Các Giám mục Châu Âu ủng hộ việc mở rộng EU, nhưng đồng thời cảnh báo chống lại ý thức hệ và ‘tầm nhìn hạn hẹp’

Cờ Liên minh Châu Âu đặt cạnh cờ của Bosnia và Herzegovina ở Sarajevo, ngày 12 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Armin Durgut/AP)

Cờ Liên minh Châu Âu đặt cạnh cờ của Bosnia và Herzegovina ở Sarajevo, ngày 12 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Armin Durgut/AP)

Các Giám mục Châu Âu đã lên tiếng ủng hộ các kế hoạch mở rộng trong tương lai của Liên minh Châu Âu, nhấn mạnh rằng nó mang đến một cơ hội duy nhất để thể hiện giá trị của tình huynh đệ, nhưng đồng thời cũng cảnh báo chống lại việc áp đặt ý thức hệ và việc theo đuổi các lợi ích cụ thể.

Trong một tuyên bố được đưa ra trong phiên họp toàn thể mùa xuân từ ngày 17 đến 19 tháng 4 tại Łomża, Ba Lan, Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE) đã ca ngợi sự hội nhập của Châu Âu như một quá trình nhằm đảm bảo “hòa bình, tự do, dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân quyền và sự thịnh vượng”.

Đó cũng là một quá trình “dựa trên các giá trị Kitô giáo, như sự thừa nhận phẩm giá con người, tính bổ trợ, tình liên đới và việc theo đuổi công ích”, các Giám mục nói.

Các Giám mục nhắc lại tiến trình mở rộng đáng kể của EU vào tháng 5 năm 2004, khi khối này bổ sung thêm 10 quốc gia thành viên mới, đánh dấu điều mà các Giám mục nói “là sự hiện thực hóa một Châu Âu thống nhất có thể ‘thở bằng hai lá phổi của mình’”, gắn kết Đông và Tây Âu lại với nhau vào một cộng đồng bao gồm các dân tộc khác nhau, nhưng có chung một lịch sử.

Bước đi này, các Giám mục nói, đã khiến châu Âu “gần gũi hơn với những gì nó được kêu gọi và là một nhân chứng mạnh mẽ cho thời đại chúng ta về việc sự hợp tác huynh đệ, nhằm mục đích theo đuổi hòa bình và bắt nguồn từ các giá trị chung, có thể vượt qua các xung đột và chia rẽ như thế nào”.

Theo COMECE, một liên minh lớn hơn cũng mang đến những thách thức mới, với sự hội nhập chính trị và kinh tế đi kèm với những gì thường có thể là một cuộc đối thoại “có vấn đề” giữa các quốc gia, các nền văn hóa và kinh nghiệm lịch sử khác nhau.

“Chừng nào tinh thần châu Âu thực sự bao gồm ý thức thuộc về cùng một cộng đồng và trách nhiệm chung đối với cộng đồng đó chưa được phát triển đầy đủ thì sự tin tưởng trong Liên minh châu Âu có thể bị xói mòn và việc xây dựng sự thống nhất có thể phải đối mặt với những nỗ lực nhằm đặt những lợi ích cụ thể và tầm nhìn hạn hẹp lên trên thiện ích chung”, các Giám mục nói.

Các Giám mục lưu ý rằng trong khi các cuộc khủng hoảng khác nhau trong những năm qua đã mang đến “sự mệt mỏi khi mở rộng”, thì những diễn biến gần đây như cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra động lực mới để tiếp cận EU, đặc biệt là đối với các quốc gia thuộc khu vực Balkan.

“Ngoài nhu cầu địa chính trị cần thiết cho sự ổn định trên lục địa của chúng tôi, chúng tôi coi triển vọng trở thành thành viên EU trong tương lai là một thông điệp hy vọng mạnh mẽ cho công dân của các quốc gia ứng viên và là câu trả lời cho mong muốn được sống trong hòa bình và công lý của họ”, các Giám mục cho biết.

Tuy nhiên, các Giám mục cho biết việc gia nhập EU là “một quá trình hai chiều” và các quốc gia mong muốn trở thành thành viên EU phải tiếp tục thực hiện sự cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực quan trọng như “pháp quyền, tăng cường các thể chế dân chủ, các quyền cơ bản, bao gồm cả tự do tôn giáo lẫn tự do báo chí, cũng như đấu tranh chống tham nhũng, giải quyết tội phạm có tổ chức”.

Một quá trình mở rộng công bằng và lấy người dân làm trung tâm cũng phải khuyến khích và đáp ứng đầy đủ những nỗ lực này, đồng thời tránh bất kỳ “tiêu chuẩn kép nào trong cách đối xử với các quốc gia ứng viên”, các Giám mục cho biết.

Những nỗ lực mở rộng cũng đòi hỏi EU phải sẵn sàng chào đón các thành viên mới, đồng thời cho rằng việc mở rộng EU là cơ hội “cập nhật ý tưởng về một châu Âu thống nhất bắt nguồn từ tình liên đới thực tế” và khôi phục những lý tưởng vĩ đại đã truyền cảm hứng cho nền tảng của tổ chức này.

“Một Liên minh mở rộng cũng sẽ phải suy nghĩ lại cách thức quản trị của mình, để cho phép các thành viên và tổ chức của mình hành động kịp thời và hiệu quả”, COMECE nói, đồng thời cho biết rằng bất kỳ điều chỉnh nào đối với khuôn khổ, chính sách ngân sách của EU hoặc các lĩnh vực hợp tác khác sẽ phải cân nhắc tác động tiềm tàng đối với người dân, đặc biệt là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất của các quốc gia thành viên hiện tại và tiềm năng trong tương lai.

Các Giám mục kêu gọi suy ngẫm sâu sắc hơn về “cơ sở giá trị chung và những mối ràng buộc đặc biệt liên kết chúng ta như một gia đình Châu Âu”, đồng thời cho biết rằng “Châu Âu có tương lai nếu nó thực sự là một liên minh, trân trọng sự thống nhất trong sự đa dạng”.

“Các nguyên tắc bổ trợ, tôn trọng các truyền thống và văn hóa khác nhau vốn cùng nhau hình thành nên châu Âu, và đi theo con đường của sự liên đới thực tế chống lại việc áp đặt ý thức hệ, là điều tối quan trọng”, các Giám mục nói.

Đức Giám mục Mariano Crociata Địa phận Noto đã khai mạc phiên họp toàn thể mùa xuân của COMECE bằng cách chỉ ra tầm quan trọng của các cuộc bầu cử quốc hội EU sắp tới, dự kiến vào tháng 6, đồng thời cho biết đây là một cách độc đáo và quan trọng để củng cố EU.

“Điều quan trọng là giúp các quốc gia của chúng ta, bắt đầu từ các tín hữu của chúng ta, thực hiện các cuộc bầu cử một cách nghiêm túc, coi trọng sự tham gia và tinh thần trách nhiệm, có thể phù hợp với nhận thức Kitô giáo trưởng thành”, vị Giám chức nói, đồng thời lặp lại lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo COMECE dành cho Châu Âu hãy nhớ đến cội nguồn Kitô giáo của mình khi cuộc bầu cử đến gần.

Về vai trò của EU trên thế giới, Đức Giám mục Crociata cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, đồng thời cho rằng “trong một thế giới đa cực chứng kiến sự trỗi dậy của các cường quốc dẫn đầu mới, một Liên minh châu Âu bị chia rẽ bởi những tranh chấp nội bộ, không thể nói chung một tiếng nói, chỉ có thể chuẩn bị để tự mình trả giá cao cho việc bị gạt ra bên lề xã hội”.

Trong cuộc họp của mình, các thành viên COMECE đã suy nghĩ về dịp kỷ niệm 20 năm mở rộng EU vào năm 2004 và họ đã cùng tham gia với nhiều nhân vật chính trị và tôn giáo khác nhau để đánh giá những thành công và thất bại của bước đi đó.

Trong số những người mà hội nghị đã gặp gỡ có ông Ján Figel, thành viên Ban Giám đốc của Viện Đổi mới và Công nghệ Châu Âu, cựu Đặc phái viên về thúc đẩy Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng bên ngoài EU, và Trưởng đoàn đàm phán trong quá trình gia nhập EU của Slovakia.

Họ cũng đã gặp gỡ ông Alojz Peterle, cựu Thủ tướng Slovenia và cựu Thành viên Nghị viện Châu Âu, và Giáo sư Tomáš Halík của Đại học Charles và Chủ tịch Học viện Kitô giáo Séc.

Hiện tại EU đang xem xét một số yêu cầu gia nhập mới, bao gồm cả yêu cầu của Ukraine và Moldova, và sau khi đã cấp tư cách ứng viên chính thức cho Georgia.

Cuộc họp tiếp theo của COMECE dự kiến diễn ra vào mùa thu này tại Brussels, từ ngày 27-29 tháng 11 năm 2024.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube