Giáo Hội Nigeria lo lắng về việc loại trừ một cách có hệ thống đối với các Kitô hữu

Đức Cha Joseph Bagobiri – một vị giám mục Công giáo thuộc Giáo phận Kafanchan, đã kêu gọi sự hiệp lực hiệu quả của tất cả các giáo phái Kitô giáo trong nước nhằm chống lại hành động loại bỏ một cách hệ thống đối với Kitô giáo tại miền Bắc nước này.

Đức cha Bagobiri đã đưa ra lời kêu gọi này khi ngài đón tiếp phái đoàn chính thức của Hội đồng Giám mục Công giáo Nigeria (CBCN) đến thăm ngài tại Kafanchan. Phái đoàn đã đến thăm Giáo phận để đồng cảm với ngài; cũng như toàn thể các tín hữu Công giáo và cộng đồng các Kitô hữu miền nam Kaduna về những hành động tàn bạo gần đây của những người chăn gia súc Fulani trong khu vực, dẫn đến cái chết của hàng ngàn Kitô hữu cũng như sự tàn phá nhiều tài sản với trị giá lên đến hàng triệu Naira.

Phái đoàn do Đức Tổng Giám mục Joseph và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ignatius Kaigama dẫn đầu. Đức Tổng Giám Mục Kaigama đã được tháp tùng trong chuyến viếng thăm bởi linh mục Ralph Madu – Tổng thư ký của Ủy ban Thư ký Công giáo Nigeria (CSN); linh mục Zacharia Samjumi – Phó Tổng thư ký và linh mục Chris N. Anyanwu – Giám đốc Truyền thông Xã hội.

Phái đoàn cũng đã có mặt tại Kafanchan theo lời của Đức Tổng Giám mục Kaigama, “Để thăm Đức Cha Bagobiri kể từ khi ngài trở về từ chuyến chữa bệnh ở nước ngoài”. Ngài cho biết thêm: “Chúng con rất vui mừng vì hiện nay Đức Cha đã khá ổn và đang dần hồi phục sau khi được điều trị. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho ngài được mau chóng bình phục”.

Theo Đức Giám Mục Bagobiri, các Kitô hữu miền Nam Kaduna đã dâng tất cả những khốn khó của họ lên Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Họ cầu xin Thiên Chúa hãy chiến đấu với họ vì Ngài là Đấng duy nhất có thể giải cứu họ khỏi việc loại bỏ một cách có hệ thống đối với các Kitô hữu trong khu vực với sự hỗ trợ của chính phủ liên bang cũng như chính phủ và các nhân viên an ninh của đất nước.

Theo Đức Giám Mục Bagobiri, “Vì chúng tôi không có chính phủ nào có thể lắng nghe cảnh ngộ của chúng tôi nên chúng tôi phó thác nỗi khốn khổ này của chúng tôi lên Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng tôi khỏi tình cảnh hiện tại. Niềm hy vọng của chúng tôi nơi Ngài không bao giờ là vô ích vì Thiên Chúa Ngài biết rõ vấn đề của chúng tôi và Ngài sẽ giải phóng chúng tôi một ngày nào đó như chính Ngài cũng đã giải cứu dân Israel khỏi tay người Ai Cập”, Đức Giám mục Bagobiri nói.

Đức Giám mục Bagobiri tiết lộ rằng những thách đố cho sự sống còn của Kitô giáo ở miền bắc Nigeria được đặt lên trên những bất công về cơ cấu vốn đã trở thành thể chế hoá, đặc biệt là tại miền nam Kaduna. Do đó, Ngài chủ trương rằng Giáo hội mở ra những cách thức mới nhằm cho phép các tín hữu có thể giữ vững cho đức tin của họ khi bị bách hại. Đức Giám mục Bagobiri cũng liệt kê một số bất công bao gồm việc phân phối không công bằng các tiện nghi, các cơ sở hạ tầng cũng như việc phân biệt đối xử trong cuộc hẹn với các văn phòng chính trị hay công sở.

“Chúng ta có những thách đố lớn hơn về việc Kitô giáo có thể tồn tại thế nào tại Bắc Nigerian và đặc biệt là tại Nam Kaduna vì những bất công về cơ cấu vốn đã được thể chế hóa”, Đức Giám mục Bagobiri cho biết.

Đức Cha Bagobiri cho biết thêm, “Chúng ta với tư cách là một Giáo hội phải vạch ra những cách thế mới để chúng ta có thể đối diện với vấn đề bạo lực mà không đánh mất đức tin. Nguyện xin Thiên Chúa ban sức mạnh và sự hướng dẫn cần thiết để chúng ta có thể tìm ra những phương thức ngõ hầu Kitô giáo tồn tại bất chấp các cuộc tấn công và bách hại liên tục xảy ra”.

Trong những nhận xét của ngài về việc làm thế nào để chống lại những bất công về cấu trúc vốn đã được xác định là một trong những nguyên nhân gốc rễ của các cuộc xung đột ở miền bắc Nigeria, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Nigeria – Đức Tổng Giám mục Ignatius Kaigama – đã đưa ra một vài gợi ý.

“Trước hết, chúng ta phải không ngừng ‘lên tiếng’ đồng thời tạo sự chú ý đối với những bất bình đẳng cơ cấu vốn đã gắn với hệ thống chính quyền”, Đức Tổng Giám mục Kaigama nói.

Đức Tổng Giám mục Kaigama cho biết thêm, “Thứ hai, chúng ta phải tận dụng Hiến pháp để giành lại các quyền lợi của chúng ta. Trong trường hợp cần thiết, chúng ta phải ra tòa và nhờ đến các luật sư về nhân quyền đồng cảm với tiến trình công lý; với tư cách không chỉ là một Giáo Hội mà còn là các công dân của đất nước này”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube