Đức Hồng Y Silva, Đông Timor: ‘Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mang lại thông điệp về hòa bình và lòng khoan dung’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón Đức Hồng Y Virgilio do Carmo da Silva, Tổng Giám mục Địa phận Dili, Timor-Leste, trong công nghị ngày 27 tháng 8 năm 2022 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón Đức Hồng Y Virgilio do Carmo da Silva, Tổng Giám mục Địa phận Dili, Timor-Leste, trong Công nghị ngày 27 tháng 8 năm 2022 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Vị Hồng Y Đông của Timor cho biết chuyến viếng thăm đất nước sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô, dự kiến vào mùa thu này, không chỉ là một khoảnh khắc vui mừng đối với các tín hữu Công giáo địa phương, mà còn là cơ hội để gửi thông điệp hòa bình và hòa giải sau khi họ giành được độc lập.

Phát biểu với Crux, Đức Hồng Y Virgilio do Carmo da Silva Địa phận Dili ở Timor-Leste cho biết “rất vui mừng” khi người Công giáo ở Đông Timor, còn gọi là Timor Leste, đã hoan nghênh thông báo gần đây về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới đất nước này vào cuối năm nay.

“Người dân đã chờ đợi rất lâu và chuyến viếng thăm gần đây nhất đã cách đây 35 năm”, Đức Hồng Y Silva nói.

Đầu tháng này, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du châu Á và châu Đại Dương vào cuối năm nay, đến thăm Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9, khiến đây là chuyến Tông du nước ngoài dài nhất trong Triều đại Giáo hoàng của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong khuôn khổ chuyến Tông du sẽ dừng chân tại Jakarta từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9 trước khi đi đến Port Moresby và Vanimo từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9, Dili từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9 và Singapore từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 9.

Đức Hồng Y Silva lưu ý rằng chuyến viếng thăm gần đây nhất của một vị Giáo hoàng tại Đông Timor, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm nước này vào năm 1989, diễn ra trong khi Đông Timor vẫn đang bị “Indonesia chiếm đóng”.

“Tình hình chính trị rất khó khăn, nhưng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có thể đến thăm”, Đức Hồng Y Silvanói,  đồng thời cho biết chuyến viếng thăm vào năm 1989 “đã khuyến khích người dân đứng vững trước những đau khổ của họ vì chiến tranh và áp bức”.

Gọi Đức Gioan Phaolô II là “tiếng nói của một vị tiên tri”, Đức Hồng Y Silva nói chuyến viếng thăm “kêu gọi các tín hữu hãy trở thành muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”.

“Thông điệp này được lưu giữ trong trái tim và tâm trí của nhiều người dân Timor và ngày nay vẫn còn vang vọng trong tâm thức người dân Timor”, Đức Hồng Y Silva nói.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô năm nay sẽ khác, Đức Hồng Y Silva nói, trước hết vì Đông Timor, một quốc gia có đa số là Công giáo, hiện là một quốc gia độc lập, sau khi chính thức trở nên độc lập khỏi Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, vào năm 2002.

“Là một trong những quốc gia mới nhất trong thiên niên kỷ mới, cũng như thực tế là phần lớn người dân là người Công giáo, chúng tôi từ lâu đã mong muốn Đức Giáo hoàng đến thăm vì sự hiện diện của người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở Đông Timor là một phúc lành, một khoảnh khắc của sự thống nhất, khoảnh khắc của tình yêu và hy vọng”, Đức Hồng Y Silva nói.

Đức Hồng Y Silva bày tỏ hy vọng rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ giúp củng cố các nỗ lực hòa giải và khuyến khích người dân sống “hòa hợp với nhau cũng như với thiên nhiên”, đồng thời cho biết thông điệp hòa bình mà Đức Thánh Cha dự kiến đưa ra sẽ “rất phù hợp”.

“Đông Timor và Indonesia hơn hai thập kỷ sau khi giành độc lập đã và đang nghiên cứu về chủ đề về sự hòa giải”, Đức Hồng y Silva nói, đồng thời cho biết chủ đề hòa giải “cần được cải thiện” và cần được thúc đẩy ở những quốc gia khác đang gặp phải tình huống tương tự, nơi người ta “khó hòa giải với nhau”.

Mặc dù chưa bao giờ được công bố chính thức, nhưng vào năm 2020, dự kiến Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Đông Timor, Indonesia và Papua New Guinea, nhưng chuyến đi đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19 bùng phát và vẫn chưa được dời lại.

Việc Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến viếng thăm hiện nay, với điểm dừng bổ sung ở Singapore, cho thấy Châu Á và Châu Đại Dương đang là ưu tiên hàng đầu của Đức Thánh Cha, người đã đến thăm Châu Á nhiều lần trong Triều đại Giáo hoàng 11 năm của mình và là người thường nói về các vấn đề liên quan đến khu vực Châu Đại Dương, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Đức Hồng y Silva, người được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng Hồng y vào năm 2022, cũng nói về tình trạng của mối quan hệ liên tôn giữa Indonesia và Đông Timor, đồng thời lưu ý rằng mặc dù một quốc gia đa số là Công giáo và quốc gia kia đa số là người Hồi giáo, những “có sự khoan dung tôn giáo rất tuyệt vời”.

“Tôi thiết nghĩ lòng khoan dung là một trong những chủ đề cũng cần được thúc đẩy trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha”, Đức Hồng y Silva nói, đồng thời lưu ý rằng lòng khoan dung và tình huynh đệ nhân loại là những điểm thảo luận chính trong Giáo hội địa phương.

Đức Hồng y Silva cho biết Giáo hội địa phương có mối quan hệ tốt với chính phủ, được củng cố bằng việc ký kết thỏa thuận giữa Đông Timor và Tòa Thánh vào năm 2015, cũng như quyết định của chính phủ vào năm 2022 về việc thông qua tài liệu của Vatican về Tinh thần huynh đệ nhân loại, được Đức Thánh Cha ký tại Abu Dhabi vào năm 2019 cùng với Đại Imam của Đại học Hồi giáo al-Azhar Ahmad el-Tayyeb của Ai Cập, và đã được các nhà lãnh đạo liên tôn khác ký kết.

“Người dân Timor cảm thấy Đức Thánh Cha rất gần gũi với họ mặc dù về mặt địa lý họ ở rất xa Rôma”, Đức Hồng y Silva nói, đồng thời cho biết rằng chuyến viếng thăm, việc ngài được vinh thăng Hồng y, và sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh Toà Thánh, tại lễ khánh thành Đại sứ quán mới của Vatican ở Đông Timor vào năm 2022, đều là những dấu chỉ cho thấy sự chú ý và sự gần gũi của Đức Thánh Cha với Giáo hội địa phương.

Đức Hồng y Silva nói rằng với tư cách là một quốc gia tương đối non trẻ, “chúng tôi mong mỏi thông điệp hòa bình, đặc biệt là đối với giới trẻ, vì 65% dân số là giới trẻ”.

Đức Hồng y Silva cho biết ngài kỳ vọng Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm của ngài sẽ mang đến một thông điệp “về niềm hy vọng sống trong thế giới này và kiên trì với các giá trị Công giáo”, cũng như sống hòa hợp với người khác và với công trình sáng tạo.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube