Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu Công giáo lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine mỗi ngày trong tháng Năm

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu thinh lặng cầu nguyệncho hòa bình khi ngài chủ sự giờ nguyện Kinh Truyền Tin từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 13 tháng 3 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu thinh lặng cầu nguyệncho hòa bình khi ngài chủ sự giờ nguyện Kinh Truyền Tin từ cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 13 tháng 3 năm 2022 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bước sang ngày thứ 67, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới lần hạt Mân Côi mỗi ngày trong suốt tháng Năm để cầu nguyện cho hòa bình. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi nồng nhiệt mới đối với tất cả các bên nhằm “tránh leo thang liên tục bằng lời nói và quân sự” và đồng thời “bắt tay vào con đường đối thoại và hòa bình”.

Chào mừng khoảng 30.000 khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm Chúa nhật, ngày 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Hôm nay, chúng ta bắt đầu tháng dành riêng dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Tôi xin mời gọi các tín hữu và tất cả cộng đoàn hãy lần hạt Mân Côi mỗi ngày trong suốt tháng Năm để cầu nguyện cho hòa bình”.

Đức Thánh Cha nói với họ: “Mọi suy nghĩ của tôi ngay lập tức hướng đến thành phố Mariupol, thành phố của Đức Mẹ, nơi đã bị đánh bom một cách dã man và đã bị phá hủy”. Khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Mariupol có dân số hơn 400.000 người. Trong khi 3/4 dân số đã tìm cách chạy trốn khỏi khu vực, 100.000 người hiện vẫn còn bám trụ và đang sống sót dưới lòng đất ở nơi mà ngày nay là một thành phố gần như bị tàn phá hoàn toàn sau các đợt ném bom hàng ngày của lực lượng Nga.

Thị trưởng Mariupol báo cáo rằng 20.000 cư dân đã thiệt mạng trong vụ đánh bom, và khu vực duy nhất của thành phố cảng phía nam hiện còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine là nhà máy thép Azov, nơi đang bị lực luongj Nga ném bom hàng ngày. Hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục nói về điều đó: “Một lần nữa hôm nay, từ đây, tôi xin nhắc lại yêu cầu rằng cần phải có các hành lang nhân đạo an toàn cho những người bị mắc kẹt trong nhà máy thép của thành phố đó”.

Các nguồn tin của Ukraine cho biết có khoảng 1.000 dân thường – bao gồm cả phụ nữ và trẻ em – và khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine (bao gồm khoảng 600 thương binh) bên trong nhà máy thép. Hầu hết dân thường được cho là thành viên gia đình của các binh sĩ. Những người bên trong nhà máy hiện thiếu thức ăn, nước uống và thuốc men và đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo.

Cả Đức Thánh Cha Phanxicô lẫn Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, người gần đây đã đến thăm Moscow, đã kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin cho phép sơ tán những người bên trong nhà máy thép. Vào ngày 30 tháng 4, khoảng 20 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách trốn thoát, dường như nhờ sự giúp đỡ của Liên Hợp Quốc và Hội Chữ Thập Đỏ. Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế xác nhận rằng các cuộc sơ tán tiếp theo đang được tiến hành hôm Chúa nhật nhưng đưa ra rất ít chi tiết kể từ bài viết này.

Có vẻ như thỏa thuận “về nguyên tắc” đối với một cuộc sơ tán mà Tổng thống Putin trao cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ liên quan đến dân thường chứ không liên quan đến các binh sĩ, và vì lý do này mà vợ của bốn trong số những người lính đã đến Ý để kêu gọi đưa những người lính vào chương trình sơ tán.

Nói rộng hơn về cuộc chiến vốn không có hồi kết, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi đau khổ và tôi rơi nước mắt khi nghĩ đến sự đau khổ của người dân Ukraine, và đặc biệt là những người già và trẻ em”. Khi chiến tranh bắt đầu, Ukraine, quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu sau Nga, có dân số 44 triệu người. Ngày nay, hơn năm triệu người đã trở thành người tị nạn ở các quốc gia láng giềng và hơn 6 triệu người phải di tản trong nước. Nhiều thị trấn và thành phố đã bị biến thành đống đổ nát.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thu hút sự chú ý của các tín hữu đối với “những tin tức khủng khiếp” đến từ Ukraine về “những trẻ em bị trục xuất”. Vào ngày 30 tháng 4, Ngoại trưởng Liên bang Nga, Sergei Lavrov, cho biết “một triệu người” đã được “sơ tán” từ Ukraine đến Nga kể từ ngày 24 tháng 2 khi các lực lượng Nga tiến vào đất nước. Mặt khác, các nhà chức trách Ukraine cáo buộc Nga trục xuất những người này trái với ý muốn của họ, phần lớn trong số đó là trẻ em hoặc trẻ vị thành niên, và cáo buộc rằng nhiều trẻ em Ukraine mồ côi đang bị bắt làm con nuôi ở Nga. Một số người bị trục xuất tìm cách trốn thoát đã xác nhận tin này với truyền thông quốc tế.

“Và trong khi chúng ta đang chứng kiến một sự thoái trào đáng sợ của lòng nhân đạo”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi đề cập đến những báo cáo đó: “Tôi tự hỏi, cùng với rất nhiều người đau khổ, liệu hòa bình có thực sự đâng được tìm kiếm; liệu có ý muốn tránh tiếp tục leo thang bằng lời nói và quân sự hay không; cho dù mọi thứ có thể đang được thực hiện để ngăn chặn vũ khí”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi cầu xin anh chị em, chúng ta đừng đầu hàng logic của bạo lực, trước vòng xoáy gian ác của vũ khí. Chớ gì con đường đối thoại và hòa bình được thực hiện!”. Kế đến, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng với ngài hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Nhận thức được rằng không dưới 7 nhà báo đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine và những người khác bị thương, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng chúng ta kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí Thế giới vào ngày 3 tháng 5, sự kiện được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thiết lập vào năm 1993.

“Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các nhà báo đã trả giá bằng chính mạng sống của họ để phục vụ quyền này”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Đức Thánh Cha hồi tưởng 47 nhà báo đã thiệt mạng và hơn 350 người bị bỏ tù trên khắp thế giới vào năm ngoái. Đức Thánh Cha cũng gửi lời “cảm ơn đặc biệt” đến tất cả những ai “với lòng can đảm, đã thông báo cho chúng ta về những vết thương của nhân loại”.

Trước đó, vào ngày 6 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự cảm kích và khen ngợi đối với các nhà báo nam nữ “đã liều mạo hiểm mạng sống của họ” để thông tin cho thế giới về cuộc chiến ở Ukraine. “Cảm ơn anh chị em, vì dịch vụ này đã cho phép chúng tôi gần gũi với thảm kịch của người dân ở nơi đó và cho phép chúng tôi đánh giá sự tàn khốc của chiến tranh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube