Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Carlos Herrera, một nhà báo của đài phát thanh Tây Ban Nha COPE./ COPE.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Carlos Herrera, một nhà báo của đài phát thanh Tây Ban Nha COPE/ COPE.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến các vụ bê bối tài chính của Vatican trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh được phát sóng hôm thứ Tư, đồng thời cho biết rằng ngài hy vọng rằng Đức Hồng y Angelo Becciu vô tội đối với những cáo buộc chống lại ngài.

“Tôi hoàn toàn hy vọng rằng Đức Hồng y Angelo Becciu vô tội. Bên cạnh đó, ngài là một cộng tác viên của tôi và đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Ngài còn là một người mà tôi rất quý trọng với tư cách là một con người, điều đó có nghĩa là mong muốn của tôi là mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp đối với ngài… Trong mọi trường hợp, công lý sẽ quyết định”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với Carlos Herrera, một nhà báo của đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha.

Đức Hồng y Becciu là một trong 10 bị cáo trong phiên tòa xét xử tội phạm tài chính lớn nhất của Vatican trong thời kỳ hiện đại, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi các tiêu chuẩn cho phép các Hồng y phải chịu xét xử bởi các thẩm phán giáo dân. Đức Hồng y Becciu bị cáo buộc tội tham ô và lạm dụng chức vụ, nhưng kịch liệt phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút, lần đầu tiên kể từ khi trải qua cuộc phẫu thuật ruột kết, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những hạn chế gần đây đối với Thánh lễ Latinh Truyền thống, việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Afghanistan, thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, vấn đề an tử và phá thai.

“Tôi không sợ sự minh bạch hay sự thật. Đôi khi điều đó gây tổn thương và rất nhiều, nhưng sự thật là điều giải thoát chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi được hỏi về vấn nạn tham nhũng tại Vatican.

“Chúng ta hãy hy vọng rằng những bước mà chúng ta đang thực hiện tại Vatican, công lý sẽ giúp làm cho những sự kiện này ngày càng ít xảy ra hơn… Vâng, bạn đã sử dụng từ tham nhũng và, trong trường hợp này, rõ ràng, ít nhất là ngay từ ban đầu, có vẻ như là đã tồn tại vấn nạn tham nhũng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

BFD0E904-DDCE-42DD-8C96-4DF17350EF27

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục và đặt câu hỏi tại sao các chính phủ không nỗ lực hơn nữa để loại bỏ nội dung khiêu dâm trẻ em.

“Lạm dụng một cậu bé để quay phim khiêu dâm trẻ em quả là một hành động hết sức tồi tệ. Nó không thể được giải thích nếu không có sự hiện diện của ma quỷ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đôi khi tôi tự hỏi làm thế nào mà một số chính phủ lại cho phép sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em. Đừng nói rằng họ không biết. Ngày nay, với các dịch vụ tình báo, mọi thứ đều được biết. Chính phủ biết ai ở quốc gia mình sản xuất nội dung khiêu dâm trẻ em. Đối với tôi, đây là một trong những điều quái dị nhất mà tôi từng thấy”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ca ngợi Đức Hồng Y Seán O’Malley Địa phận Boston vì công lao của ngài trong việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên.

“Tôi muốn tri ân một vị Giám chức đã bắt đầu nói về điều này với lòng dũng cảm, mặc dù ngài là cái gai về phía tổ chức, rất lâu trước khi tổ chức được thành lập về chủ đề này, và đó là Đức Hồng y O’Malley. Việc giải quyết vấn đề ở Boston đối với ngài quả là không hề dễ dàng chút nào”.

Những hạn chế đối với Thánh lễ Latinh truyền thống

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả việc công bố Tự Sắc “Summorum Pontificum”, Tông Thư năm 2007 dỡ bỏ những hạn chế đối với việc cử hành Thánh lễ theo Sách lễ năm 1962, là “một trong những công việc mục vụ tuyệt vời nhất và nhân bản nhất của Đức Bênêđíctô XVI, người có lòng nhân từ tế nhị khéo léo”.

Giải thích lý do tại sao ngài ban hành Tự Sắc “Traditionis Custodies” vào tháng Bảy nhằm hạn chế việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Sau đó, chủ đề đã được nghiên cứu và dựa trên đó, mối bận tâm xuất hiện nhiều nhất là điều gì đó đã được thực hiện để giúp đỡ về mặt mục vụ những người đã sống kinh nghiệm trước đây đang được chuyển đổi thành ý thức hệ … Vì vậy, chúng tôi đã phải phản ứng với các tiêu chuẩn rõ ràng”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Bởi vì nó có vẻ hợp thời ở một số nơi mà các Linh mục trẻ sẽ nói ‘Ồ, không, tôi muốn…’ và có thể họ không biết tiếng Latinh, họ không biết nó có nghĩa là gì”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng ngài thấy cần phải chăm sóc mục vụ với “một số giới hạn hữu hiệu”.

“Chẳng hạn, việc công bố Lời Chúa phải bằng ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu được; nếu không nó chẳng khác việc cười vào Lời Chúa. Những điều nhỏ nhặt. Nhưng đúng, giới hạn là rất rõ ràng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Việc rút quân khỏi Afghanistan

Khi được hỏi về việc Mỹ và các đồng minh rút khỏi Afghanistan, Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “tất cả các tình huống có thể xảy ra đều không được tính đến”.

Đức Thánh Cha cho biết rằng ngài rất xúc động trước điều mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói về chủ đề này ở Moscow vào ngày 20 tháng 8 vừa qua, nhưng trích dẫn được diễn giải của ngài thực sự là lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo hãng tin AP.

“Cần phải chấm dứt chính sách vô trách nhiệm của việc áp đặt các giá trị của mình lên người khác và nỗ lực xây dựng nền dân chủ ở các quốc gia khác dựa trên các mô hình bên ngoài mà không tính đến các vấn đề về lịch sử, dân tộc và tôn giáo và hoàn toàn phớt lờ truyền thống của người khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Cô đọng và thuyết phục. Tôi thiết nghĩ điều này nói lên rất nhiều điều; và mọi người có thể giải thích nó theo như họ muốn. Nhưng ở đó, tôi cảm thấy một sự khôn ngoan khi nghe người phụ nữ này nói điều này”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết rằng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đang giúp đỡ – hoặc ít nhất là đề nghị giúp đỡ – đối với tình hình ở Afghanistan.

“Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin, thực sự là nhà ngoại giao tốt nhất mà tôi từng gặp”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ thêm.

Thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc

Thảo luận về thỏa thuận tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, được ký lần đầu tiên vào năm 2018 và được gia hạn vào năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trung Quốc không dễ dàng, nhưng tôi tin rằng chúng ta không nên từ bỏ đối thoại. Bạn có thể bị lừa dối trong một cuộc đối thoại, bạn có thể mắc sai lầm, tất cả những điều đó … nhưng đó là cách thức phải thực hiện. Tư duy bảo thủ không bao giờ là lựa chọn”.

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Những gì đã đạt được cho đến nay ở Trung Quốc ít nhất là đối thoại … một số việc cụ thể như việc bổ nhiệm các Giám mục mới, từ từ dần đều… Nhưng đây cũng là những bước có thể còn nghi ngờ và kết quả thì chẳng thấy đâu”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng Đức Hồng y Agostino Casaroli, Quốc Vụ Khanh Vatican trong 10 năm đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, là một hình mẫu về đường lối ngoại giao của Vatican và đã đánh giá cao cuốn sách của ngài: “Nỗi thống khổ của Sự kiên nhẫn” (The Martyrdom of Patience).

“Ngày nay, bằng cách nào đó, chúng ta phải đi theo những đường lối đối thoại này từng bước trong những tình huống mâu thuẫn nhất. Kinh nghiệm của tôi trong cuộc đối thoại với Hồi giáo, chẳng hạn, với Đại Imam Al-Tayyeb rất tích cực trong việc này, và tôi rất biết ơn ngài”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đề cập đến Đại Imam của Đại học Hồi giáo al-Azhar ở Ai Cập, người đã cùng với Đức Thánh Cha ký kết một tuyên bố về Tinh thần huynh đệ nhân loại vào năm 2019.

Vấn đề an tử và phá thai

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bảo vệ mạnh mẽ sự phản đối của Giáo hội đối với vấn đề an tử và phá thai.

“Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thải loại. Cái gì không còn ích lợi thì bị bỏ đi. Người già bị coi là vật chất dùng một lần: họ bị coi như là một mối phiền toái. Không phải tất cả, nhưng trong vô thức tập thể của văn hóa thải loại, những người già … cũng như những người mắc bệnh nan y; những đứa trẻ không được mong đợi cũng vậy, và chúng bị giết hại trước khi chúng được sinh ra”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét.

“Điều Giáo hội yêu cầu là giúp mọi người được chết với phẩm giá của họ. Điều này đã luôn được thực hiện”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Và liên quan đến trường hợp phá thai… Tôi nói thế này: bất kỳ sách hướng dẫn phôi thai học nào được đưa cho một sinh viên y khoa trong trường y đều nói rằng vào tuần thứ ba của quá trình thụ thai, đôi khi trước khi người mẹ nhận ra rằng mình đang mang thai, tất cả các cơ quan trong phôi thai đã được định hình, thậm chí cả DNA. Đó là một sự sống. Một sự sống con người. Một số người nói: ‘Đó không phải là một con người’. Đó chính là một sự sống con người”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ra một câu hỏi: “Liệu có hợp lý khi loại bỏ một sự sống con người để giải quyết một vấn đề, liệu có công bằng khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề không?”.

Những tên quỷ lịch thiệp

Khi được hỏi về ma quỷ, một chủ đề mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường đề cập kể từ khi đắc cử Giáo hoàng năm 2013, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự nguy hiểm của thứ mà ngài gọi là “những tên quỷ lịch thiệp”.

“Ma quỷ tung tăng khắp nơi, nhưng tôi sợ nhất là những tên quỷ lịch thiệp. Những kẻ bấm chuông cửa nhà bạn, những kẻ xin phép bạn, những kẻ vào nhà của bạn, những kẻ kết bè kết bạn”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Nhưng Chúa Giêsu chưa bao giờ nói về điều đó? Đúng vậy… khi Ngài nói điều này: Khi thần ô uế thoát ra khỏi người đàn ông, khi ai đó được biến đổi hoặc thay đổi cuộc sống của mình, hắn bắt đầu rảo quanh và đi lang thang, ở những nơi khô cằn, hắn cảm thấy buồn chán, và một lúc sau anh hắn bèn nói: ‘Ta quay lại xem thế nào’, và hắn thấy ngôi nhà tất cả ngăn nắp, tất cả đã thay đổi. Sau đó, hắn tìm kiếm bảy người khác tệ hơn và nhập vào với một thái độ khác”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó là lý do tại sao tôi nói rằng điều tồi tệ nhất là những tên quỷ lịch thiệp, những kẻ bấm chuông cửa. Sự ngây thơ của người này để hắn nhập vào và kết thúc của người đàn ông đó còn tệ hơn lúc ban đầu, Chúa Giêsu nói. Tôi sợ những tên quỷ lịch thiệp. Đó là kẻ tồi tệ nhất, và người ta bị lừa phỉnh rất nhiều”.

Đức Thánh Cha Phanxicô không xem tivi

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kể câu chuyện đằng sau lý do tại sao ngài không xem truyền hình nhiều trong suốt 30 năm qua.

“Tôi đã đưa ra lời hứa vào ngày 16 tháng 7 năm 1990. Tôi cảm thấy rằng Thiên Chúa đang yêu cầu tôi làm như vậy, bởi vì chúng ta ở trong cộng đồng đang xem một thứ gì đó có kết cục là một sự hào nhoáng vô giá trị, khó chịu, tồi tệ. Tôi cảm thấy rất tồi tệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Đó là đêm ngày 15 tháng 7 năm 1990. Và ngày hôm sau, trong lời cầu nguyện, tôi đã hứa với Chúa là sẽ không xem ti vi nữa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết thêm rằng ngài vẫn theo dõi các sự kiện quan trọng, chẳng hạn như khi một Tổng thống nhậm chức hoặc khi có một vụ rơi máy bay.

“Nhưng tôi không nghiện xem ti vi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Cuộc phẫu thuật ruột kết gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng cuộc sống đã trở lại bình thường kể từ khi trải qua một cuộc phẫu thuật đại tràng vào ngày 4 tháng 7 khiến ngài phải nằm viện trong 11 ngày.

“Đây là lần thứ hai trong đời một y tá đã cứu sống tôi”, Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Anh ấy đã cứu mạng tôi. Anh ấy nói với tôi: ‘Đức Thánh Cha phải phẫu thuật’. Có những ý kiến khác: ‘Sẽ tốt hơn với các loại thuốc kháng sinh…’ nhưng viên y tá đã giải thích điều đó một cách rất cặn kẽ. Anh ấy là một y tá đến từ đây, từ dịch vụ y tế của chúng tôi, từ bệnh viện Vatican. Anh ấy đã ở đây 30 năm, một người đàn ông dày dặn kinh nghiệm”.

Truyền thông Ý đã xác định y tá này là Massimiliano Strappetti, người đã làm việc tại Vatican từ năm 2002, sau 8 năm phục vụ trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Gemelli tại Rome.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng cuộc phẫu thuật của ngài đã được lên lịch trước và hiện tại Đức Thánh Cha đã ăn uống một cách cân đối sau vài tuần lễ hồi phục.

“Hiện tại tôi có thể ăn tất cả mọi thứ, điều mà trước đây không thể thực hiện được với bệnh viêm túi thừa. Tôi có thể ăn mọi thứ. Tôi vẫn phải dùng thuốc hậu phẫu thuật, vì bộ não phải ghi nhận rằng nó có phần ruột ngắn hơn 33 cm [12 inch]”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến những tin đồn gần đây về việc từ nhiệm của ngài, đồng thời cũng cho biết rằng ngài không hề hay biết gì về những tin đồn cho đến khi có người nói với ngài.

“Tôi chỉ đọc một tờ báo ở đây vào buổi sáng, tờ báo của Rome… Tôi đọc lướt qua nhanh chóng và chỉ thế thôi… Và tôi nhận được báo cáo về một số tin tức trong ngày, nhưng tôi đã phát hiện ra rất nhiều thứ sau đó, vài ngày sau, rằng có điều gì đó khiến tôi phải từ nhiệm”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Bất cứ khi nào một vị Giáo hoàng lâm bệnh, thì thế nào cũng sẽ có một cơn gió thoảng, hoặc một trận cuồng phong, của một Cơ Mật Viện bầu tân Giáo hoàng”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube