Nếu hôm nay bạn nghe tiếng Chúa

Chúa Thánh Thần đã hun đúc lòng trí chúng ta và làm cho chúng ta được đầy tràn ân sủng của Người.

today

Chúng ta đều đã biết câu chuyện về: Ađam và Evà, Cain và Aben, Giacóp và Exau.

Chúng ta cũng đã biết những câu trong Kinh Thánh: “Thiên Chúa đã yêu thương con người quá đỗi…;” “Bất cứ điều gì các ngươi làm cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta …;” “Thiên Chúa là tình yêu.” Và những điều răn như: “Chớ giết người;” “Thảo kính cha mẹ;” “Chớ tham của người.”        

Hầu hết chúng ta được lớn lên với những câu chuyện Kinh Thánh và các điều răn này, những điều đã thấm nhuần vào cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, có bao giờ bạn nhận thấy những từ và cụm từ trong Kinh Thánh luôn sẵn sàng được nói ra đến thế? Thật dễ dàng khi nói rằng, “Hãy yêu người thân cận như chính mình,” hoặc “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”.

Những điều này thật là nguồn cảm hứng sâu sắc, nhưng theo ý của Cha trên trời, khía cạnh “dạy dỗ” này của Kinh Thánh chỉ là bước khởi đầu cho những gì mà Thiên Chúa muốn thực hiện qua lời nói của Người. Người không tạo dựng chúng ta một cách đơn giản để trở nên những người chính trực và công minh. Người cũng không chỉ dành Kinh Thánh là quyển sách lề luật để hướng dẫn chúng ta với sự quan sát từ xa của Người. Thiên Chúa khao khát xây dựng mối quan hệ mật thiết với chúng ta. Người muốn nói với chúng ta ngay ở đây và bây giờ – và Người làm điều đó thông qua Kinh Thánh.

Không giống như những quyển sách khác, Kinh Thánh thì “sống động và hữu hiệu” (Hr 4,12). Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh có sức mạnh đem Thiên Chúa đến hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, hãy lắng nghe Môsê nói với dân Ítraen khi họ sắp vào Đất Hứa. Ông nói với họ bằng lời của Đức Chúa…

“Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói, “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” (Đnl 30,11-14)

Thiên Chúa đã ghi vào lòng chúng ta, khắc vào tâm khảm chúng ta Lề Luật của Người (Gr 31,33), và mỗi khi chúng ta tìm kiếm tiếng Chúa trong Kinh Thánh, tự đáy lòng ta trào dâng niềm phấn khởi, hi vọng, và tin tưởng rằng Thiên Chúa chắc chắn sẽ đáp lại lời khẩn nguyện của chúng ta. Thánh Augustinô từng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã đâm thâu tâm hồn con Lời của Người, và con yêu mến Người.”

Nhiều thế kỷ sau khi ông Môsê dẫn dắt dân Ítraen, một trong những tác giả Thánh Vịnh đã nhắc nhở họ về lịch sử thăng trầm của dân Ítraen trong những năm lang thang trong hoang mạc:

“Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! [Người phán]: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95,7-9)

Từ nhiều thế kỷ trước, Thiên Chúa đã phán với tổ tiên của họ tại núi Sinai, nhưng vịnh gia này dường như xem việc Thiên Chúa vẫn muốn nói với họ một lần nữa vào “hôm nay”, mỗi ngày, là điều hiển nhiên. Quả thật, sẽ không có “ngày hôm nay” nếu Thiên Chúa không tiếp tục nói với dân Người. Chỉ có sự “trở lại” khi Thiên Chúa phán với Môsê, và cũng chỉ có sự “trở lại” khi Đức Giêsu đến làm Người trong thế gian.

Vậy làm thế nào để chúng ta nghe tiếng Chúa? Làm thế nào để đảm bảo rằng chúng ta vừa cầu nguyện xong hoặc vừa tham dự một Thánh Lễ lại có thể tự tin nói rằng: “Hôm nay Chúa đã nói chuyện với tôi”? Để có câu trả lời, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa ngoài sách Thánh vịnh, quyển Kinh Thánh hướng dẫn về cầu nguyện. Ngay ở hai câu đầu của chương đầu tiên, chúng ta đã nhìn thấy cách thức để nghe tiếng Chúa và cảm nhận được ân sủng hiện hữu của Người:

“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật CHÚA, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.” (Tv 1,1-2).

Chìa khóa để lắng nghe được tiếng Chúa trong Kinh Thánh chính là nghệ thuật tịnh tâm, khi chúng ta đọc, nghiền ngẫm và đắm mình hoàn toàn vào một đoạn Kinh Thánh cho đến khi chúng ta nghe và hiểu được Chúa đang đối thoại với cá nhân ta qua những Lời đó.

Mặc dù ban đầu có vẻ như phương pháp tịnh tâm được thực hiện tự do không theo một khuôn mẫu nào, nhưng đó chính là phương pháp để giữ chúng ta khỏi việc mất tập trung. Đừng nghĩ rằng có thể tịnh tâm để suy niệm Kinh Thánh khi bạn đang lái xe, mua sắm, hay chạy bộ trong công viên. Bạn càng tập trung vào Lời Chúa bao nhiêu, thì bạn sẽ nghe được Người nói với bạn bấy nhiêu. Do đó, hãy chọn thời điểm bạn tỉnh táo nhất. Và tìm một nơi thoải mái và không làm mất tập trung hay quá bừa bộn.

Dù bạn chọn đoạn Kinh Thánh nào, đừng nên chọn đoạn quá dài. Mục đích của việc tịnh tâm không phải để ghi nhớ hay kiểm tra mà là để lắng nghe Lời Chúa đánh động tâm hồn bạn. Và vì vậy, càng ngắn thì bạn càng suy niệm được nhiều hơn. Nhiều người chọn một trong những bài đọc phụng vụ hàng ngày. Những người khác chọn suy niệm về một đoạn Kinh Thánh hoặc một thư trong cuốn Tân Ước.

Một khi đã lãnh hội tư tưởng và sự tĩnh lặng trong tâm trí, hãy tiếp tục đọc đoạn Kinh Thánh đó. Dành thời gian để đọc một cách chú tâm và cẩn trọng. Hãy đọc nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy thỏa mãn với ý nghĩa của từng câu chữ. Nếu bạn gặp một từ hoặc cụm từ khó hiểu, hãy đọc lời bình hoặc chú thích của quyển sách đó để được giải thích. Nhưng đừng dành quá nhiều thời gian cho việc đó. Chỉ làm những gì cần thiết để làm rõ những chỗ còn mơ hồ, và trở lại việc cầu nguyện.

Đừng quá khiên cưỡng trong việc tịnh tâm. Thay vào đó, hãy thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe những dấu ấn mà Lời Chúa để lại trong tâm trí bạn. Có phải Lời Chúa đang khuấy động trái tim bạn với niềm hi vọng? Có phải Lời Chúa đang chỉ ra nơi tối tăm mà bạn cần phải thắp lên ánh sáng của việc sám hối? Có phải Lời Chúa đang an ủi hay khuyến khích hay lấp đầy bạn bằng lòng biết ơn và tình yêu? Có phải Lời Chúa đang thúc đẩy bạn làm hành động nào đó, có thể là đương đầu với thói quen của bạn hay giúp bạn có một mối quan hệ thân thiết?

Cho dù Thiên Chúa nói gì hay nói với bạn như thế nào, Lời Chúa sẽ luôn gần gũi và thân mật. Đây không phải thứ mà chúng ta có thể tạo ra. Đó là một món quà mà ta chỉ được nhận với lòng biết ơn, sự khiêm tốn và tình yêu. Điều đó chỉ xuất hiện khi chúng ta tĩnh lặng tâm hồn khỏi những tư tưởng rối bời và chờ đợi để nghe Chúa muốn nói gì với chúng ta.

Vào năm 1893, trong Thông điệp Providentissimus Deus, ĐTC Lêô XIII đã viết, “Kinh Thánh không giống những quyển sách khác. Do được tác động bởi Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh chứa đựng những điều quan trọng với ý nghĩa sâu xa, mà trong nhiều hoàn cảnh khó có thể giải thích được. Để hiểu và giải thích được những điều này, luôn cần có sự ‘ngự đến’ của Chúa Thánh Thần; nghĩa là, ánh sáng và ân sủng của Ngài” (số 5).

Những lời của ĐTC Lêô dạy chúng ta rằng, Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta thấy được sự thật của Thiên Chúa, thì sự mạc khải này là sức mạnh để thay đổi chúng ta. Chính “ánh sáng và ân sủng” của Thiên Chúa soi lòng mở trí chúng ta về sự hiện diện của Người và cho ta thấy Người trong ánh sáng mới huy hoàng. Khi chúng ta suy niệm Kinh Thánh, Thánh Thần cho chúng ta một cái nhìn chân lý về Thiên Chúa: toàn năng, chí thánh, khôn ngoan vượt trội, yêu thương và công bằng.

Thánh Giêrônimô, một trong những học giả Kinh Thánh vĩ đại nhất của Giáo Hội, đã mô tả kinh nghiệm về sự tuôn tràn Thần Khí trong Thánh Kinh như sau:

“Của ngon, mật ngọt nào có thể ngọt ngào hơn sự học biết về Đức Chúa, được vào đền thờ và chiêm ngắm tôn nhan của Đấng Tạo Hóa, được lắng nghe lời Chúa mà những bậc khôn ngoan thông thái chê cười nhạo báng, nhưng thực sự là giáo huấn cho tâm hồn?” (Thư gửi Paula, 30.13)

Về phần chúng ta, khi đọc Kinh Thánh và suy niệm, chúng ta sẽ cảm nghiệm được Chúa Giêsu chính là viên ngọc quý giá và là con đường dẫn lối cho cuộc sống (Mt 13,46; Tv 119,105). Chúng ta cảm nghiệm được sự khát khao từ trái tim để được ở gần với Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Tất cả là nhờ Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của mình để hun đúc tâm can chúng ta với sự hiểu biết sâu sắc về Thiên Chúa. Những gì đã từng có trong tư tưởng giờ đây đã hiện hữu nơi trái tim, làm cho chúng ta ngập tràn trong niềm vui sướng vì được biết Chúa Giêsu, sự bình an khi cùng hiệp thông với công cuộc cứu rỗi của Người, và niềm khao khát được yêu Chúa để đáp lại tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa khao khát nói với chúng ta từ trong sâu thẳm tâm hồn. Người muốn mạc khải sự thật, xác tín tình yêu của Người và dạy cho chúng ta con đường của Người. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ mệt mỏi khi lắng nghe Thiên Chúa và lãnh nhận lấy ơn mạc khải ấy của Người!

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org – If Today You Hear His Voice

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube