Năm Thánh Lòng Thương Xót và Tháng Ramadan sẽ là cơ hội kiến tạo hòa bình và hòa giải

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Hồi giáo dòng Sunni, Shia, Yazidi và Sabean đã tham gia buổi cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức bởi Tòa Thượng Phụ Chaldean. Những bài Thánh vịnh và thánh ca đã cùng hòa quyện với nhau trong những lời cầu nguyện sốt sắng. Các Giáo sĩ dòng Sunni và Shia đã phát biểu tại buổi cầu nguyện. Những ngọn nến cháy sáng được đặt dưới chân bức tượng Đức Trinh Nữ Maria. AsiaNews đã công bố bài phát biểu của Đức Thượng Phụ Sako.

Đức Thượng Phụ Chaldean Mar Raphael Louis Sako đã chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Iraq, Syria và khu vực Trung Đông chiều hôm qua ngày 30/5, tại Baghdad.

Ngài cho biết Năm Thánh Lòng Thương Xót và tháng Ramadan – là dịp quan trọng đối với người Hồi giáo để họ ăn chay và cầu nguyện, hơn nữa, đây là “một cơ hội để sửa chữa những nhận thức sai lầm”, cũng như “lựa chọn những giải pháp đúng đắn nhằm kiến tạo hòa bình và hòa giải” và “xây dựng lòng tin lẫn nhau”.

Trong thông điệp gửi tới AsiaNews, Ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hãy cùng chung tay và nỗ lực để truyền bá một “nền văn hóa của sự khoan dung”, tăng cường “các giá trị của các quốc gia”, và “tránh xa tất cả các hình thức của chủ nghĩa cực đoan”.

Buổi cầu nguyện được tổ chức tại Thánh Đường Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi ở Baghdad, nhân dịp bế mạc tháng Hoa kính Đức Mẹ. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo dòng Shia, Sunni, Yazidi, và Sabean cũng đã tham dự buổi cầu nguyện cùng với một số nhà ngoại giao và nhiều tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau. Các quan chức chính phủ đã vắng mặt vì lý do an ninh.

Đức Thượng Phụ Chaldean Chaldean cùng với 2 Giáo sĩ dòng Sunni và Shia dẫn đã cùng chủ sự buổi cầu nguyện như là một dấu hiệu của việc đối thoại liên tôn. Các bài thánh ca và thánh vịnh được cất lên từ các tín hữu Kitô giáo cũng như những người Hồi giáo dòng Yazidis và Sabeans trong một bầu khí hết sức trang nghiêm.

Hai nhà lãnh đạo Hồi giáo đã phát biểu về tầm quan trọng của việc hòa giải và hòa bình “nhằm  tăng cường việc các tôn giáo cùng tồn tại”.  Tại Iraq, “chúng ta cần một sự thay đổi trong lối suy tư”, Đức Thượng Phụ Sako nói. Mỗi lãnh đạo tôn giáo sau đó đã thắp lên một “ngọn nến của hòa bình”, và đặt dưới chân bức tượng Đức Trinh Nữ Maria.

Dưới đây là thông điệp của Đức Thượng Phụ:

Tôi muốn bắt đầu bằng một sự chào đón nồng nhiệt tất cả mọi người đang hiện diện trong buổi cầu nguyện tối nay, nơi mà hương thơm các nhân đức của Đức Trinh Nữ Maria tỏa lan khắp Giáo Hội. Chúng tôi rất vui mừng vì mọi người hiện diện rất đông đủ.

Chúng ta mong muốn có một buổi cầu nguyện đầy tâm tình cho nền hòa bình ở nước ta và cả trong khu vực. Một buổi cầu nguyện dựa trên tấm gương của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã sống ân sủng và Lòng thương xót của Thiên Chúa một cách sâu sắc.

Mừng kính lễ Đức Mẹ Thăm Viếng trong những hoàn cảnh khó khăn thế này là một lời mời gọi đối với mỗi người chúng ta hãy noi theo gương sống đức tin, cởi mở, lòng yêu mến, phục vụ, tinh khiết, kiên nhẫn, cậy trông và xác tín của Mẹ.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong  một tình huống khó khăn và đau khổ mà những người ở Iraq, Syria và trong khu vực đang phải chịu. Bởi vì việc cầu nguyện sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc:

Làm dịu ngọn núi lửa luôn bùng cháy của những cuộc đấu tranh nội tâm nơi mỗi chúng ta.

Biến đổi tâm hồn những người đang phải sống trong những tình cảnh như vậy.

Đem lại cho chúng ta niềm vui, sự khiêm tốn cũng như giúp chúng ta biết cách cư xử hài hòa với tha nhân.

Như mọi người đã biết, những người siêng năng  cầu nguyện sẽ biết tự kiểm điểm và xem xét bản thân mình trước những hành xử đối với người khác. Nếu chúng ta có tinh thần cầu nguyện như vậy, “phép lạ sẽ xảy ra”, chúng ta sẽ có được một nền hòa bình thực sự.

Vì chúng ta đang cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, và vì tháng Ramadan cũng đang đến gần, qua đó, mời gọi các tín hữu Hồi chúng ta ăn chay, cầu nguyện, sám hối, và thể hiện “lòng thương xót’  đối với những người đau khổ. Đây là một cơ hội để chúng ta sửa chữa những nhận thức sai lầm, xây dựng những mối tương quan và lựa chọn những giải pháp thích hợp dẫn đến hòa bình, hòa giải và xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Vì chúng ta đang chịu trách nhiệm về nhân đạo và tôn giáo trong những điều kiện bi thảm này, chúng ta được mời gọi, với sự hiện diện của Thiên Chúa :

Hợp nhất những nỗ lực truyền bá văn hóa về lòng khoan dung, về tình yêu, hòa bình và tình  hữu nghị.

Làm sâu sắc thêm các giá trị thuộc về quốc gia đa văn hóa này.

Tránh xa khỏi mọi hình thức của chủ nghĩa cực đoan gây ra những cảnh chết chóc, đặc biệt là các luật lệ của tất cả các tôn giáo yêu cầu thiết lập công lý giữa các dân tộc và loại những cuộc đàn áp và phân biệt đối xử.

Chiến tranh như vậy là quá đủ rồi; người dân Iraq đã quá mệt mỏi khi phải nghe về những cảnh chết chóc, sự hủy diệt hàng ngày hàng giờ, tất cả những thứ ấy đều chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người để họ được sống hạnh phúc, để khao khát hòa bình, tự do, và sống đúng với nhân phẩm của mình.

Để có một tương lai tươi sáng hơn, chúng ta phải thay đổi nhận thức và cả cách giáo dục của chúng ta nữa”.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả những nỗ lực của chúng ta để giải thoát dân tộc Iraq cả về mặt quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa nữa”.

Minh Tuệ (theo Asianews)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube