đồng thời nhận thức được rằng Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn chúng ta”, Nữ tu Becquart nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube