Đức Phanxicô: Các nhóm nghiên cứu sẽ xem xét 10 chủ đề của Thượng Hội Đồng về Hiệp hành cho đến tháng 6 năm 2025

Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi bế mạc Thượng Hội Đồng về Hiệp hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi bế mạc Thượng Hội Đồng về Hiệp hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Các chuyên gia của Giáo hội sẽ gặp gỡ nhau trong các nhóm nghiên cứu để xem xét vấn đề về các nữ Phó tế và các chủ đề quan trọng khác cho đến tháng 6 năm 2025 – vượt xa thời điểm bế mạc vào ngày 27 tháng 10 của phiên họp cuối cùng của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, Đức Thánh Cha Phanxicô tiết lộ trong một lá thư mới gửi cho Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng được phát hành hôm thứ Năm.

Viết cho Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng Báo cáo tổng hợp dài 42 trang được đưa ra sau phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng được tổ chức vào tháng 10 năm ngoái “liệt kê nhiều vấn đề thần học quan trọng”, mà “về bản chất, đòi hỏi cần phải nghiên cứu chuyên sâu”.

Bởi vì sẽ không thể hoàn thành nghiên cứu này trước khi bắt đầu phiên họp Thượng Hội đồng tiếp theo vào ngày 2 tháng 10, Đức Thánh Cha giải thích: “Tôi đang sắp xếp để phân chia họ vào các nhóm nghiên cứu cụ thể, để các vấn đề có thể được xem xét một cách thích hợp”.

Trong bức thư của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã liệt kê 10 chủ đề mà ngài muốn các nhóm nghiên cứu xem xét. Đó là:

1. Một số khía cạnh trong mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo Đông phương và Giáo hội Latinh.

2. Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo.

3. Sứ mạng truyền giáo trong môi trường kỹ thuật số.

4. Việc sửa đổi “Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis” theo quan điểm hiệp hành truyền giáo.

5. Một số vấn đề thần học và giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ cụ thể.

6. Việc sửa đổi, theo quan điểm hiệp hành truyền giáo, các tài liệu liên quan đến tương quan giữa các Giám mục, đời sống thánh hiến và các tổ chức Giáo hội.

7. Một số khía cạnh về con người và thừa tác vụ của Giám mục (tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên cho chức vụ Giám mục, chức năng tư pháp của giám mục, tính chất và tiến trình của các chuyến viếng thăm Ad limina apostolorum) từ góc độ hiệp hành truyền giáo.

8. Vai trò của các vị Đại diện Giáo hoàng theo quan điểm hiệp hành truyền giáo.

9. Các tiêu chí thần học và các phương pháp luận đồng nghị cho sự phân định chung về các vấn đề gây tranh cãi về giáo lý, mục vụ và luân lý.

10. Tiếp nhận hoa trái của hành trình đại kết trong các thực hành của Giáo hội.

Các chủ đề được chọn này nằm trong danh sách rộng hơn các chủ đề được coi là “các vấn đề có liên quan đáng kể” được đưa ra trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023, vốn đòi hỏi phải xem xét “ở cấp độ toàn thể Giáo hội và phối hợp với các Thánh Bộ của Giáo triều Rôma” theo tài liệu ngày 12 tháng 12 năm 2023 từ Tổng thư ký của Thượng hội đồng có tiêu đề “Hướng tới tháng 10 năm 2024”.

Nhận thấy rằng những vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng không có đủ thời gian để đề cập đầy đủ tất cả trước Thượng Hội đồng vào tháng 10. Do đó, Đức Thánh Cha nói, “các nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra báo cáo ban đầu về hoạt động của họ nhân dịp phiên họp thứ hai và, nếu có thể, sẽ kết thúc nhiệm vụ của họ trước tháng 6 năm 2025”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng “nhiệm vụ của Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, bằng sự đồng thuận chung với các cơ quan có thẩm quyền của Giáo triều Rôma, là thành lập các nhóm này, kêu gọi các mục tử và chuyên gia từ khắp các châu lục cùng tham gia, và xem xét không chỉ những nghiên cứu hiện có cũng như những kinh nghiệm hiện tại có liên quan nhất của dân Chúa quy tụ tại các Giáo hội địa phương”.

“Điều quan trọng là các nhóm nghiên cứu nói trên phải làm việc theo một phương pháp hiệp hành đích thực, trong đó tôi yêu cầu hiền đệ phải là người bảo lãnh”, Đức Thánh Cha tiếp tục trong bức thư gửi Đức Hồng Y Grech.

Tại một cuộc họp báo tại Vatican hôm thứ Năm, các quan chức của Ban Thư ký Thượng Hội đồng đã thảo luận về bức thư của Đức Thánh Cha cũng như hai tài liệu mới mà Tổng thư ký đã công bố cùng với bức thư.

Tài liệu đầu tiên, có tựa đề: “5 quan điểm khám phá thần học theo quan điểm của Phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ XVI”, suy tư về chủ đề hướng dẫn của Thượng hội đồng: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội Hiệp hành truyền giáo?”.

Tài liệu nhấn mạnh rằng phiên họp tiếp theo sẽ giúp đào sâu “mối liên hệ năng động giữa sự tham gia của tất cả mọi người và thẩm quyền của một số người, trong chân trời của sự hiệp thông và truyền giáo… trong ý nghĩa thần học của nó, trong những cách thực tế để vận hành nó, và trong thực tế của các cơ cấu Giáo luật”.

Tài liệu cũng vạch ra các bước trung gian sẽ được thực hiện trong những tháng tới để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, đồng thời lưu ý rằng tiến trình này sẽ được xây dựng dựa trên một “tiến trình tham vấn mới”, nêu rõ rằng điều này sẽ diễn ra ở 3 cấp độ khác nhau: Giáo hội địa phương, các nhóm Giáo hội (tức là quốc gia, khu vực, lục địa) và ở cấp độ toàn cầu.

Tài liệu thứ hai có tựa đề “Các nhóm nghiên cứu về các vấn đề nảy sinh trong Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục thường kỳ lần thứ XVI nhằm tăng cường sự hợp tác với các Thánh Bộ của Giáo triều Rôma”.

Đây là tài liệu thứ hai xác định chủ đề số 5 – liên quan đến các vấn đề liên quan đến các hình thức thừa tác vụ – “là bối cảnh trong đó câu hỏi về khả năng tiếp cận chức Phó tế của phụ nữ có thể được đặt ra một cách thích hợp”.

Tài liệu lưu ý rằng nhóm nghiên cứu được thành lập để xem xét vấn đề này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo lý Đức tin. Nhóm này “được giao nhiệm vụ tiếp tục “việc nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp cận chức phó tế của phụ nữ, tận dụng kết quả của các ủy ban do Đức Thánh Cha thiết lập cách đặc biệt”.

Công việc của nhóm “cũng sẽ nhằm đáp ứng mong muốn được Thượng Hội đồng bày tỏ về ‘sự công nhận và đánh giá cao hơn về sự đóng góp của phụ nữ và sự phát triển trong các trách nhiệm mục vụ được giao phó cho họ trong mọi lĩnh vực của đời sống và sứ mạng của Giáo hội”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube